* Nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác
Ngày 10-12, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, UBND TP Cần Thơ và Báo SGGP phối hợp tổ chức. Các đồng chí: Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Phong Quang, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, đồng chủ trì hội thảo. Ngoài ra còn có các hiệp hội ngành nghề trong cả nước, chủ các trang trại và doanh nghiệp sản xuất, chế biến lớn về nông sản, thực phẩm.
- Nhận diện thách thức
Từ khi ra đời đến nay đã hơn 2 năm, Nghị quyết TƯ 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, trên bình diện chung, nhiều chủ trương, chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống. “Có điều gì vướng mắc, cản trở quá trình này? Đó là sự chưa đồng bộ trong việc triển khai các giải pháp về phát triển nông nghiệp nông thôn”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã đi thẳng vào vấn đề. Đồng tình với ý kiến trên, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TPHCM cho rằng: “Tiêu đề hội thảo về triển khai chính sách đồng bộ là một ý tưởng độc đáo vì Việt Nam... chưa có gì đồng bộ”.
Chứng minh vấn đề bằng các số liệu khoa học, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, cho các đại biểu tại hội thảo thấy rõ sự mất cân đối trong việc thụ hưởng thành quả phát triển của khu vực nông thôn, sự bấp bênh của sản xuất manh mún nhỏ lẻ và những khoảng cách ngày càng xa giữa thành thị và nông thôn. TS Sơn trăn trở: “NNNT đóng góp lớn cho tăng trưởng và góp phần giữ ổn định kinh tế - xã hội cho đất nước nhưng đầu tư vào khu vực này ngày càng teo tóp dần. Năm 2000, con số là 13,8% GDP nhưng đến năm 2008, tụt xuống chỉ còn 6,2%. Thêm nữa, các thống kê về kinh tế - xã hội nông thôn thấy rất ổn về “lượng” nhưng “chất” rất kém. Chẳng hạn đến nay cả nước có 95% xã có đường ô tô nhưng thực tế… ô tô không chạy được vì nền yếu.
Với cá tính thẳng thắn, ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã “làm nóng” hội thảo bằng những kinh nghiệm thực tiễn. Ông Nguyễn Phong Quang nêu vấn đề: “Hội thảo về tam nông là sáng kiến lớn, rất hay, nhằm tìm ra hướng đi phù hợp cho NNNT. Tuy nhiên, NNNT là một phạm trù lớn, trước tiên là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cây trồng vật nuôi… Ở đây có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, tôi hỏi thẳng là vấn đề phát triển NNNT sắp tới sẽ như thế nào? Chúng ta đã nói mãi rồi nhưng… không thấy chuyển động! Tại ĐBSCL, người dân băn khoăn sắp tới đây, cây lúa, con cá, cây mía, trái cây sẽ ra sao? Tính vấn đề phải tính từ gốc, vì giống yếu, thủy lợi kém, nếu không có định hướng tốt, NNNT chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, rất khó khắc phục. Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định: “Hình thức tổ chức sản xuất hàng nông sản của nước ta dưới dạng hộ gia đình phân tán, quy mô nhỏ lẻ là phổ biến, do đó sẽ gặp khó khăn khi thị trường yêu cầu với số lượng lớn, thời gian giao hàng ngắn, chất lượng cao, bảo đảm tính đồng bộ về quy cách, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, chứng chỉ chất lượng và khi thực hiện các cam kết về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, nhất là ở những vùng sâu vùng xa”.
- “Tam nông” trong bối cảnh mới
Nhận diện những nhược điểm của NNNT Việt Nam để kiến nghị các giải pháp đồng bộ, phù hợp cho giai đoạn phát triển sắp tới là mục tiêu của cuộc hội thảo này. Do vậy, hơn 50 tham luận của các đại biểu gửi đến hội thảo là những trăn trở và tâm huyết đối với NNNT.
Nhìn nhận vấn đề của riêng khu vực ĐBSCL, thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nêu trong tham luận: “Trong 7 vùng kinh tế nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất cả nước. Là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, được ví với vựa thóc, mỏ tôm, cá của quốc gia nhưng hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức: suy giảm diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, mở rộng diện tích đất công nghiệp, xâm nhập mặn, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa. Nguồn thủy sản ở đây đang có nguy cơ cạn dần trước tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Mưa lũ, hạn hán, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Những nghiên cứu gần đây cho thấy có tới 31% tổng diện tích đất nông nghiệp và ngư nghiệp của vùng châu thổ này sẽ bị đe dọa khi mực nước biển dâng cao thêm 1m vào năm 2100".
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh khái quát: “Đáng quan ngại hơn là tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tính đến cuối năm 2009, trong tổng dân số cả nước 86 triệu người có tới trên 60 triệu (chiếm 70,4%) sống ở nông thôn. Trong tổng lực lượng 47,7 triệu lao động, vẫn có tới 23 triệu lao động trong khu vực nông lâm nghiệp và gần 1,8 triệu trong khu vực thủy sản (chiếm 51,9%)”.
TS Trần Du Lịch nêu thêm một ý tưởng mới, đó là phải chăng chúng ta thiếu kỹ thuật, thiếu vốn? Vấn đề là làm sao tổ chức lại phương thức sản xuất nông nghiệp, làm sao để phương thức này có khả năng hấp thụ vốn? Đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Là người “đứng mũi chịu sào” cho cây lúa ở ĐBSCL, TS Lê Văn Bảnh đề cập thực trạng bức bối của vấn đề biến đổi khí hậu và nguy cơ của phát triển ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa. Theo đó, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu: ngập mặn, khô hạn, ngập úng, nắng nóng, bão lũ, triều cường… Dân số Việt Nam đến năm 2020 sẽ ở mức 100 triệu người. Đến năm này, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa cần 600.000ha đất nông nghiệp; đất lúa mất 270.000ha. Chúng ta phải làm sao để giải quyết những vấn đề này, nếu không kịp thời bổ sung những giải pháp quan trọng ngay từ bây giờ?
Diễn ra chỉ trong một ngày, hội thảo còn lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp NNNT. Đa số các ý kiến đều tập trung đề cập đến hàng loạt vấn đề về quy hoạch sản xuất, tích tụ ruộng đất, khoa học công nghệ… Tại hội thảo, có đại biểu phải “nóng ruột” vì mất nhiều lần đăng ký mới được ban tổ chức sắp xếp phát biểu. Tuy nhiên, thời gian có hạn, một số nhà khoa học tâm huyết với vấn đề “tam nông” chưa có cơ hội trình bày ý kiến của mình trong hội thảo.
Thay mặt ban tổ chức hội thảo, ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, đã chân thành cảm ơn các cơ quan đồng tổ chức, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để hội thảo diễn ra thành công. Theo ông Trần Thế Tuyển, NNNT vẫn là lĩnh vực quan trọng nhất, ngoài an ninh lương thực, còn là vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Những thành quả của công cuộc đổi mới, người dân ở nông thôn vẫn chưa được hưởng lợi nhiều. Vấn đề giải pháp đồng bộ sẽ như thế nào? Từ vĩ mô đến vi mô, từ trung ương đến địa phương, từ nói đến làm, điều này đòi hỏi nhiều vai trò của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan truyền thông. Ban tổ chức có ý định sẽ nối dài cuộc hội thảo, sẽ tiếp tục theo dõi những kiến nghị và quá trình triển khai cơ chế chính sách cho NNNT
Đón đọc bài 2: Định hướng các giải pháp lớn
TRẦN MINH TRƯỜNG
Video: MINH TRƯỜNG