Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) có thể trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế?- Bài 2: Dùng tem phiếu để kích cầu

Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) có thể trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế?- Bài 2: Dùng tem phiếu để kích cầu

Người Đài Loan còn có một sáng kiến đặc biệt khác kích cầu nội địa nhằm bù đắp cho sụt giảm xuất khẩu do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khác với phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thường chống khủng hoảng bằng biện pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng và giới kinh doanh, chính quyền Đài Loan lại lựa chọn dân chúng làm đối tượng giúp đỡ tài chính hàng đầu.

  • Tác động dây chuyền
Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) có thể trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế?- Bài 2: Dùng tem phiếu để kích cầu ảnh 1
Tem phiếu tiêu dùng đang được xem là biện pháp kích cầu hiệu quả tại Đài Loan

Để phục vụ cho mục đích này, chính quyền đã phát hành một loại tem phiếu tiêu dùng để cấp cho mỗi một người dân. Tính ra đã có một số lượng lớn tem phiếu tiêu dùng đã được cấp cho người dân với tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD, mỗi một phiếu có mệnh giá tương đương 110 USD. Tại Đài Loan hiện đang rất phổ biến đoạn băng quảng cáo, trong đó người đứng đầu hòn đảo này đang nhận số tem phiếu dành cho các thành viên trong gia đình mình và tuyên bố: “Hãy chi tiêu tất cả những gì bạn đang có”. Đó cũng chính là thực chất của một “đơn thuốc” chống khủng hoảng của Đài Loan.

Những tem phiếu trên được cấp phát vào đúng dịp gần sát năm mới Âm lịch, tức là vào đúng dịp cao điểm mua sắm hàng hóa. Loại tem phiếu này có đặc điểm bị hạn chế về thời gian chi tiêu (muộn nhất là đến 30-9 năm nay để có thể sử dụng mua hàng hóa hay trả tiền dịch vụ tại bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào), đồng thời không thể gửi vào ngân hàng hay cất giữ. Để tăng hiệu quả của phương pháp kích cầu này, thành phố Taipei đã tổ chức một triển lãm đặc biệt từ ngày 12 đến 16-4 vừa qua, trong đó khách hàng có thể dùng tem phiếu để mua các phương tiện điện tử kỹ thuật số với giá ưu đãi, trong đó tỷ lệ giảm giá - tùy thuộc vào từng nhãn hiệu laptop, màn hình hay từ điển điện tử - có thể lên tới 40%.

Ngoài ra, cứ mỗi tháng trên truyền hình Đài Loan lại quảng cáo về một loại xe ô tô mới, trong vòng 30 ngày có thể mua với khoản tiền hỗ trợ thêm từ chính phủ (trung bình trên dưới 1.000 USD). Có một chi tiết thú vị khác là các cơ quan hành pháp tại Đài Loan cũng được “hưởng lợi” từ chính sách “tem phiếu hóa” này. Theo như thứ trưởng nội vụ tại hòn đảo này, ngay trong ngày đầu tiên phát hành tem phiếu, đã có hơn 30 tên tội phạm bị truy nã sa lưới do không kìm được cám dỗ đã tìm cách đứng ra nhận những tờ tem phiếu này.

Theo những người phản đối, giải pháp tem phiếu chỉ có tác dụng nhất thời, chưa nói về khoản tiền chính quyền đầu tư về lâu dài sẽ chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Tuy nhiên, sáng kiến kích cầu của chính phủ ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của giới thương gia cỡ nhỏ và vừa tại địa phương - vẫn được đánh giá là nền tảng của kinh tế Đài Loan. Bản thân họ lại tiếp tục triển khai những biện pháp kích cầu của riêng mình để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như tại mỗi một cửa hàng bán điện thoại di động trên hòn đảo này đều có tấm biển quảng cáo với nội dung hấp dẫn: “Hãy xuất trình tem phiếu, mua điện thoại, ký hợp đồng với công ty điều hành mạng di động trong một năm và bạn sẽ được nhận một chiếc điện thoại thứ hai miễn phí”.

Còn nhiều biện pháp để thu hút người tiêu dùng khác chẳng hạn như miễn thuế. Nếu như trước đây, người nước ngoài rời khỏi Đài Loan chỉ có thể được khấu trừ tối đa 5% giá trị số hàng hóa họ đã mua trên hòn đảo này thì giờ đây tỷ lệ này có thể là 30%, thậm chí còn cao hơn nữa. Nói một cách ngắn gọn hơn, sáng kiến chống khủng hoảng của chính phủ đã tạo ra tác dụng của một phản ứng dây chuyền, khiến người ta có cảm tưởng gần như toàn dân trên hòn đảo này đang tham gia vào một cuộc đua tiêu dùng.

  • Những kế hoạch mới

Giải pháp tem phiếu của chính quyền Đài Loan thật ra vẫn vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phe đối lập, những người cho rằng cần phải tập trung vào các đối tượng thất nghiệp thay vì chia đều theo đầu người. Nhưng các quan chức chính quyền cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, họ không hy vọng giải pháp tem phiếu có thể giải quyết được tất cả những bất lợi từ cuộc khủng hoảng. Giải pháp này thật ra chỉ là một phần trong chương trình kích thích kinh tế theo dự kiến của chính quyền Đài Loan với tổng trị giá 15 tỷ USD.

Một nửa trong số tiền này sẽ được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như chính quyền đang bàn bạc về ý tưởng xây dựng một cây cầu qua eo biển Đài Loan để nối liền với Trung Quốc đại lục, dù đó vẫn đang là chuyện của tương lai. Còn trong năm nay, Đài Loan đã lên  kế hoạch chi 4,4 tỷ USD cho chương trình xây dựng nhiều đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác. Chương trình này dự kiến sẽ giúp tạo thêm được từ 190.000 đến 220.000 việc làm, đồng thời tăng tỷ lệ phát triển kinh tế trong năm 2009 lên thêm 0,97%. 

Dù vẫn còn phải đương đầu với không ít khó khăn nhưng theo các quan chức và chuyên gia Đài Loan, hòn đảo này đã cơ bản đứng vững trước những tác động của khủng hoảng. Mức tăng trưởng kinh tế của Đài Loan trong năm 2009 được dự kiến là 2,5% (không giảm nhiều quá nếu biết rằng mức độ dự đoán tăng trưởng trước khủng hoảng là 4,3%). Chưa kể Đài Loan vẫn tiếp tục tăng cường thêm được lượng dự trữ vàng của mình - kể từ thời kỳ đầu khủng hoảng đã tăng thêm được khoảng 20 tỷ USD, đạt tổng giá trị 305 tỷ USD (đứng vị trí thứ 4 trên thế giới).

NHƯ QUỲNH

>> Bài 1: Mô hình mạng nhện chống khủng hoảng

Tin cùng chuyên mục