Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao

Hôm qua 5-5, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2010. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã tổ chức họp báo Chính phủ tháng 4.

Tại phiên họp này, đánh giá về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình triển khai Nghị quyết 18/NQ-CP về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng tình hình KT-XH tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với kế hoạch năm 2010; chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,14%, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay; tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 cũng đạt tới 5,7 tỷ USD, cao nhất trong 19 tháng qua. Việc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, đồng thời với việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển. Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới cho 263 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, tăng 58,5% về vốn so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 20,16 tỷ USD, cao hơn kế hoạch năm 2010 (6%) nhưng việc nhập khẩu tăng mạnh cũng khiến mức nhập siêu khá cao (chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Chính phủ dự báo, GDP quý 2-2010 sẽ tăng trưởng cao hơn khoảng 0,4% – 0,5% so với quý 1 (5,83%). Để ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt phấn đấu, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng trung bình tháng khoảng 7%.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, khẩn trương các giải pháp đã đề ra. Chính phủ không giải quyết từng dự án cụ thể mà xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút nguồn lực, khuyến khích đầu tư, phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM tiếp tục tập trung điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: thuốc, điện, than, xăng dầu, sắt, thép, xi măng, lương thực… gắn với làm tốt công tác tuyên truyền, tránh tăng giá theo tâm lý.

Tại phiên họp này, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai các biện pháp nghiệp vụ khẩn trương kéo giảm lãi suất theo hướng huy động khoảng 10% còn cho vay khoảng 12%; nâng cao tính thanh khoản cho nền kinh tế. Tập trung xử lý chủ động và ổn định tỷ giá; giải quyết chênh lệch lãi suất giữa vay ngoại tệ và nội tệ...

Tại phiên họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ. Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, nhất là xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, đồng thời khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

“Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có các mặt hàng quan trọng phải chịu trách nhiệm đảm bảo giá, như giá điện, than. Tăng lương nhưng không tăng giá. Tổng lượng tiền trong xã hội không được thay đổi, không thể nhân tăng lương để tăng giá”, ông Phúc dẫn kết luận của Thủ tướng.

Cũng theo ông Phúc, Chính phủ đang giảm nhập siêu bằng biện pháp thích hợp, nhập siêu của năm 2010 phải đảm bảo đạt 20% kim ngạch xuất khẩu của cả năm. Các bộ ngành, địa phương cần rà soát, bảo đảm bố trí vốn nhà nước tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2010, Thủ tướng lưu ý việc ứng trước vốn năm 2011 chỉ áp dụng cho các công trình thiết yếu.

Về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN cho hay, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến lãi suất đều yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt. “Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hạ mặt bằng lãi suất. Lãi suất cho vay phổ biến hiện nay vẫn là 14%, với đối tượng ưu đãi (nông nghiệp, xuất nhập khẩu) là 13%. Mức này phù hợp khả năng tiếp cận vốn. Với lãi suất huy động hiện 11,5%, vẫn là cao, có thể hạ tiếp”, ông Tiến cho biết đồng thời khẳng định, việc đưa lãi suất xuống là phù hợp yêu cầu thị trường. Chính sách lãi suất hiện nay là linh hoạt, phù hợp các mục tiêu không để lạm phát cao đồng thời bảo đảm tăng trưởng GDP 6,5%. Ngân hàng vẫn đang tìm cách giảm lãi suất xuống thấp hơn vì lãi suất vừa qua đã bị đẩy lên cao so với thực tế.

Trả lời câu hỏi quan điểm của Chính phủ về việc tổ chức các tuyến du lịch quốc tế đến Trường Sa, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tổ chức du lịch Trường Sa là hấp dẫn. Trường Sa là biển đảo của Việt Nam, nhưng lúc nào đi, đi khi nào, phù hợp với việc bảo vệ và sinh hoạt của người dân vẫn cần phải tính toán tiếp. Chính phủ sẽ công bố sau.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục