Hơn 340.000ha rừng dễ cháy

Do nắng nóng kéo dài, tuần qua đã có 2 vụ cháy đã xảy ra tại huyện Krông Bông và huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) làm thiệt hại hơn 30ha rừng trồng... Vì thế, các chủ rừng và người dân ở Đắk Lắk đang phải căng sức triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng.

Do nắng nóng kéo dài, tuần qua đã có 2 vụ cháy đã xảy ra tại huyện Krông Bông và huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) làm thiệt hại hơn 30ha rừng trồng... Vì thế, các chủ rừng và người dân ở Đắk Lắk đang phải căng sức triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng.

Gần 1 tháng nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Bông (được giao quản lý gần 30.000ha rừng) đã tăng cường hơn 300 cán bộ, nhân viên đến các khu rừng có nguy cơ cháy cao để triển khai các biện pháp phòng chống cháy sau khi gần 2ha rừng trồng của công ty bị cháy rụi vì người dân đốt nương rẫy gần rừng.

Ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, cho biết: “Hiện tại các khu rừng xung yếu, chúng tôi đã cắt cử lực lượng bảo vệ và phòng cháy 24/24 giờ. Đối với diện tích nương rẫy giáp với diện tích rừng của công ty, chúng tôi đã làm các đường băng, thu dọn vật liệu bao quanh khu rừng đó để khi đồng bào đốt rẫy không ảnh hưởng đến rừng”.

Tại các xã có diện tích rừng lớn như Cư Đrăm, Cư Pui, Hòa Phong… của huyện Krông Bông, lực lượng kiểm lâm được tăng cường để cùng chính quyền địa phương hướng dẫn và ký cam kết với người dân sinh sống ở các thôn, buôn gần rừng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy. Ông Phan Thanh Tươi, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở, với lực lượng tham gia tại địa phương gồm dân quân, thanh niên xung kích, đoàn thanh niên và các đoàn thể khác, rồi các thôn buôn gần rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy”.

Tại huyện M’Đrắk, trước nguy cơ cháy rừng cao (đặc biệt sau vụ cháy gần 29ha mía và rừng trồng tại xã Ea Pil vào tuần trước), các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với chính quyền củng cố lại các ban phát triển rừng và hơn 60 tổ, đội quần chúng quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Theo ông Nguyễn Đức Khanh, cán bộ bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp M’Đrắk, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân sống ở khu vực gần rừng đã tích cực tham gia phòng chống cháy. “Người dân hiện đã có ý thức về phòng chống cháy rừng và họ cũng rất tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Họ cũng cam kết khi đốt nương rẫy ở các khu vực gần rừng thì báo với các đơn vị quản lý để phòng trường hợp dẫn đến cháy rừng”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, hiện có hơn 340.000ha rừng dễ cháy, trong đó rừng tự nhiên khoảng hơn 300.000ha bao gồm các loại rừng khộp, rừng hỗn giao… Số còn lại là rừng trồng, chủ yếu là rừng thông, keo, bạch đàn, lồ ô… Nhiều diện tích rừng trồng tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Ea Súp, Cư M’gar, M’Đrắk, Krông Bông và huyện Lắk được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ cao nhất. Do vậy, bên cạnh công tác phòng cháy, các đơn vị chủ rừng và ngành chức năng tỉnh đã sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia chữa cháy, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nếu cháy rừng xảy ra.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục