Bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe trên thế giới

Bài 2: Thu hẹp hố sâu ngăn cách

Bài 2: Thu hẹp hố sâu ngăn cách

Để thu hẹp sự bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, các chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ quan chuyên trách của LHQ và các tổ chức khác phải áp dụng nhiều giải pháp đan xen. Các chuyên gia của WHO đề xuất một số hướng đi cụ thể.

Cải thiện điều kiện sống hàng ngày

WHO cho rằng hướng đi đầu tiên giúp giảm bất bình đẳng về sức khỏe là cải thiện điều kiện sống hàng ngày. Theo WHO, có ít nhất 200 triệu trẻ em trên thế giới không có điều kiện để phát triển đầy đủ và sự thiếu hụt này tạo ra những hậu quả to lớn đối với sức khỏe của các em cũng như đối với toàn xã hội.

Một trong những biện pháp giúp tạo cơ hội tốt nhất để giảm bất bình đẳng về sức khỏe là đầu tư vào những năm đầu tiên ngay khi trẻ mới ra đời. WHO kêu gọi thiết lập một cơ chế liên kết giữa các tổ chức nhằm đảm bảo sự gắn kết của các chính sách phát triển trẻ em, để mọi trẻ em được chăm sóc tốt nhất.

Bài 2: Thu hẹp hố sâu ngăn cách ảnh 1

Chăm sóc sức khỏe cho mầm non tương lai của xã hội

Theo WHO, năm 2007, lần đầu tiên đa số người dân trên hành tinh sống ở khu vực thành thị nhưng gần 1 tỷ người vẫn phải sống ở các khu phố nghèo. Trong khi đó, môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cơ hội phát triển toàn diện của trẻ.

WHO kêu gọi các nước trên thế giới đầu tư xây thêm nhiều nhà ở với giá phải chăng nhằm cải thiện điều kiện sống ở các khu phố nghèo, đặc biệt là về nước và điện sinh hoạt; khuyến khích các thói quen sinh hoạt lành mạnh (tập thể dục, vệ sinh sạch sẽ…); đầu tư dài hạn cho phát triển nông thôn; chống biến đổi khí hậu cũng như sự xuống cấp của môi trường.

Việc làm và điều kiện lao động cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự bình đẳng về sức khỏe. Vì vậy, WHO đề nghị các nước tập trung tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, trả lương thích đáng cho người lao động.

WHO nhấn mạnh rằng trên thế giới cứ 5 người thì có 4 người không được hưởng các loại hình bảo hiểm xã hội căn bản. Việc mở rộng bảo hiểm xã hội cho tất cả người dân sẽ là một bước đi quyết định tạo lập sự công bằng về sức khỏe trong một thế hệ.

WHO cũng cho biết gần 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó mỗi năm do phải trả những khoản chi phí y tế khổng lồ. Vì thế, WHO kêu gọi xây dựng các hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên nguyên tắc bình đẳng, phòng bệnh và tăng cường sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cho dù họ có khả năng chi trả hay không.

Và các giải pháp đan xen

WHO cho rằng cần đấu tranh chống sự bất bình đẳng trong việc phân chia các nguồn lực. WHO đánh giá rằng chính các quy định, chính sách và những thói quen xã hội cho phép, thậm chí là khuyến khích sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận quyền lực, của cải và các nguồn lực xã hội, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc phân chia các nguồn lực.

Vì thế, WHO kêu gọi sử dụng sự bình đẳng về sức khỏe như một chỉ số đánh giá hiệu quả của các chính phủ và sự phát triển xã hội nói chung; yêu cầu các nước giàu cam kết cung cấp 0,7% GNP dưới dạng viện trợ cho các nước nghèo; tăng cường hiệu lực của luật pháp; đẩy mạnh vai trò của lĩnh vực công cộng trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho chăm sóc sức khỏe…

Ở quy mô toàn cầu, các cơ quan của LHQ cần coi sự bình đẳng về sức khỏe là mục tiêu cơ bản của phát triển và lấy bình đẳng về sức khỏe làm một tiêu chí để đo lường những tiến bộ đạt được của các quốc gia.

Cuối cùng, WHO cho rằng cần hiểu rõ sự bất bình đẳng và đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã thực hiện, từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Để đánh giá chính xác, rất cần có các hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên việc quan sát, nghiên cứu ở quy mô địa phương, quốc gia và quốc tế. Vì thế, bên cạnh các chính phủ và cơ quan nhà nước, rất cần sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các tổ chức quần chúng, các nhà nghiên cứu, lĩnh vực tư nhân…

Những tiến bộ là có thể?

Những thay đổi đã và đang diễn ra cho thấy mục tiêu thu hẹp hố sâu bất bình đẳng về sức khỏe trong một thế hệ hoàn toàn có thể.

Tại Ai Cập, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm từ 235/1.000 còn 33/1.000 trong vòng 30 năm qua. Hy Lạp và Bồ Đào Nha cũng đã giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em từ 50/1.000 còn xuống mức thấp tương đương các nước tiên tiến hơn trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Thụy Điển và Ireland. Năm 2000, Cuba đã đạt được tỷ lệ hơn 99% dân số được tiếp cận các dịch vụ phát triển từ khi mới sinh.

Thời gian qua, Brazil, Canada, Chile, Kenya, Mozambique, Iran, Anh, Sri Lanka và Thụy Điển đã trở thành các đối tác của WHO khi cam kết cải thiện các yếu tố xã hội của sức khỏe và đã xây dựng những chính sách phù hợp.

WHO khẳng định sự thay đổi là có thể nếu chính phủ các nước tỏ rõ thiện chí chính trị. Con đường phía trước còn rất dài nhưng hướng đi rất sáng sủa.

Ủy ban các yếu tố xã hội của sức khỏe của WHO đề xuất 3 mục tiêu mang tính tham khảo, cần nỗ lực đạt được trong thời gian từ 2000 - 2040: 1/ Giảm 10 năm khoảng cách tuổi thọ giữa 1/3 những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất và 1/3 những nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất, bằng cách gia tăng tuổi thọ ở các nước có tuổi thọ trung bình thấp; 2/ Giảm một nửa tỷ lệ tử vong của người trưởng thành ở tất cả các quốc gia và trong mọi tầng lớp xã hội của mỗi quốc gia; 3/ Giảm 90% tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở tất cả các quốc gia và mọi tầng lớp xã hội trong từng quốc gia và giảm 95% tỷ lệ tử vong của các bà mẹ tại tất cả các quốc gia và mọi tầng lớp xã hội trong từng quốc gia.

Hà Vy (theo WHO)

Thông tin liên quan:

Bài 1: Sự bất công xã hội đang giết người ở quy mô lớn

Tin cùng chuyên mục