Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên - Bài 3: Bài học về phát triển bền vững ở Brazil

Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên - Bài 3: Bài học về phát triển bền vững ở Brazil

Từ nhiều năm qua, Brazil đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế dựa vào việc khai thác vùng rừng Amazon. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này đang bộc lộ những mặt tiêu cực đối với môi trường và xã hội.

“Lá phổi thế giới” bị thu hẹp

Rừng Amazon nằm vắt ngang 8 nước: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surinam và Venezuela. Con người đã sinh sống ở rừng Amazon từ 8.000 năm trước nhưng sự hiện diện thường trực mới bắt đầu từ khoảng 200 năm qua, khi nguồn tài nguyên phong phú của Amazon làm cả thế giới phải thèm muốn.

Tịch thu gỗ lậu ở bang Para, miền Bắc Brazil
Tịch thu gỗ lậu ở bang Para, miền Bắc Brazil

Kể từ thế kỷ 20, tình trạng phá rừng bắt đầu gia tăng. Theo báo cáo của Chương trình môi trường LHQ công bố tháng 2-2009, năm 2005, tổng cộng có khoảng 857.000km² rừng bị phá hủy, tương đương 2/3 lãnh thổ của Peru hoặc gần bằng diện tích Venezuela. Trong số các nguyên nhân dẫn tới tình trạng rừng bị phá hủy có hoạt động kinh tế, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghiệp, vận tải và sự gia tăng dân số.

Từ khoảng 40 năm qua, dân số ở khu vực rừng Amazon đã tăng hơn 570%. Chỉ riêng ở khu vực Amazon thuộc Brazil, việc xây dựng đường sá đã tăng gấp 10 lần trong 30 năm (từ 1975-2005), làm gia tăng quá trình đô thị hóa. Tính trên toàn khu vực “đại Amazon” (xác định theo các tiêu chí thủy văn, sinh thái và chính trị), khoảng 21,3 triệu người - tương đương 63,6% - đang sống ở các khu vực đô thị.

Tiếp theo việc khai thác rừng, Chính phủ Brazil bắt đầu khai thác đất của “lá phổi thế giới” nhằm mở rộng diện tích đất trồng và nuôi bò. Trong vòng 100 năm, một diện tích rừng tương đương nước Pháp đã bị triệt hạ. Từ năm 1970 đến 1991, số lượng đàn bò tăng từ 1,7 triệu lên 17 triệu con. Hiện nay, diện tích rừng bị phá ở mức trung bình 25.000km² một năm.

Đầu tháng 6-2009, Tổ chức Greenpeace công bố một nghiên cứu khẳng định việc chăn nuôi bò ở mật độ cao là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng ở vùng Amazon của Brazil. Theo Greenpeace, trong những năm gần đây, cứ 18 giây lại có một héc ta rừng nguyên sinh Amazon bị phá hủy bởi người chăn nuôi. Các hoạt động chăn nuôi chịu trách nhiệm về 80% diện tích rừng bị phá ở Amazon mỗi năm và 14% diện tích rừng bị phá trên thế giới.

Thị trường quốc tế đậu nành và thịt bò mà Brazil là nước xuất khẩu chính là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tình trạng này.

Nhịp độ phá rừng đã giảm từ năm 2005-2008, nhưng có dấu hiệu tăng trở lại từ năm 2009. Nhờ phát triển chăn nuôi ở khu vực, Brazil đã trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò nhưng hậu quả đối với sự đa dạng sinh học và sự ấm lên của trái đất là rất lớn.

“Ảo tưởng” về sự phát triển

Mô hình sản xuất hiện tại không tính tới các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, dẫn tới sự phá vỡ hệ sinh thái và giảm sự đa dạng sinh học. Ngày càng có nhiều loài vật nội sinh của Amazon bị đe dọa tiệt chủng, trong đó 38% chỉ ở riêng Brazil. Do diện tích rừng bị phá vượt quá 30%, lượng mưa bắt đầu giảm, cháy rừng và lượng khói trong khí quyển bắt đầu tăng.

Sự gia tăng dân số ở khu vực rừng Amazon cũng gây hậu quả đối với sức khỏe con người. Sự đảo lộn hệ sinh thái tạo ra sự biến đổi của các loại virus. Các loại bệnh như sốt rét, sốt da vàng… cũng gia tăng.

Theo một nghiên cứu thực địa của một nhóm chuyên gia đăng trên tạp chí Science của Mỹ ngày 12-6, tình trạng phá rừng ở Amazon không chỉ gây tác hại đối với môi trường Brazil và hành tinh mà về trung hạn cũng không có lợi về kinh tế và nhân văn đối với dân cư ở khu vực rừng bị phá.

Theo báo cáo này, ban đầu, việc phá rừng giúp cải thiện đời sống của người dân bản địa, thể hiện qua chỉ số phát triển con người (HDI) - chỉ số được tính dựa trên 3 tiêu chí: Tuổi thọ, mức sống và tỷ lệ xóa mù chữ. HDI ở khu vực dọc khu vực rừng bị phá phát triển khá nhanh so với mức trung bình của Brazil.

Sở dĩ như vậy là vì việc phá rừng để mở rộng đất nông nghiệp và chăn nuôi thu hút rất nhiều đối tượng người di cư khác nhau - từ những chủ trang trại lớn, nông dân không có đất đai, người khai thác rừng, lái buôn, người tìm vàng… - mong muốn có một cuộc sống tốt hơn.

Sự xuất hiện của những người mới đến này, vốn có điều kiện hơn người dân bản địa, góp phần cải thiện chỉ số HDI của khu vực. Tuy nhiên, những những tiến bộ này không kéo dài được lâu. Chỉ số HDI giảm khá nhanh ở những khu vực rừng bị phá, tỷ lệ thuận với sự suy giảm năng suất do nguồn rừng bị cạn kiệt và điều kiện chăn nuôi xuống cấp.

Để chống lại những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế ở khu vực rừng Amazon, các chính phủ liên bang của Brazil đã gia tăng các biện pháp kiểm soát và luật hóa việc khai thác bền vững rừng. Các kỹ thuật hiện tại có thể đảm bảo việc tái tạo các khu rừng khai thác trong 20 năm tới. Các biện pháp giáo dục cũng được tăng cường.

Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thống Brazil Lula da Silva thông báo 25 triệu héc ta rừng phòng hộ đã được tái tạo ở Amazon. Chính phủ đặt mục tiêu giảm 80% tỷ lệ phá rừng từ nay tới 2020. Ông Lula cũng hứa giảm còn 0% tỷ lệ khai thác rừng phi pháp trong cùng giai đoạn này.

Hiện tại, các chuyên gia nhận định việc gìn giữ toàn bộ hệ sinh thái ở Brazil gần như không thể, nhưng rõ ràng chính phủ đã nhận thấy sự cần thiết phải dung hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc gìn giữ môi trường.

Hà Vy (tổng hợp)
(SGGP-12)

>> Bài 1: Cuộc chiến chống động vật hoang dã ở Sumatra 

>> Bài 2: Những “tị nạn khí hậu” đầu tiên ở Maldives

Tin cùng chuyên mục