>> Vụ sai phạm tại VNCB: Phạm Công Danh lãnh 30 năm tù
>> Sai phạm tại VNCB là vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng
(SGGPO).- Sáng nay 27-12, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB). Đây là vụ sai phạm kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Theo nhận định của bản án sơ thẩm, đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank vào tháng 9-2012, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB). Bị cáo Danh đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.
Ngoài Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Danh còn lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ người thân, người quen đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB. Kết quả điều tra xác định Phạm Công Danh là "ông chủ" duy nhất, có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp liên quan. Do vậy, có nhiều khoản tiền bị cáo Danh rút từ VNCB ra, khai là để sử dụng chăm sóc khách hàng, duy trì ổn định của ngân hàng, chi vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh nhưng thực chất là phục vụ lợi ích bản thân của bị cáo.
Bị cáo Phạm Công Danh được đưa vào phòng xử án trong phiên tòa phúc thẩm, sáng nay 27-12-2016. Ảnh: Ái Chân
Cơ quan điều tra xác định bị cáo Danh và đồng phạm đã rút số tiền hơn 12.000 tỷ đồng của VNCB thông qua các hành vi: Lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống CoreBanking của VNCB; lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 và 816 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM; rút tiền nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi; rút tiền không có hồ sơ vay... Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Kết thúc phiên xử sơ thẩm, ngày 9-9-2016 TAND TPHCM đã tuyên phạt các bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án tổng hợp 30 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù về 2 tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Liên quan trong vụ án, 32 bị cáo khác bị tuyên từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù giam. Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cũng công bố các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa đối với bà Phạm Thị Trang (Trang "Phố Núi"), bà Hứa Thị Phấn và một số thành viên của nhóm Phú Mỹ, ông Hoàng Văn Toàn và một số thành viên Ban Tín dụng TrustBank.
Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Công Danh làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Bị cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên thu hồi hơn 3.600 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) mà bị cáo đã trả cho bà Phấn để mua cổ phần và tài sản của nhóm Phú Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tài sản; xin giảm nhẹ hình sự, xem xét lại tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" vì thực tế không có hậu quả và bị cáo không chỉ đạo để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự về Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)... 24 bị cáo khác và các nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan cũng có đơn kháng cáo.
Được biết, TAND Cấp cao tại TPHCM đã gửi giấy ủy thác triệu tập bà Phạm Thị Trang (Trang "Phố Núi") tham gia phiên tòa phúc thẩm.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong thời gian hơn 1 tháng.
ÁI CHÂN