Thực tế phát triển của công nghiệp điện ảnh thế giới cho thấy, hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ đã mang lại cho mỗi bên tham gia không ít lợi ích về kinh tế, văn hóa, đồng thời nâng cao tính đa dạng, chuyên nghiệp trong sáng tác, sản xuất phim và phát hành phim. Với điện ảnh Việt Nam, yếu tố hợp tác với bên ngoài đang được coi là xu thế mới.
Một cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung.
Hợp tác để học hỏi
Theo đạo diễn Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Phim truyện 1, ở nước ta hiện nay có 4 hình thức hợp tác sản xuất phim phổ biến. Đó là: đoàn làm phim Việt Nam cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài; phim Việt Nam tự thực hiện về nội dung nhưng nhận kinh phí tài trợ từ điện ảnh nước ngoài; phim Việt Nam với 100% vốn nội địa nhưng mời các nhà làm phim nước ngoài tham gia sản xuất; phim Việt Nam và nước ngoài cùng bỏ vốn rồi cùng làm phim. Nhờ đó, trình độ làm phim của chúng ta trở nên kỹ càng, chỉn chu hơn, ngay từ khâu xây dựng kịch bản. Ý tưởng cũng được thực hiện ở mức tốt nhất. Tính chuyên nghiệp cao hơn trong các đoàn làm phim, phân công rõ ràng và họ hiểu được công việc mình phải làm. Điều đó được học hỏi chính từ việc phối hợp với các nhà làm phim nước ngoài. Công nghệ làm phim lại tiên tiến hơn, có những công nghệ làm phim lần đầu tiên chúng ta được tiếp cận. Minh chứng rất rõ là ngay tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vừa qua, phần lớn những tác phẩm điện ảnh có yếu tố nước ngoài đều gây được ấn tượng tốt đối với người xem như Đập cánh giữa không trung, Nước - 2030...
NSND Đặng Nhật Minh, người từng có nhiều phim hợp tác với nước ngoài thành công, cũng cho rằng việc hợp tác với nước ngoài có nhiều điều tốt cho điện ảnh Việt Nam khi học hỏi được trình độ làm phim của nước ngoài: “Họ có sự tìm tòi, sáng tạo, quyết liệt thực hiện ý tưởng tốt nhất; tính chuyên nghiệp cao và mỗi thành viên đều có ý thức sáng tạo. Những người làm phim Việt Nam cần học hỏi tính chuyên nghiệp này...”.
Còn nhiều gian nan
Ngày càng nhiều bộ phim Việt được hợp tác sản xuất với nước ngoài. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào cho đúng nghĩa, như cùng bỏ vốn, cùng chia lợi nhuận lại là chuyện khác. Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam còn yếu như hiện nay, việc hợp tác sản xuất phim với các nền điện ảnh lớn là con đường đúng đắn tuy không dễ đi.
Theo ông Edouard Mauriat, người đồng sản xuất phim Đập cánh giữa không trung, trước đây từng có nhiều bộ phim nổi tiếng của nước ngoài đã thực hiện tại Việt Nam như Điện Biên Phủ, Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng… nhưng sau đó hầu như không có. Điều này là do Việt Nam chưa có sự hỗ trợ, quảng bá cho các đoàn làm phim biết rõ về các dịch vụ, chính sách hỗ trợ làm phim… “Điều gì khiến các quốc gia thu hút người nơi khác đến nước họ làm phim? Đó là do họ có cơ chế tốt đón tiếp các đoàn làm phim. Ở nhiều quốc gia, có một đơn vị đứng ra đón tiếp, hỗ trợ các nước tới làm phim. Ở từng địa phương cũng có các hội đồng như vậy. Ở Pháp cũng thế. Còn ở Việt Nam chưa có. Khi tôi muốn tới Việt Nam làm phim, đồng nghiệp khuyên nên qua Campuchia vì ở đây có dịch vụ tốt”, ông Edouard Mauriat chia sẻ.
Lý giải về một số dự án làm phim của nước ngoài muốn thực hiện ở Việt Nam song không thành công, ông Tất Bình tâm tư: “Đoàn làm phim Điệp viên 007 của Hollywood từng dự định quay 1 tập phim tại vịnh Hạ Long, song do yêu cầu của họ là sử dụng thuốc nổ để “cải tạo” cảnh quan của một hòn đảo không được chấp nhận nên đoàn phải sang Thái Lan quay”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, nơi đã có nhiều dự án phim hợp tác với nước ngoài, không khỏi lo ngại. Theo ông, việc nhà sản xuất nước ngoài vào bỏ vốn làm phim, rồi mang phim đi dự liên hoan phim ở nước ngoài để đoạt giải, thoạt nghe, đó là một điều mừng vì điện ảnh Việt Nam có giải. Nhưng ngẫm cho kỹ, yếu tố Việt Nam ở đây là gì? Diễn viên Việt Nam, đạo diễn Việt Nam, còn nguồn lực nước ngoài. Đồng tình quan điểm này, Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn bộ phim Đập cánh giữa không trung cho rằng, trong xu thế ngày nay, điện ảnh Việt Nam cần thêm niềm tin vào nguồn lực nội địa. Điều quan trọng hiện nay là trong xu thế hợp tác, chúng ta vẫn tạo nên được dấu ấn của chính điện ảnh Việt Nam. Và đó cũng là thách thức mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam.
Rõ ràng, còn quá nhiều vấn đề cần được làm rõ trên con đường hợp tác làm phim. Con đường này vẫn chưa được định hình và không chỉ có một hướng đi. Nhưng có thể nhìn thấy một điểm chung là muốn hợp tác với nước ngoài, điều quan trọng là các nhà làm phim trong nước phải nỗ lực, thay đổi bản thân và làm tăng sức mạnh nội lực.
MAI AN