Cuộc chiến của CIA tại Pakistan- Bài 2: Những thiệt hại về chính trị

Cuộc chiến của CIA tại Pakistan- Bài 2: Những thiệt hại về chính trị

(SGGP-12G).- Hai loại máy bay không người lái được Mỹ sử dụng phổ biến hiện nay tại Pakistan - Predator và Reaper - đều là sản phẩm của General Atomics, một nhà thầu quốc phòng tại San Diego. Trong đó Predator là loại ra đời trước - chiếc đầu tiên được giao cho không quân vào năm 1994.

Công cụ rẻ tiền và gây sát thương cao

Cho đến cuối những năm 1990, CIA bắt đầu dùng loại máy bay này để săn lùng bin Laden. Với khả năng bay liên tục trong suốt 40 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu, chiếc Predator đã được Hank Crumpton, một quan chức tham gia vào hầu hết những chiến dịch bí mật của CIA tại Afghanistan, ca ngợi là “một công cụ tình báo tuyệt vời”.

Nhưng phải đến năm 2000, chiếc Predator mới được trang bị vũ khí để trở thành một công cụ tác chiến trực tiếp thay vì chỉ do thám như trước đây. Theo khẳng định của Crumpton, bin Laden từng bị một chiếc Predator ghi hình từ xa vào cuối năm 2000. Phi vụ tấn công đáng chú ý đầu tiên của Predator được ghi nhận vào ngày 5-11-2002, khi nó tiêu diệt được một chiếc xe quân sự tại Yemen với 6 tay súng, trong đó có một chỉ huy cao cấp của al-Qaeda.

Chiếc Reaper được mệnh danh là “cỗ máy chết chóc” tại Pakistan

Chiếc Reaper được mệnh danh là “cỗ máy chết chóc” tại Pakistan

Những thông tin gần đây được báo chí đăng tải cho thấy, CIA còn triển khai cả một mạng lưới điệp viên tại Pakistan để hỗ trợ cho những đòn tấn công từ máy bay không người lái. Cụ thể là các điệp viên được CIA tuyển mộ trong số cư dân địa phương có nhiệm vụ do thám những căn nhà có các thành viên al-Qaeda và Taliban đang ẩn náu, bí mật gắn những chip điện tử giúp thông báo vị trí chính xác để những “con ong” không kích.

Nếu như Predator còn nhiều hạn chế về trang bị vũ khí thì chiếc Reaper lại có thể thả những quả bom tương đối lớn có dẫn đường bằng laser (tương tự như loại máy bay F-16) cùng với tên lửa Hellfire. Chưa kể chi phí sản xuất loại máy bay này khá rẻ: chỉ 10 triệu USD, một con số quá nhỏ nếu so sánh với cái giá 350 triệu USD của chiếc F-22 Raptor đời mới.

Dù vậy, loại vũ khí quan trọng này của CIA tại Pakistan vẫn còn nhiều điểm không hoàn thiện. Chúng chỉ có thể giám sát một khu vực có diện tích nhỏ trong cùng một thời điểm. Đã có một vài vụ rơi rụng và thiệt hại được chính thức thông báo. Những camera nhiệt được trang bị cho chúng còn xa mới thực sự hoàn hảo, nhiều hình ảnh bị mờ cho dù được chụp trong các điều kiện lý tưởng.

Theo tờ Time, nhiều đoạn băng hình do máy bay không người lái cung cấp còn không giúp được các chuyên gia phân tích xác định được đó là một nhóm tay súng hay một nhóm người đang cầu nguyện. Nhược điểm này tất nhiên dễ dẫn tới việc xác định nhầm đối tượng tấn công và những sai sót chết người như vậy tại một đất nước như Pakistan có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Những hậu quả chính trị

Thực tế đã cho thấy, mỗi một thông tin về đợt tấn công của máy bay không người lái (chưa nói tới hiệu quả của chúng) chỉ làm bùng nổ thêm những tâm trạng chống Mỹ trong xã hội Pakistan. “Có khả năng những thiệt hại về chính trị của những cuộc tấn công này sẽ vượt quá cả những kết quả về mặt chiến thuật” - đó là nhận định của David Kilcullen, một chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Mỹ tại Iraq.

Tất nhiên, những chiến dịch sử dụng máy bay không người lái của Mỹ cũng gây ra không ít vấn đề trong quan hệ Washington - Islamabad. Cựu Tổng thống Pervez Musharraf trước đây là người đầu tiên cho phép những “con ong” hoạt động trên không phận nước mình nhưng ông này cũng đặt ra nhiều hạn chế nghiêm ngặt cho các đòn không kích từ loại máy bay này.

Sau khi Musharraf từ chức, những hạn chế kiểu trên đã được người Mỹ đơn phương xóa bỏ. Chính quyền mới của Tổng thống Zardari ban đầu đã tỏ thái độ làm ngơ trước những hoạt động của những “con ong”. Tuy nhiên khi bắt đầu phải đón nhận nhiều chỉ trích từ phía công chúng, ông Zardari trong chuyến thăm Washington vào tháng trước đã yêu cầu Obama để cho Islamabad trực tiếp điều khiển những chiếc máy bay không người lái.

Người dân Pakistan phần lớn đều cho rằng, hoạt động của những “con ong” do CIA điều khiển trên không phận Pakistan chẳng phục vụ gì cho những lợi ích của quốc gia này. Ngoài ra, những đợt không kích liên tục của máy bay không người lái làm nảy sinh xu hướng nhiều nhóm vũ trang độc lập bắt đầu quay sang liên kết với Taliban để chống lại người Mỹ, cũng như các chính quyền của Zardari và Hamid Karzai. Ngay vụ tấn công đẫm máu tại trung tâm huấn luyện cảnh sát ở Lahore cũng do Mehsud đứng ra nhận trách nhiệm với lý do trả thù cho những vụ tấn công của các máy bay Mỹ.

LINH NGA

>>> Bài 1: Chiến trường của những máy bay tinh xảo nhất

Tin cùng chuyên mục