Hơn 1.500 học sinh ăn thiếu rau và i-ốt

Béo nhưng thiếu vi chất

Dù đời sống người dân đã nâng lên khá nhiều, dinh dưỡng cho học sinh được quan tâm nhưng thực tế vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ trẻ thiếu i-ốt và rau khiến thể chất, trí tuệ của học sinh Việt Nam dưới chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

Béo nhưng thiếu vi chất

Với hơn 1.500 học sinh, trong đó tới hơn 93% học bán trú, Trường Tiểu học Dương Minh Châu (quận 10, TPHCM) rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho học sinh. Cách nay 3 năm, trường được đánh giá có tỷ lệ học sinh dư cân - béo phì cao nhưng sau khi tham gia dự án can thiệp dinh dưỡng của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, đã hạn chế được một tỷ lệ đáng kể. Từ 12%-15% bị dư cân - béo phì, nay trường kiềm chế còn 8%-8,5% (khoảng 129/1.566 học sinh. “Tuy vậy, xét nghiệm máu 140 học sinh, hết 60 học sinh bị mỡ trong máu cao”, bà Xuân Hồng, hiệu trưởng nhà trường lo lắng.

Bà Hồng cho biết, hiện vẫn chưa có khẩu phần ăn riêng cho học sinh dư cân - béo phì. Thế nhưng, một vấn đề đáng quan ngại là qua khảo sát học sinh trong trường, có gần 15% học sinh không hề uống sữa, 10% uống sữa khoảng 1 lần/tuần và hơn 20% uống từ 4 - 6 lần/tuần. Thậm chí, 12,4% học sinh gần như không ăn rau và hơn 50% ăn rất ít. “Thực ra, học sinh được ăn rau chủ yếu nhờ ăn ở trường”, bà Hồng nói.

Chưa hết, qua khảo sát mới đây, TS-BS Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, nếu như năm 2003, có 25,5% học sinh TPHCM thiếu i-ốt thể nhẹ thì năm 2009 tăng lên 33,3%, trong đó đáng ngại là học sinh tiểu học. Đến nay vẫn còn khoảng 15,3% học sinh tiểu học thiếu i-ốt thể vừa và 2,6% thiếu i-ốt thể nặng. Tỷ lệ thiếu i-ốt ở học sinh cả 3 cấp là báo động khiến thể chất của học sinh chậm phát triển. Bằng chứng là ở nữ giới lúc 17 tuổi, theo tiêu chẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải đạt chiều cao 1,65m trong khi nữ sinh TPHCM chỉ đạt khoảng 1,55m. Tương tự, nam sinh theo tiêu chuẩn là 1,75m khi 17 tuổi nhưng TPHCM mới đạt trung bình 1,67m.

Trong khi đó, tình trạng dư cân - béo phì ở học sinh vẫn gia tăng mạnh, nhất là học sinh tiểu học. Năm 2002, khoảng 19,8% học sinh tiểu học ở TPHCM bị dư cân - béo phì, năm 2010 tăng lên 38,5% (gấp đôi). “Hệ lụy của tình trạng dư cân-béo phì là không tránh khỏi các nguy cơ bệnh tật về tiểu đường, tim mạch khiến một bộ phận học sinh không đủ thể chất để học tập tốt”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, băn khoăn.

Ít vận động, dinh dưỡng không cân đối

Lý giải nguyên nhân gây ra những tình trạng trên, BS Tăng Kim Hồng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, thời gian học thêm của học sinh quá nhiều nên không còn thời gian để vận động. “Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ học sinh học thêm càng nhiều thì béo phì càng cao”, BS Hồng nói. Đó là chưa kể bữa sáng của học sinh hiện nay quá thất thường. Hầu hết học sinh trung học sơ sở và trung học phổ thông được cha mẹ cho tiền tự ăn sáng nhưng phần lớn, các em dùng để mua quà vặt, chơi game. Do đó, dẫn đến tình trạng học sinh đói… tạm thời lúc 9-10 giờ sáng khiến không chú tâm, đủ sức cho học tập. Hơn nữa, tâm lý phụ huynh cho con ăn uống nhồi nhét, thiếu cân bằng dinh dưỡng. Chủ yếu vẫn cho ăn nhiều thịt, tinh bột để cho con cái mũm mĩm đáng yêu. “Đó là những suy nghĩ sai lầm khiến học sinh béo phì hoặc thiếu vi chất nghiêm trọng”, BS Hồng cho biết.

Đại diện trung tâm y tế dự phòng và phòng giáo dục 24 quận huyện cũng thừa nhận, tình hình thiếu thốn sân chơi đang khiến học sinh ít vận động. Những hoạt động của học sinh chủ yếu là chơi game, xem tivi, đọc truyện tranh thay vì chạy nhảy, chơi thể thao. Mặt khác, phần lớn trường học bán trú hợp đồng cung cấp suất ăn bên ngoài nên không giám sát được vi chất như muối i-ốt trong suất ăn. PGS-TS Lê Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, băn khoăn vì chế độ dinh dưỡng cho học sinh chưa được phần đông phụ huynh quan tâm. Do đó, ngoài sự quan tâm của ngành giáo dục, y tế, chính các bậc phụ huynh phải lo lắng cho con em mình trước. “TPHCM nên sớm xây dựng chiến lược dinh dưỡng 2011-2015 cho học sinh, đặc biệt chú trọng các bệnh do thiếu sắt, i-ốt, kẽm và béo phì”, PGS-TS Lê Bạch Mai đề nghị.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục