(SGGPO).- Sáng 11-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017. Tham dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 500 quan khách, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nghị lần này đã huy động được hơn 29.000 tỷ đồng đầu tư vào 36 dự án ở các tỉnh Tây Nguyên.
Tây Nguyên có 2 triệu hécta đất sản xuất nông nghiệp và 3,35 triệu hécta đất lâm nghiệp. Đây là vùng đất bazan được xếp vào loại tốt nhất thế giới. Đất đai và khí hậu nơi đây rất phù hợp đối với việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trong nhiều năm gần đây, các cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sắn, lúa, ngô… Trong đó cà phê, hồ tiêu đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và trên thị trường thế giới. Cà phê chiếm hầu hết diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam, cao su đã có bước tăng trưởng rất nhanh về diện tích từ khi thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su vào năm 2008.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà đầu tư tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2001 - 2016, Tây Nguyên huy động nguồn đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Giai đoạn 2001 - 2005 tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40,1 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2006 - 2010 tăng lên đạt 130,4 nghìn tỷ đồng. Đến giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên tăng trưởng mạnh, đạt 265,7 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn vùng đạt hơn 78,7 ngàn tỷ đồng.
Ông Điểu K’ré, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định: Đảng, Nhà nước xác định xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc. Để thực hiện mục tiêu đó, các tỉnh Tây Nguyên xác định 3 nhóm giải pháp gồm: nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vùng theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao, đồng thời tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm sản.
Tây Nguyên xác định tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng chăn nuôi đại gia súc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Đây là cơ hội quý giá để đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "mái nhà Đông Dương", nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng cơ hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, khiến Tây Nguyên chưa phát triển đúng tầm, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào đây.
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên hiện còn thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu xuất thô. Đặc biệt nông sản của bà con nông dân thường xuyên bị ép giá, giá bán ra thấp hơn nhiều so với thị trường thế giới. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất vốn có bề dày lịch sử và văn hóa đậm đà bản sắc. Để Tây Nguyên phát triển, trở thành vùng đất trù phú của cả nước, Thủ tướng cho rằng rất cần cần có chiến lược phát triển bền vững, trong đó cần chú ý bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Để thực hiện được điều này phải tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi và quan tâm khai thác các giá trị gia tăng cho sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, nhất là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với vai trò, quyền lợi của người dân. Quan tâm đến các bậc học, dạy nghề, phấn đấu không để Tây Nguyên trở thành vùng trũng về giáo dục.
iên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ để bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người dân. Mọi hành vi khai thác rừng là tội ác, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Tây Nguyên cần tập trung mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường hơn nữa liên kết vùng để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và đầu tư tại địa phương. Thủ tướng cũng lưu ý, trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân, không đánh đổi bằng mọi giá.
Tại hội nghị lần này, chi nhánh ngân hàng thương mại các tỉnh Tây Nguyên: BIDV, LienvietPostBank, Agribank, Viettinbank đã ký cam kết hợp đồng tín dụng cho 36 dự án đầu tư trong các lãnh vực thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản với tổng mức tín dụng trên 29.000 tỷ đồng. Ban tổ chức hội nghị cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên.
CÔNG HOAN