Hơn 200 tài liệu xuất hiện tại triển lãm về Châu bản, Mộc bản

Sáng 25-8, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - Giá trị lịch sử từ ký ức".
Hơn 200 tài liệu xuất hiện tại triển lãm về Châu bản, Mộc bản

(SGGPO).- Sáng 25-8, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - Giá trị lịch sử từ ký ức".

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu phiên bản Mộc bản và Châu bản tiêu biểu được chia làm hai không gian trưng bày là trong nhà và ngoài trời, với các chủ đề chính như: Chính trị - xã hội, văn thơ, ngôn ngữ, văn tự, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, quân sự - pháp chế, địa lý, lịch sử...

Bản dập Mộc bản ghi chép về Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, năm 1010

Bản tấu của bộ Công về kết quả đi khảo sát và vẽ bản đồ ở Hoàng Sa năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)

Bản in từ Mộc bản về các vấn đề quân sự, pháp chế

Bản in nghệ thuật san sắc trên Mộc bản

Khu trưng bày phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về tôn giáo, tín ngưỡng, triết học

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn được đánh giá có hình thức ngự phê độc đáo, hệ thống ấn chương phong phú, nghệ thuật điêu khắc chữ điêu luyện, tinh xảo, có tính xác thực, duy nhất và có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Trước những giá trị vô cùng to lớn của hai bộ tư liệu trên, UNESCO đã vinh danh Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 31-7-2009, và Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 14-5-2014.

Khách tham quan tại triển lãm

Triển lãm cũng sẽ giúp người xem có thể hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và quá trình hoạt động của cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn và san khắc quốc sử của Quốc Sử quán, triều đình nhà Nguyễn.

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang giữ gìn, bảo quản 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn.              

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục