Sau đúng một tháng lênh đênh trên biển, vượt Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, phải cập vào nhiều bến cảng để tiếp thức ăn, nhiên liệu, cuối cùng hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc ở Libya cùng con tàu mang tên Lissos (Hy Lạp) đã cập cảng Cái Lân trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sáng 4-4 trong niềm vui mừng khôn tả của bao người nơi đất mẹ.
“Quê hương đây rồi!”
Kể từ khi bắt đầu nhổ neo rời khỏi cảng Benghazi của Libya cho tới khi về tới TP Hạ Long, con tàu chở hơn 1.000 lao động Việt Nam đã phải qua 4-5 lần lui lại lịch trình, thời điểm cập cảng. Ban đầu, tàu dự định cập cảng Đồ Sơn-Hải Phòng nhưng tới phút chót do thủy triều không thuận lợi nên đoàn công tác của Bộ LĐTB-XH quyết định để tàu cập cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh)
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH và ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đã ra tận tàu để đón các lao động trở về. Khoảng 6 giờ 40 tàu cập cảng Cái Lân sau khi làm thủ tục nhập cảnh cho các lao động. Cảnh tượng vô cùng xúc động khi trên boong tàu, hàng ngàn lao động đứng chật kín, cố nhoài người ra để vẫy tay chào, để được nhìn lại mảnh đất quê hương sau bao tháng ngày mòn mỏi trở về.
Gặp lại đất mẹ yêu thương, nhiều người đã òa lên khóc, không sao cầm được nước mắt vì cảm động. Quá xúc động, anh Nguyễn Văn Hướng (Hưng Yên) nắm lấy bàn tay chúng tôi, sung sướng reo lên: “Quê hương đây rồi, chúng tôi đã được trở về rồi”. Anh tâm sự: “Một tháng lênh đênh trên biển, không đêm nào tôi ngủ yên lành, mong từng ngày được trở về đoàn tụ với gia đình”.
Trong đó, một hình ảnh thật cảm động là trường hợp anh Trần Văn Hiệp (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị sốt ngay từ khi mới lên tàu, khi xuống tàu các bạn anh phải cõng lên chiếc xe lăn, rồi cõng từ xe lăn lên xe cứu thương để đi cấp cứu.
Anh Hoàng Minh Tuấn (Thái Nguyên) kể: “Sau khi thoát khỏi Libya, được lên tàu, chúng tôi đã nghĩ là tạm ổn rồi, thoát chết rồi. Nhưng chỉ sau 2-3 ngày trời thì nhiều người lại bắt đầu trải qua chặng hành trình kinh hoàng khác vì không chịu nổi sóng biển. Hầu như ai cũng say sóng, vật vờ. Nhiều anh em mệt lả vì kiệt sức”.
Nhưng cuối cùng, tất cả họ đều đã trở về quê nhà.
Tiếp tục tạo việc làm cho 1.000 lao động
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, đây là những lao động cuối cùng trong tổng số 10.062 lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya đã trở về quê nhà trong chiến dịch di tản lao động Việt Nam ra khỏi Libya.
Sau khi làm xong các thủ tục và nhận lại hành lý, các lao động đã được 2 công ty là Vinaconex và VTC Corp bố trí hơn 30 xe ô tô chờ sẵn để chở về địa phương, ngoài ra còn hỗ trợ tạm thời mỗi lao động 1 triệu đồng. Công ty Viễn thông Viettel Quảng Ninh tặng mỗi lao động một thẻ sim điện thoại để tiện liên hệ với gia đình. Hồi 9 giờ sáng, chuyến xe đầu tiên bắt đầu lăn bánh, chở lao động về nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, Bộ LĐTB-XH cũng sẽ hỗ trợ mỗi lao động trước mắt 1 triệu đồng để làm lộ phí trở về quê nhà. Hiện Bộ LĐTB-XH cũng đã bàn thảo cùng các doanh nghiệp kế hoạch đón nhận, tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động trở về từ Libya, trong đó có hơn 1.000 lao động vừa trở về sáng 4-4. Trong số hơn 9.000 lao động từ Libya đã trở về trước đó, hiện nhiều lao động đã bắt đầu đi làm việc. Bộ LĐTB-XH cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tạo việc làm cho những lao động về trở về nước.
Văn Phúc
Vicem hỗ trợ 2 tỷ đồng
Ngày 4-4, tại Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã tiếp nhận 2 tỷ đồng hỗ trợ của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) dành cho người lao động của Vinaconex từ Libya trở về nước. Theo lãnh đạo Vinaconex, đơn vị này đã hoàn tất việc đưa khoảng 4.000 lao động của mình đang làm việc tại Libya về nước an toàn. Hiện Vinaconex đang tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Cục Quản lý lao động nước ngoài giải quyết các quyền lợi cho người lao động cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động sau khi về nước.
M.Huệ
>> Tàu chở lao động Việt Nam từ Libya đã về tới Singapore