Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành: Ký kết 867 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm

Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ (được ký kết vào tháng 12-2011) là một trong những chương trình nhánh của Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình này đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực, là cơ sở để doanh nghiệp (DN) TPHCM và DN các tỉnh, thành gắn kết, phát triển bền vững.
Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành: Ký kết 867 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm

Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ (được ký kết vào tháng 12-2011) là một trong những chương trình nhánh của Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình này đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực, là cơ sở để doanh nghiệp (DN) TPHCM và DN các tỉnh, thành gắn kết, phát triển bền vững.

Sản xuất sữa tại tỉnh Bình Dương cung ứng hàng bình ổn thị trường TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Triển khai 434 hợp đồng, trị giá trên 19.000 tỷ đồng

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương TPHCM, tính đến hết ngày 31-10-2014, các DN đã xúc tiến, đàm phán và ký kết được 867 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Riêng các DN của TPHCM đã thực hiện triển khai được 434 hợp đồng, với tổng trị giá trên 19.000 tỷ đồng. Hiện còn 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo và 347 hợp đồng được ký kết mới, sẽ triển khai trong năm 2014 - 2015.

Chỉ riêng các DN trong hệ thống phân phối tại TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh, thành trị giá trên 13.000 tỷ đồng (trong đó, DN bình ổn thị trường là 10.513 tỷ đồng) và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3 chợ đầu mối của TPHCM tiếp nhận sản lượng bình quân 8.000 tấn/ngày hàng nông sản từ các địa phương. Thông qua chương trình hợp tác, hầu hết những mặt hàng đặc sản của các tỉnh, thành, các vùng miền đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn TPHCM. Ngược lại, DN từ các tỉnh, thành đã không ngừng tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện nhãn hàng riêng cho các hệ thống phân phối TPHCM như Công ty CP XNK thủy sản An Giang, Công ty CP thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), bánh pía Tân Huê Viên (Sóc Trăng), Công ty TNHH Đông Á kẹo dừa Bến Tre, HTX rau Anh Đào (Lâm Đồng)…

Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa cũng đã mở đường cho sản phẩm từ các tỉnh không chỉ phân phối rộng khắp trên cả nước mà còn được lựa chọn để xuất khẩu ra nước ngoài như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn với việc trồng chuyên canh và tiêu thụ các mặt hàng như đậu bắp, bắp non… từ An Giang, Tiền Giang sang Nhật Bản; Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op liên kết với các đối tác tại Singapore để đưa các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến vào 107 siêu thị và đại siêu thị của Tập đoàn NTUC FairPrice - nhà bán lẻ hàng đầu Singapore. Hàng hóa của các tỉnh, thành cũng đã được các DN FDI tại TPHCM như Metro, Big C, Lotte Mart… đưa vào hệ thống siêu thị để tiêu thụ. Trung tuần tháng 11-2014 vừa qua, Lotte Mart đã chọn sản phẩm tiêu biểu từ 30 DN của TPHCM và các tỉnh, thành để tham gia hội chợ triển lãm hàng Việt tại Hàn Quốc. Đây là những tín hiệu vui để hàng hóa Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng đến nhiều thị trường.

Hướng đến hợp tác bền vững

Bên cạnh những thành quả đạt được từ chương trình hợp tác, theo nhận định của nhiều DN, hoạt động giao thương giữa TPHCM và các tỉnh, thành còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được tận dụng tốt để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đạt ở mức cao hơn.

Ông Hồ Phước Hải, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Bình Điền, dẫn chứng trường hợp có thể tăng doanh số giữa TPHCM và An Giang như sau: mỗi đêm có khoảng 2.400 tấn thực phẩm tươi sống các loại vào chợ Bình Điền, với tổng trị giá đạt hơn 80 tỷ đồng/đêm. Riêng mặt hàng hàng thủy hải sản về chợ chiếm khoảng 1.000 tấn/đêm, trong đó có 10% sản lượng hàng được đưa về An Giang, tương đương mức 100 tấn/đêm. Trên thực tế, con số này còn có thể tăng cao hơn vì An Giang còn rất nhiều tiềm năng trong việc khai thác, cung ứng các mặt hàng là đặc sản như khô cá tra, khô cá sặc...

Theo ông Hồ Phước Hải, phía các cơ quan chức năng, DN đầu mối từ An Giang và chợ Bình Điền cần có những buổi làm việc thật cụ thể, hỗ trợ trực tiếp các cho các DN gắn kết với các thương lái kinh doanh tại chợ để giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Các vấn đề khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa cũng cần được chú trọng hơn nhằm tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang cho hay, các mặt hàng đặc sản của An Giang như bắp non, mắm chưng, cá linh kho mía… được người tiêu dùng TPHCM rất ưa chuộng, doanh số tăng trưởng hàng năm rất ấn tượng. Riêng các mặt hàng củ, quả đầu ra rất bấp bênh. Nguyên nhân chính là nhiều mặt hàng tại vùng chuyên canh ở huyện Chợ Mới đã sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhưng nếu đưa về các chợ đầu mối của TP và để bán chung với rau xá thì thiệt thòi cho rau sạch. Mặt khác, vì cạnh tranh nên giá bán của rau sạch cũng chưa phù hợp, không kích thích người dân mở rộng diện tích.

Theo kiến nghị của ông Huỳnh Quang Đấu, rất cần sự “mở đường” của lãnh đạo 2 địa phương để đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại tại TP, tiến tới bố trí các quầy sạp phù hợp để phân phối rau sạch tại các chợ.

Để hướng tới sự hợp tác ngày càng bền vững, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong thời gian tới, Sở Công thương TP sẽ tăng cường phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành bạn nhằm phát huy kết quả đạt được, đồng thời triển khai thêm những nội dung mới để chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ, bền vững, hiệu quả. Cụ thể: tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động quản lý nhà nước, điều phối cung cầu hàng hóa. Tổ chức các hoạt động trao đổi hàng hóa, hỗ trợ DN các bên liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo và khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ, tổ chức và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ hàng hóa của các tỉnh, thành tiêu thụ trong hệ thống phân phối của TP đi vào chiều sâu, không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận hệ thống mà cần phải tổ chức rà soát các DN, đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu…

Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành nhân rộng mô hình xã hội hóa thực hiện công tác bình ổn thị trường. TPHCM sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguồn hàng và lượng hàng theo yêu cầu của địa phương với chất lượng và giá cả đúng theo yêu cầu của Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM nhằm góp phần bổ sung nguồn hàng, cân đối cung cầu để hướng đến sự phát triển bền vững, ổn định giá cả thị trường các địa phương nói riêng và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục