Dịch cúm gia cầm cuối năm 2003 và kéo dài nhiều năm sau đó đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ tiền của người nuôi và nhà nước. Trong khi đó, những trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn hiện nay chủ yếu gia công cho các tập đoàn nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chưa có sự sòng phẳng và công bằng về phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị từ nuôi, thức ăn, giết mổ và tiêu thụ. Tình hình này đặt ra cho ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi gia cầm phải có hướng đi mới, thay vì chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, lẫn trong các khu dân cư, các doanh nghiệp phải cùng hợp lực đầu tư nuôi theo dạng công nghiệp.
Vì vậy, việc ra đời Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Bình Phước (BIPA) mới đây đã tạo mối liên kết, hợp tác thật sự giữa những chủ trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô công nghiệp không chỉ ở Bình Phước mà cho cả khu vực phía Nam. Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch BIPA, hiện có khoảng 150 hội viên là chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm từ các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Thuận, TPHCM tham gia.
Sau những đợt dịch cúm gia cầm, đây là khu vực có sự phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn và trở thành vùng chăn nuôi trọng điểm cả nước về gia cầm. Khu vực Đông Nam bộ có khoảng 1.000 trang trại nuôi gà công nghiệp, doanh thu ước tính hơn 26.000 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, bản thân các trang trại chưa có sự liên kết, hình thành liên vùng chăn nuôi hàng hóa và tiếng nói chung, nên dễ bị các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài ép giá trong quá trình nuôi gia công. Với mong muốn, BIPA sẽ là nơi cung cấp thông tin về chính sách, thị trường hợp tác, hỗ trợ nhau về kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ lợi ích người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững nên việc ra mắt BIPA tạo ra sự hưng phấn và kỳ vọng của các chủ trang trại khắp vùng.
Trước đây Câu lạc bộ Trang trại TPHCM ra đời, tập hợp những người TP làm trang trại các nơi và cả những chủ trang trại các tỉnh cũng đăng ký vào CLB này để sinh hoạt. Và nay, với sự ra đời của BIPA, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trang trại ở phía Nam sẽ có thêm động lực và tiếng nói trước sức ép từ những tập đoàn chăn nuôi gia cầm lớn của nước ngoài như CP (Thái Lan), Japfa (Indonesia)… Chưa quá hy vọng BIPA có thể mang đến các hội viên những lợi ích lớn hay sự thay đổi to lớn trong việc hợp tác giữa các bên, nhưng ít ra đây cũng là một đối trọng giúp các nhà chăn nuôi trong nước có được tiếng nói chung trong việc phản ánh, đấu tranh vì lợi ích chung của những chủ trang trại nuôi gia công mà bấy lâu nay thường chịu phần thiệt thòi.
CÔNG PHIÊN