Hôm nay, khánh thành đê bao bờ hữu sông Sài Gòn giai đoạn 1

Hôm nay 10-6, TPHCM khánh thành giai đoạn 1 công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ sông Vàm Thuật (quận 12) đến Nam rạch Tra (huyện Hóc Môn). Thuộc quy hoạch chống ngập úng của TPHCM. Đây là 1 trong 2 dự án về phòng chống lũ được Bộ NN- PTNT phê duyệt và điều chỉnh tháng 2-2010 với tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng; trong đó ngoài vốn của TP, có vốn của trung ương (vay vốn ODA thông qua Cơ quan Phát triển Pháp - AFD) gần 231 tỷ đồng.

(SGGP).- Hôm nay 10-6, TPHCM khánh thành giai đoạn 1 công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ sông Vàm Thuật (quận 12) đến Nam rạch Tra (huyện Hóc Môn). Thuộc quy hoạch chống ngập úng của TPHCM. Đây là 1 trong 2 dự án về phòng chống lũ được Bộ NN- PTNT phê duyệt và điều chỉnh tháng 2-2010 với tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng; trong đó ngoài vốn của TP, có vốn của trung ương (vay vốn ODA thông qua Cơ quan Phát triển Pháp - AFD) gần 231 tỷ đồng.

Công trình có gần 67km đê bao và 211 cống ngăn lũ các loại, trong đó đê bao ven sông Sài Gòn dài 17,26km với mặt đê rộng 7,5m, cao trình 2,2m và 88 cống ngăn lũ. Giai đoạn 1 đã thực hiện được 49,3km đê bao và 174 cống. Lực lượng thi công sẽ khẩn trương hoàn thành các khối lượng còn lại để cơ bản đưa toàn bộ dự án vào vận hành trong năm 2010. Khi đó, TP sẽ chủ động tưới, tiêu, xổ phèn cải tạo đất nông nghiệp, nhất là cây ăn trái (2.550ha); ngăn nước ô nhiễm, ngăn mặn từ sông rạch phía Nam, cải thiện môi trường khu vực dự án. Dĩ nhiên công dụng lớn nhất vẫn là ngăn lũ và triều cường cho 3.560ha trong vùng hưởng lợi - vốn thường xảy ra vỡ bờ bao, gây ngập úng cục bộ vào cuối năm.

Vượt bao khó khăn trong quá trình thực hiện, kể cả những lúc kẹt vốn, giai đoạn 1 dự án đã kịp về đích nhờ sự quyết tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, TPHCM, các địa phương liên quan cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Chính người dân tại chỗ, nhất là 1.359 gia đình bị ảnh hưởng của dự án, đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Với phương châm “thi công đến đâu đưa vào khai thác đến đó” nên từ mùa mưa lũ năm 2008, ở những khu vực có đoạn đê bao và cống ngăn lũ hoàn thành, tình trạng ngập úng đã được giải quyết.

C.Phiên

Tin cùng chuyên mục