Như thường lệ, hết học kỳ 1 năm học 2014 - 2015, các bậc phụ huynh lại được mời tham dự buổi họp phụ huynh tại trường nơi con mình học tập. Ai cũng có con cái đi học nên không chỉ quen mà cảm thấy buổi họp này luôn có ý nghĩa. Dù chỉ diễn ra khoảng 2 giờ nhưng phụ huynh được nghe thông tin, nhìn rõ hơn bức tranh giáo dục của toàn trường và của lớp con mình đang học.
Không những thế, còn được làm quen với cô giáo chủ nhiệm, hiểu thêm về việc học tập, tu dưỡng đạo đức của con mình ở trường. Sau buổi họp, nhiều phụ huynh thường nán lại gặp riêng cô giáo để hỏi thêm nhiều thông tin quan trọng khác.
Tuy nhiên, lần họp phụ huynh ở lớp 7 thuộc một trường THCS ở quận Phú Nhuận TPHCM mới đây khiến tôi và nhiều người khác cảm thấy buồn bực, thậm chí là vô nghĩa. Sau khi báo cáo sơ qua về tình hình lớp học, cô chủ nhiệm bắt đầu “bản tình ca” than thở, kể lể về học trò của mình chủ nhiệm năm nay không ngoan, có biểu hiện này nọ. Ngay cả những học sinh có thành tích học tập nhất nhì lớp cũng bị cô giáo điểm danh là chưa thực sự ngoan, có biểu hiện chống đối ngầm. Rồi cô cũng dành nhiều thời gian trách móc học trò xem thường môn mình dạy (môn Sinh) là môn phụ… Cuối cùng cô kết luận, bao nhiêu năm đi dạy học cô chưa từng gặp lứa học trò nào khó bảo, khó dạy như lớp này. Lúc đầu vì tôn trọng giáo viên nên các bậc phụ huynh cố gắng lắng nghe cô giãi bày tâm sự, trút nỗi bực mình vì con cái của mình không làm cô vui.
Thế nhưng, cô nói nhiều, nói dài và chỉ có một chiều than trách học trò - con em của họ khiến mọi người đều bực mình. Cụm từ mà cô chủ nhiệm dùng nhiều nhất là học sinh A hay B “có biểu hiện” thế này thế nọ. Từ khó hiểu chuyển sang bực bội, nhiều phụ huynh có chung tâm trạng: “Đi họp phụ huynh để làm gì nếu cô chủ nhiệm chỉ chê bai con cái của chúng ta và kiệm lời khen ngợi học trò của mình?”.
Cũng có phụ huynh thầm thì: “Tưởng đến đây để nghe cô giáo chủ nhiệm nói về vấn đề học tập, rèn luyện của học sinh nhưng bị “bội thực” bởi những lời chê trách con em mình…” Không dừng ở đó, có phụ huynh tuyên bố thẳng thừng là “lần sau không thèm đi họp phụ huynh nữa”…
Ra về với tâm trạng nặng nề xen lẫn chán nản, tôi càng vỡ lẽ về sự thực con gái mình hay than vãn và dành những lời không hay khi nhắc đến cô chủ nhiệm. Thì ra, cô cũng thường “ra oai” với học trò, hay răn dạy, giáo điều một cách cứng nhắc khiến lứa tuổi mới lớn - cảm thấy mỗi giờ học với cô nặng như tra tấn. Cô hay trách móc học trò của mình thế này thế nọ nhưng không chịu nhìn lại để thấy trong mỗi tâm hồn mới lớn còn rất nhiều điểm tốt, nét đáng yêu.
Với những học trò thích thể hiện cá tính, cái tôi thì cũng phải hiểu và tôn trọng các em chứ không nên bài xích. Nếu cô đừng “lên gân”, hiểu rõ tâm sinh lý của tuổi mới lớn và gần gũi, yêu thương học trò của mình thì khoảng cách, hố ngăn cách giữa cô và trò đã không bị đào sâu.
Vì thế, trước khi trách móc các em, giáo viên hãy nhìn lại bản thân để thấy hành trang kỹ năng sư phạm, cách ứng xử của mình đã đủ để cảm hóa học trò hay chưa? Khi các em có biểu hiển ngầm - chống đối hoặc không thích làm theo lời giáo viên chủ nhiệm như nêu trên thì các biện pháp sư phạm được áp dụng đã thất bại. Điều các em cần là sự lắng nghe và chia sẻ thực sự.
Đừng trách học trò và đừng đợi đến ngày họp phụ huynh rồi “giận các chém thớt”, trút bực dọc lên đầu cha mẹ của chúng. Như thế chẳng ai còn muốn đi họp phụ huynh làm gì.
THANH HOÀNG