Hồn biển

Đêm ba mươi tối đen như mực. Gió từ biển thổi vào cồn mỗi lúc một mạnh hơn. Từ phía bên kia cửa biển Khâu Băng, ánh đèn nhấp nháy sáng rực. Tiếng sóng biển đuổi nhau vào bờ đập vào những cánh rừng đước, rừng bần tạo những tiếng kêu huỳnh huỵch liên tục kéo dài trong khoảng lặng mênh mông đầy sóng gió.
Hồn biển

Đêm ba mươi tối đen như mực. Gió từ biển thổi vào cồn mỗi lúc một mạnh hơn. Từ phía bên kia cửa biển Khâu Băng, ánh đèn nhấp nháy sáng rực. Tiếng sóng biển đuổi nhau vào bờ đập vào những cánh rừng đước, rừng bần tạo những tiếng kêu huỳnh huỵch liên tục kéo dài trong khoảng lặng mênh mông đầy sóng gió.

Chậm rãi rót từng chung rượu Phú Lễ chính gốc, khêu sáng bếp lửa than hồng đang cháy rực, chú Hai Tửng bỏ lên vỉ nướng mấy con tôm lóng đang nhảy đành đạch với nụ cười hể hả rất hai lúa miệt biển Thạnh Phong.

Du kích ĐBSCL cất dấu vũ khí từ tàu không số chuyển vào. Ảnh: T.L.

Du kích ĐBSCL cất dấu vũ khí từ tàu không số chuyển vào. Ảnh: T.L.

– Đừng có gấp, chuyện dài dòng lắm chú em ơi, tao kể tới sáng chưa có rồi, mà nè, vô một ly cho ấm, đêm nay gió chướng nên gió nhiều lạnh lắm, chuyện mấy mươi năm rồi mà tao nhớ mồn một như mới hôm qua. Mà tao chỉ kể một lần thôi nghe và phải kể đúng vào đêm ba mươi mới được.

Câu chuyện cứ trôi đi nhẹ nhàng, đều đều trong đêm lạnh. Tới giờ, chú cũng không biết cha mẹ của mình là ai nữa. Nghe nói một người tốt bụng nào đó đã đem chú về quê biển này nuôi khi chú còn đỏ hỏn, được quấn chặt trong một chiếc mền rách tả tơi trước một ngôi chùa miệt Ba Tri.

– Chắc tại hồi nhỏ, tao hơi phá phách, tưng tưng, nên cha mẹ nuôi tao đặt cho cái tên Tửng, tửng là khùng khùng, điên điên đó mà. Chú cười khà khà.

Có lần nửa đêm thức giấc bởi cơn biển động ầm ầm, chú không thấy cha mẹ nuôi của mình đâu cả. Chú bật dậy bới xuồng lần mò ra phía cánh rừng đước nằm sâu trong con lạch nhỏ. Ở đó đang le lói những vệt đèn bão tù mù được vặn tim rất nhỏ, tiếng bàn tán khe khẽ cứ dồn dập vang lên.

– Chuẩn bị cho chuyến tàu không số mang vũ khí vào Nam, Trung ương đề nghị chúng ta đánh một trận để dằn mặt tụi nó, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hàng cập bến an toàn, các đồng chí rõ chưa? Tiếng người cha nuôi của chú đầy sự quyết tâm.

– Đây cũng là trận đánh trả hờn rửa hận cho hai mươi mốt người vô tội mồ chôn tập thể bị Mỹ ném bom sát hại dã man. Tiếng mẹ nuôi chú sôi sục căm hờn kèm tiếng nấc liên tục vì quá xúc động.

Trong trận đánh phủ đầu ấy, xác giặc nằm ngổn ngang dọc theo bờ biển. Cứ mỗi cơn sóng đánh tạt vào là hàng loạt xác người phập phều trôi bám vào thân cây đước, cây bần. Phải đến cả tuần sau, giặc thấy yên mới dám lấy thây chất đầy trên tàu chiến chạy băng băng hốt hoảng về hướng Bến Tre như ma đuổi. Vừa chạy chúng vừa nã đạn loạn xạ, điên cuồng vào những cánh rừng xanh rì non tơ như trút giận, như xua tan cảm giác lo sợ đeo bám. Cũng trong trận chiến kiên cường ấy, cha mẹ nuôi của chú đã không còn trở về cùng đồng đội.

Chú Tửng nhớ lắm cái ngày được chú Tư Phong, Bí thư huyện ủy gọi đến giao nhiệm vụ. Trên chiếc ghe lênh đênh giữa quãng sông cái rộng mênh mông trong đêm ba mươi tối đen, giọng Tư Phong chậm rãi nhưng kiên quyết và đanh thép:

– Tửng à, cơ quan định giao mày làm một chuyện, nguy hiểm lắm nhưng tính tới tính lui hoài chỉ có mình mày là tiện nhất, mày nghĩ sao?

– Có gì chú cứ nói đi, dù nguy hiểm mấy con cũng cố gắng hoàn thành, đây cũng là dịp để trả thù cho cha mẹ con.

– Được rồi, chuyện là vầy, bay sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường cho mấy chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc tập kết vào cồn Bửng, cồn Lợi, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam. Bay còn nhỏ dễ qua mắt địch, vả lại rành đường đi nước bước, bơi lội như rái nên tiện dữ lắm.

