Hợp tác điện ảnh Việt - Hàn mở thêm nhiều cơ hội

Hội thảo “Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016” do Cục Điện ảnh và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại TPHCM từ ngày 22 đến 24-6, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Hợp tác điện ảnh Việt - Hàn mở thêm nhiều cơ hội

Hội thảo “Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016” do Cục Điện ảnh và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại TPHCM từ ngày 22 đến 24-6, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Đây là cơ hội giao lưu trực tiếp và chính thức đầu tiên giữa những người hoạt động điện ảnh hàng đầu của hai nước Việt - Hàn.

Kinh nghiệm từ điện ảnh Hàn

Đại diện KOFIC - ông Hyoun-soo Kim giới thiệu về những hoạt động điện ảnh tại Hàn Quốc; từ sản xuất, phát hành, quảng cáo đến quản lý, hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp cho hoạt động, sản xuất và quảng bá phim Hàn ra nước ngoài...

Nếu năm 1993, chỉ có 7 triệu người Hàn Quốc đến rạp xem phim, thì đến năm 2015, người xem đã đạt con số 112,9 triệu người. Với dân số chỉ hơn 50 triệu dân, tính ra 1 người Hàn đến rạp 4 lần/năm. Mỗi năm, Hàn Quốc có khoảng 70 phim thương mại ra rạp.

Từ năm 2005, Chính phủ thành lập một quỹ đầu tư dành cho điện ảnh với sự tham gia của các đơn vị, cơ quan chính phủ như: Bộ Văn hóa, Hội Doanh nhiệp vừa và nhỏ, Bộ Lao động...

Ngoài quỹ của Chính phủ, còn Quỹ Phát triển điện ảnh Hàn Quốc thành lập năm 2007, được trích 3% từ giá vé.

Tại Hàn Quốc hiện nay có 2.424 phòng chiếu, trong đó các rạp chiếu phim lớn chủ yếu thuộc ba doanh nghiệp: CGV, Lotte Cinema và Megabox. Từ năm 2004, KOFIC đã có mạng máy tính tích hợp theo dõi doanh thu phòng vé và 99% phòng vé được kết nối với mạng máy tính này.

Một rạp chiếu phim tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Các đơn vị sản xuất phim, thực hiện kỹ xảo của Hàn Quốc đã giới thiệu với Việt Nam về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm làm phim hợp tác để có hiệu quả và thành công về doanh thu; đồng thời bày tỏ mong muốn trong tương lai gần sẽ có những sản phẩm điện ảnh hợp tác của Việt - Hàn.

Ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vài năm lại đây, cả về số lượng, chất lượng và sự đa dạng trong thể loại. Có tổng số 538 phòng chiếu trên cả nước. Năm 2015, có 41 phim ra rạp, chiếm thị phần 17% trong số phim phát hành tại Việt Nam (phim Mỹ chiếm 65%). Tỷ lệ người xem đạt 51 triệu lượt trong tổng số 90 triệu dân. Đây là tỷ lệ người xem rất ít, nếu so với Hàn Quốc.

Hiện nay đã hơn 400 doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim. Việc trích 3% từ giá vé của điện ảnh Hàn Quốc (tại các nước châu Âu là 9%) dành cho quỹ là một kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi, thực hiện. Nhà nước cũng sẽ ban hành nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, trong đó có việc cải cách các thủ tục hành chính và tới đây khi thi hành Luật Doanh nghiệp sẽ bỏ một số giấy phép con, trong đó có giấy phép đủ điều kiện hành nghề sản xuất phim, được bỏ từ năm 2017. Chính sách đặt hàng (sản xuất phim) bình đẳng, cho tất cả các doanh nghiệp.

Trước ý kiến trao đổi thẳng thắn về việc cần có sự hỗ trợ tích cực, thiện chí từ phía Hàn Quốc trong việc sản xuất cũng như phát hành phim, ông Đỗ Duy Anh khẳng định: “Điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc cần có sự hợp tác bền vững trên tinh thần thiện chí”.

Tín hiệu lạc quan

Mở đầu hội thảo là việc ký kết ghi nhớ hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực điện ảnh giữa đại diện Cục Điện ảnh và KOFIC. Trong lời phát biểu của mình, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cho rằng: “Hội thảo sẽ là dịp để các nhà đầu tư sản xuất, phát hành phim, trong đó có phim hoạt hình, các công ty cung cấp dịch vụ hậu kỳ, kỹ xảo điện ảnh của Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm một cách hiệu quả, thiết thực, dựa trên những lợi thế mỗi bên. Hy vọng trong tương lai, công nghiệp điện ảnh hai nước sẽ cùng phát triển, trở thành lĩnh vực đem lại lợi nhuận đáng kể, đồng thời là công cụ truyền bá văn hóa quan trọng cho mỗi quốc gia”.

Theo ông Đỗ Duy Anh, trong ký kết ghi nhớ hợp tác giữa hai bên có việc cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt Nam với các chức danh: đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, biên kịch, phê bình phim, nhà sản xuất...

Sau phần hội thảo là phần gặp gỡ trao đổi giữa các doanh nghiệp. Các đơn vị, cá nhân của hai nước trực tiếp gặp nhau để tìm hiểu, bàn thảo dự án và phương thức hợp tác.

Ông Đoàn Trần Anh Tuấn, Giám đốc COLORY - đơn vị chuyên sản xuất phim hoạt hình, phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội hợp tác, vì phía Hàn Quốc rất tích cực trong việc mở rộng mối quan hệ đầu tư. Chúng tôi cũng đã có những thỏa thuận, bàn bạc ban đầu về dự án phim hoạt hình chiếu rạp. Hiện nay, bộ phim hoạt hình 90 phút Dưới bóng cây của chúng tôi đang trong giai đoạn tiền kỳ, 2 tháng nữa sẽ xong”.

Biên kịch Châu Thổ hé lộ về một dự án phim điện ảnh hợp tác giữa Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng với một đơn vị Hàn Quốc đang gần đi đến đích. Đại diện một nhà sản xuất phim Hàn Quốc cũng bày tỏ: “Mong có sự hợp tác có tính sáng tạo hơn”.

Bộ phim hợp tác Tuổi thanh xuân được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích

Một sự hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và với tinh thần thiện chí luôn là mong muốn của các nhà làm phim Việt Nam. Có thể thấy, Hội thảo “Mạng lưới công nghiệp Điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016” là cơ hội để những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim của cả hai nước hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của nhau để có thể cùng bắt tay tạo nên những sản phẩm điện ảnh thật sự có giá trị.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục