Cuối tuần qua, lãnh đạo Nhà máy Intel Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) có động thái khá chân tình và ý nghĩa khi mời ba học sinh Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh và Trần Bách Trung (Trường Phổ thông Trung học Hà Nội – Amsterdam), những người đoạt giải nhất lĩnh vực Kỹ thuật Điện và Cơ khí cho dự án “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời” tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel (diễn ra vào tháng 5 tại Mỹ) cùng gặp gỡ với ban giám đốc, nhân viên Nhà máy Intel Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có học sinh đoạt giải thưởng từ Hội thi danh giá này và quan trọng hơn đã mở ra tiền lệ lớn cho các học sinh Việt Nam với các nghiên cứu khoa học ở lứa tuổi học sinh cũng như ý nghĩa thực tế của đề tài…
Hệ thống xử lý nước mặn bằng cách kết hợp kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời. Thiết bị ejector tạo chân không và làm nước sôi ở nhiệt độ thấp (~50°C). Năng lượng mặt trời được cung cấp để duy trì quá trình sôi. Cơ sở lý thuyết của dự án bao gồm lý thuyết về hệ thống bơm-ejector, lý thuyết bức xạ mặt trời, quá trình truyền nhiệt và độ dịch điểm sôi của nước muối.
Các thí nghiệm cũng được tiến hành để xác định các thông số làm việc của ejector hút chân không và điểm sôi của nước muối. Hệ thống xử lý nước mặn có thể chưng cất được đến 9,7 lít nước mỗi ngày và sử dụng 63,5Wh cho 1 lít nước ngọt. Sự khác nhau giữa mô phỏng lý thuyết và thực nghiệm là ~63.5%. Em Vũ Anh Vinh, đại diện nhóm cho biết, hiện đề tài đã được chuyển giao đến một số trường đại học tại Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện và triển khai thành dự án lớn hơn…
Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Việt Nam, cho rằng cuộc thi này đã truyền nhiệt huyết cho hàng triệu sinh viên tham gia đóng góp tài năng của họ nhằm phát triển các giải pháp mang tính khả thi cho những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt và nền tảng giáo dục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học chính là mảnh đất hứa ươm mầm cho tài năng sáng tạo để hướng tới giải quyết các vấn đề nóng của tương lai.
Bá Tân