Nghe đến đó, mắt chú đỏ bừng lên vì sung sướng, mắt trừng trừng nhìn về hướng chòi lá giữa rừng, nơi cha mẹ chú đang yên nghỉ.

Sau một năm làm nhiệm vụ dẫn đường ngon trớn, hàng chục chuyến tàu được chú đưa vào cập bến an toàn. Đến chuyến thứ mười lăm, cũng đúng vào đêm ba mươi tối mù mịt, địch bất ngờ phát hiện bủa vây truy kích ác liệt. Trên không trung, hỏa châu sáng đỏ trời, máy bay địch quần kín mặt biển. Dưới mặt nước, hàng chục chiếc tàu chiến triển khai đội hình bao vây tàu không số. Tình thế khẩn trương, chỉ huy tàu - chú Hai Phát ra lệnh:

– Anh em tìm đường bơi vào bờ nhanh lên. Mình tao ở lại chết với tàu, chết với tụi nó, anh em đi mạnh giỏi. Tiếng chú Hai thúc giục khẩn khoản.

– Không, tụi tui thà chết với anh Hai, thà hy sinh vì Đảng vì nước, sao lại bỏ anh trong lúc này, anh cho tụi tui ở lại anh Hai… ơi!

– Không, tao là chỉ huy, tụi bay không được cãi lệnh.

Mắt chú Hai ánh lên những tia đỏ ngầu đến khủng khiếp.

Biết không thể lay chuyển ý anh, cả đoàn thủy thủ, trong đó có người giao liên trẻ, đau đớn rời tàu. Sóng đánh rất to. Trời bắt đầu đổ mưa. Chiếc tàu chòng chành, chòng chành, lúc ẩn lúc hiện. Khi cả bọn bơi thoát vào gần bờ thì một tiếng nổ long trời vang lên, cột lửa bốc cao phừng phừng trong cơn giông tầm tã. Nhiều tiếng nổ tiếp tục vang lên như một phản ứng dây chuyền, nhiều cột lửa bựng khói vọt lên trời. Cả bọn lặng im tuôn trào nước mắt. Những chiếc nón tai bèo ướt đẫm mằn mặn mùi nước muối giở ra tiễn biệt người chỉ huy gửi lại đời mình trên biển cả. Hôm sau, nghe nói bốn tàu chiến với hàng chục tên địch bỏ thây khi hí hửng cặp dây neo nhảy sang con tàu không số. Dưới khoang hầm, chú Hai Phát đã cho nổ tung tất cả…

Đồng hồ trên tay Trung đã chỉ hai giờ sáng mà câu chuyện kể vẫn kéo dài không dứt. Lúc này, Trung mới chợt nhận ra hai tấm bằng Tổ quốc ghi công và một bằng công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mang tên Nguyễn Văn Tửng treo trên vách chiếc ghe nhỏ đang lắc lư trên sóng.

– Hòa bình rồi sao chú không cưới vợ? Bộ chú không có nhà cửa gì sao mà ở dưới chiếc ghe này? Bộ… bộ… Trung thắc mắc hỏi dồn.

– Đừng có nói bậy bạ, nhà nước có cấp cho tao cái nhà tình nghĩa ở trên huyện đàng hoàng nghe mày, mỗi tháng tiền liệt sĩ, thương binh, anh hùng cũng đủ tao xài lai rai. Già rồi, vợ con chi thêm vướng, mà có muốn cũng hổng ai ưng nhưng mà…

– Mà sao?

– Tao nhớ biển quá nên ở trển hổng được, vả lại tao thấy có lỗi với cha mẹ nuôi tao, với chú Hai Phát quá nên tao lại về đây mua chiếc ghe rày đây mai đó quanh quẩn cồn Dài, cồn Lợi, cồn Bửng, Khâu Băng cho đỡ nhớ. Nhà trên huyện tao cho mượn để làm nhà nuôi trẻ rồi.

Chú còn kể thêm, mỗi lần có đoàn khách đến tham quan tìm hiểu về ký ức những con tàu không số trên đất Thạnh Hải, Thạnh Phong này là chú lại được mời đến kể chuyện đời xưa. Ai muốn hiểu thêm về đáy sông Cầu, về sự tích tên gọi đồi cát Bồn Bồn, về nỗi đau mồ chôn tập thể hai mươi mốt nạn nhân trong một trận oanh kích, về lần tàn sát dã man hàng trăm dân thường vô tội do tên trung úy biệt kích Mỹ chỉ huy, về chuyện ngăn chặn việc buôn lậu hàng hóa từ nước ngoài xâm nhập các cửa biển Thạnh Phú, trong đó chú là người hướng dẫn phá án thành công… Và còn nhiều kỳ tích khác được chú kể lại vanh vách mà không cần tìm tư liệu ghi chép nào.

Chống chiếc ghe lùi ra bãi đậu để đưa Trung về huyện, vẫn là tấm lưng trần lực lưỡng to bè săn chắc, vẫn chiếc quần cộc ni lông dầu đen lang láng, thỉnh thoảng phì phà điếu thuốc giồng Mỏ Cày rất điệu nghệ. Trong màn đêm dày đặc của đất trời, hình ảnh chú Hai Tửng sao thật giản đơn nhưng lại rất phi thường.

Hồn biển đâu đây bất chợt ùa về.

Trương Thanh Liêm

Tin cùng chuyên mục