Hợp lực phát triển

TPHCM đang triển khai nghiên cứu xây dựng khu kinh tế đặc biệt ở phía Nam thành phố. Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, dự kiến Khu kinh tế đặc biệt sẽ phủ lên một diện tích bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Vì thế, các khu đô thị nằm ở phía Nam thành phố, trong đó có khu đô thị cảng Hiệp Phước, Phú Mỹ Hưng và các khu công nghiệp, khu đô thị mới khác ở khu vực này đều nằm trong khu kinh tế đặc biệt.
Hợp lực phát triển

TPHCM đang triển khai nghiên cứu xây dựng khu kinh tế đặc biệt ở phía Nam thành phố. Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, dự kiến Khu kinh tế đặc biệt sẽ phủ lên một diện tích bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Vì thế, các khu đô thị nằm ở phía Nam thành phố, trong đó có khu đô thị cảng Hiệp Phước, Phú Mỹ Hưng và các khu công nghiệp, khu đô thị mới khác ở khu vực này đều nằm trong khu kinh tế đặc biệt.

Tàu biển trọng tải lớn vào bốc dỡ hàng tại khu Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, khu kinh tế đặc biệt ở phía Nam dự kiến hình thành. Ảnh: CAO THĂNG

Khu đặc biệt, sao chỉ có một?

Theo Quy hoạch Xây dựng TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM sẽ phát triển ra cả 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc trong đó hướng Đông và hướng Nam là chính, hai hướng còn lại là hướng phát triển phụ. Tuy phân công “chính, phụ” khá rõ ràng như vậy, nhưng về cơ bản, tùy theo đặc điểm địa lý, tự nhiên…, mỗi hướng đều có một “trọng trách” riêng, gần như không thua kém nhau. Trong khi hướng Nam “gánh” trách nhiệm phát triển cảng biển, các dịch vụ logistics cùng với đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng…, thì hướng Đông tập trung nhiều trường đại học, khu công nghệ cao… Hướng Bắc có khu đô thị Tây Bắc thành phố với nhiều trường đại học quốc tế, khu công nghiệp cơ khí ô tô, khu nông nghiệp kỹ thuật cao… Hướng Tây có các khu dân cư mới nằm dọc huyện Bình Chánh, các khu công nghiệp lớn, bệnh viện lớn tọa lạc ngay cạnh các tuyến đường huyết mạnh đi về miền Tây Nam bộ…

Chưa kể, trên thực tế, do giá đất rẻ hơn, chi phí xây dựng thấp hơn nên rất nhiều người dân vẫn chọn các vùng đất nằm ở hướng Tây Bắc, Tây Nam tức khu vực các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 12… làm nơi an cư thay vì các đô thị mới ở hướng phát triển chính của thành phố (hướng Đông và hướng Nam). Trong bối cảnh này, theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, việc đặt khu Nam đặc biệt hơn các khu vực khác là không nên. Nhất là khi các khu vực còn lại có cơ bản có chức năng không trùng lấp với khu vực phía Nam. “Mối nguy” các khu vực khác sẽ lôi kéo bớt nguồn đầu tư vào khu vực phía Nam vì thế không cao. Chưa kể, theo Quy hoạch Xây dựng TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thì khu vực phía Nam sẽ được xây dựng với độ nén cao để bảo tồn các vùng đất ngập nước tự nhiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Càng đầu tư xây dựng ở khu Nam nhiều, càng tốn chi phí và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố. 

Là một trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM không chỉ phát triển kinh tế biển mà còn phải tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt là nông nghiệp kỹ thuật cao nhằm cung cấp con giống, cây giống… cho các địa phương khác trong cả nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được khẳng định trong nhiều nghị quyết về phát triển TPHCM của Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM. Đầu tư phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao vì thế cũng nên được quan tâm đặc biệt. Do vậy, khu kinh tế đặc biệt, vì sao chỉ có một ở khu vực phía Nam? một chuyên gia về kinh tế khác đặt vấn đề như vậy.

Hợp lực để TPHCM phát triển

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong năm qua khu vực cảng biển có mức gia tăng sản lượng hàng hóa thông quan cao nhất nước là Hà Tĩnh với mức tăng trưởng 33%, kế đến là khu vực cảng Hải Phòng với mức tăng 20,3% và tiếp đến mới là khu cảng biển số 5 gồm TPHCM-Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai với mức tăng 14%. Trong khu cảng biển số 5, khu cảng biển Cái Mép-Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng thấp nhất và đây cũng chính là nguyên nhân chính yếu kéo mức tăng trưởng của cả khu vực xuống. Tuy nhiên, sự quá tải, “tắc nghẽn” của nhiều cảng biển ở TPHCM cũng có tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng chung của cả khu vực. Hệ thống cảng biển TPHCM hiện chủ yếu nằm trong khu vực Cát Lái quận 2 và khu Hiệp Phước huyện Nhà Bè. Để giải quyết vấn đề, điều tiên quyết là phải đầu tư để giải tỏa sự tắc nghẽn. Trong đó, TPHCM sẽ phải đặc biệt đầu tư rất lớn cho khu vực Hiệp Phước, bởi nơi này vừa nằm trong chiến lược phát triển về phía biển của thành phố vừa nằm trong khu kinh tế đặc biệt ở phía Nam.

Như vậy, TPHCM sẽ phải tốn thêm một nguồn kinh phí đáng kể cho công tác này trong khi đó khu cảng Cái Mép-Thị Vải nằm gần đó lại chưa được khai thác hết công suất. Theo chuyên gia về kinh tế đô thị Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright tại Đại học Kinh tế TPHCM, giải pháp hay nhất trong tình huống này là một sự hợp lực giữa TPHCM và các địa phương trong vùng. Lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ đóng góp của từng địa phương. Hiện nay, đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đã đi vào hoạt động. Quốc lộ 51 cũng đã được cải tạo, mở rộng… Hệ thống giao thông cơ bản đã thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa TPHCM với Bà Rịa Vũng Tàu. Các tuyến đường cao tốc nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ như TPHCM đi Bến Lức (Long An), TPHCM đi Trung Lương và kéo dài đến đến cầu Mỹ Thuận… cũng sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu từ miền Tây Nam bộ lên thẳng hệ thống càng biển ở TPHCM hoặc đưa ra tận Cái Mép-Thị Vải rất nhanh chóng.

Hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải chia tải được cho hệ thống cảng biển ở TPHCM thì ngoài việc giúp giảm tải còn giúp TPHCM bớt đi nỗi lo phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho công tác tiếp tục nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp xuống độ sâu hơn nữa nhằm đón được tàu lớn hơn. Độ sâu của các tuyến luồng của khu vực Cái Mép-Thị Vải trung bình khoảng 18-20m hoàn toàn đủ điều kiện đón những tàu có trọng tải lớn ra vào. Chưa kể, nếu hàng hóa xuất khẩu được “phân luồng” một cách hợp lý: hàng đi gần thì xuất khẩu ở hệ thống cảng biển TPHCM và hàng đi xa xuất ở hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải thì hàng hóa Việt Nam sẽ bớt phải trung chuyển sang các cảng ở Singapore hoặc Thái Lan… 

“Nhẹ” được gánh nặng đầu tư cho hệ thống cảng biển, TPHCM sẽ có điều kiện đầu tư tốt hơn cho các ngành nghề quan trọng khác như nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cao… Do vậy, theo ông Huỳnh Thế Du, nếu thành lập khu kinh tế đặc biệt thì không nên chỉ khu trú trên địa bàn TPHCM mà mở rộng ra các địa phương lân cận cùng tham gia. Nếu hợp lực thì những cơ hội cho phát triển về đô thị cũng như kinh tế trong vùng TPHCM sẽ tốt hơn. Các địa phương sẽ đóng góp không những bằng nhân vật lực mà còn đóng góp bằng những lợi thế của mình để cả vùng cùng cả nước phát triển.

NGUYỄN KHOA


Những công nghệ xây dựng tương lai

Tại Triển lãm Kiến trúc Architect’15, một trong những triển lãm quốc tế có uy tín về công trình và vật liệu xây dựng, kéo dài từ 28-4 đến 3-5 tại Thái Lan, nhiều cải tiến về công nghệ với chủ đề “Phòng thí nghiệm cho cuộc sống tương lai” đã được giới thiệu.

Với chủ đề trên, các đơn vị tham gia triển lãm cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Đông Nam Á với nhiều phong cách sống khác nhau, trong 3 lĩnh vực chính. Đó là: sự pha trộn, kết hợp các vật liệu xây dựng khác nhau cho từng phong cách sống riêng biệt; những giải pháp tập trung ngăn ngừa và giảm thiểu các tai nạn trong nhà, đồng thời tăng cường sức khỏe và an toàn cho cư dân ở mọi lứa tuổi; giảm thiểu chi phí năng lượng cho gia đình, với khả năng chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện.

Ông Anuvat Chalermchai, Giám đốc Thương hiệu ngành hàng xi măng - vật liệu xây dựng SCG-một trong những đơn vị tham dự triển lãm cho biết: ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới và cải tiến đáp ứng nhu cầu của người dân Đông Nam Á. Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng Đông Nam Á với những cải tiến vượt bậc này, nhiều đơn vị cũng song song tạo dựng một nền tảng vững chắc gồm đội ngũ các chuyên gia, dịch vụ kỹ thuật, đối tác và hệ thống hỗ trợ.

Riêng SCG đã không ngừng phát triển sản phẩm và các cải tiến công nghệ để hoàn thiện và đáp ứng những yêu cầu và phong cách sống cụ thể của người dân từng nước Đông Nam Á - vốn có những nhu cầu rất khác biệt về nhà ở và luôn có xu hướng tìm kiếm những sáng tạo và thiết kế giúp nâng cao chất lượng sống. Điểm nổi bật tại triển lãm năm nay chính là “Bloom: The Room for living”. Đây là sáng tạo từ vật liệu xi măng lớn nhất thế giới và đầu tiên ra mắt tại Đông Nam Á, áp dụng công nghệ in ấn 3D, được nhiều trường đại học lớn của Hoa Kỳ tham gia phát triển. Đây cũng là một minh chứng rằng những trở ngại và hạn chế của công nghệ in 3D trong lĩnh vực kiến trúc có thể được khắc phục và đưa ngành công nghiệp xây dựng Đông Nam Á bước lên một tầm cao mới.

Riêng tại Triển lãm Vietbuild vào tháng 6 này ở Việt Nam, SCG nói riêng và nhiều đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng khác nói chung hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thực tế về chất lượng cao cấp của vật liệu xây dựng.

LONG THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục