Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi

Trong 2 đêm 25, 26-11, tại huyện miền núi Minh Long, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022.

Tham dự có hơn 300 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người H’rê, Cor, Ca Dong đến từ 5 huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long. Đây là ngày hội nhằm giữ gìn, lan tỏa và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của vùng dân tộc thiểu số.

Các nghệ nhân, diễn viên đã trình diễn 23 tiết mục dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, hòa tấu, trò chơi dân gian truyền thống.

Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi ảnh 1 Các nghệ nhân đang biểu diễn nét sinh hoạt đời sống vùng miền núi
Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi ảnh 2 Nét văn hóa được thể hiện qua phong tục, tập quán

Anh Phạm Văn Sây, nghệ nhân đến từ huyện Ba Tơ, nói: "Tôi rất vui mừng khi mình mang các tiết mục, bản sắc văn hóa của đồng bào H’rê đến với liên hoan để quảng bá những nét đẹp về bản sắc của dân tộc mình đến khán giả".

Nhạc và múa là một sinh hoạt phổ biến trong cộng đồng người Cor như bao dân tộc thiểu số miền núi khác. Có khi còn gắn mục đích xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, gắn các nghi lễ thiêng liêng. Rất nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn gió, đàn nước, đàn đá… Các nhạc cụ sinh hoạt cá nhân tự tạo như A-máp, Ta-lía, Bró,… được giới thiệu tại liên hoan.

Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi ảnh 3 Nghệ nhân Ba Rum (80 tuổi) trình diễn cùng cây đàn Brook, nhạc cụ truyền thống dân tộc H'rê 

Trong nhiều nhạc cụ thì chiêng là nhạc cụ phổ biến ở các dân tộc, dùng trong các buổi tế lễ, lễ hội. Hình thức đấu chiêng là sinh hoạt cồng chiêng nổi bật, độc đáo. Trong các cuộc liên hoan hay giao lưu văn hóa, tiết mục này luôn tạo sự cuốn hút lẫn sự sôi động, hấp dẫn. Ngoài ra còn có những làn điệu dân ca như điệu cà-lu, điệu xà-ru, điệu a-giới…

Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi ảnh 4 Nghệ nhân huyện Ba Tơ phục dựng nghi lễ cúng hồn chiêng

Ông Nguyễn Liên Phương, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca dong..., tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian quý báu, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị có nguy cơ bị mai một, sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian trong cộng đồng ngày càng thưa thớt, thậm chí ở một số nơi bị lãng quên, thế hệ các nghệ nhân, diễn viên đang nắm giữ giá trị nghệ thuật quan trọng đã bước vào tuổi xế chiều, chưa kịp truyền lại sự đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ kế tiếp.

Liên hoan cũng nhằm mục đích xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời là giải pháp tích cực nhất góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục