Hôm nay, người Nga trên toàn thế giới hân hoan kỷ niệm 94 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2011). Dịp này diễn ra đúng vào thời điểm nước Nga có nhiều sự kiện quan trọng trên phương diện đối nội lẫn đối ngoại.
Thứ nhất, giai đoạn nóng bỏng nhất của chiến dịch tranh cử vào Hạ viện Nga đã được khởi động từ ngày 5-11 và sẽ kéo dài đến ngày 2-12 cho cuộc bầu cử vào ngày 4-12. Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nêu ra nhiệm vụ chính mà cả nước Nga hướng đến là gìn giữ hòa hợp dân tộc, trong bối cảnh thế giới đang đối diện với giai đoạn đầy khó khăn và bất trắc xuất phát từ khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên…
Lãnh đạo Nga đã lựa chọn hướng xây dựng một nền kinh tế dựa trên những ngành có triển vọng, như phát triển công nghệ nano; hiện đại hóa các ngành công nghiệp; củng cố và phát triển những ngành công nghiệp truyền thống của nước Nga, như hạt nhân và vũ trụ; đổi mới hoạt động của các cơ quan pháp luật và bảo vệ pháp luật...
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nga do Thủ tướng Putin đề xuất, đến năm 2020, nền kinh tế Nga (hiện có GDP 1.900 tỷ USD) sẽ phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mới. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn: 2007-2012 và 2013-2020. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Nga vào năm 2012 tăng 35% - 36% (so với năm 2007), năm 2020 tăng 63%-69% (so với năm 2012); đầu tư tăng 80%-85%, thu nhập thực tế của người dân dự kiến cũng tăng 53%-54%.
Thứ hai, sự kiện được chờ đón trong dịp mừng Cách mạng Tháng Mười Nga năm nay được đánh dấu vào ngày 9-11 tới, khi Nga và Gruzia chính thức ký thỏa thuận để mở đường cho Nga – nền kinh tế lớn trên thế giới chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào được tổ chức này sau 18 năm đàm phán.
Nếu mọi việc suôn sẻ, việc gia nhập WTO của Nga có thể được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO vào ngày 15-12 năm nay. Trong lĩnh vực đối ngoại, Nga đã vạch rõ một lộ trình lâu dài, tiếp tục nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đó là chiến lược hiện đại hóa ngoại giao được Tổng thống Medvedev khởi xướng từ năm 2010: “Liên minh đối tác đặc biệt” Nga-Liên minh châu Âu (EU); Nga-Mỹ dù trên các phương tiện truyền thông vẫn cho rằng chưa thoát khỏi cái bóng của thời chiến tranh lạnh, nhưng thực chất, hai nước đã có những bước khởi động lặng lẽ; Liên minh thuế quan của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) bắt đầu được vận hành; ngoại giao châu Á-Thái Bình Dương của Nga tiến có những bước mạnh mẽ.
Thứ ba, khi đường ống Dòng chảy phương Bắc (chạy đến Đức) của Nga đi ngầm dưới biển Baltic để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đi vào hoạt động ngày 8-11 tới, quyền lực dầu mỏ của Nga càng được củng cố. Trước đó, Nga đã có Dòng chảy phương Nam chạy qua Biển Đen đến Bulgaria. Cả hai công trình trên ước tính mang lại cho Nga hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Trong danh sách các hãng đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới, các doanh nghiệp Nga luôn được xếp vào hàng vị trí cao nhất. Nước Nga đang nỗ lực trên mọi phương diện để vừa củng cố sức mạnh dân tộc, vừa khẳng định vai trò của một nước lớn trên thế giới. Đó là điều người Nga đã làm được sau 94 năm Cách mạng Tháng mười Nga thành công.
NHƯ QUỲNH