Thế giới nỗ lực chống nạn mại dâm-Bài 2: Đánh vào khách hàng

Thế giới nỗ lực chống nạn mại dâm-Bài 2: Đánh vào khách hàng

(SGGP-12G).- Nạn mại dâm gây hậu quả không nhỏ dối với đời sống xã hội của nhiều quốc gia. Trên thế giới, nhiều nước coi cuộc đấu tranh chống nạn mại dâm là một ưu tiên và áp dụng nhiều biện pháp để chống lại vấn nạn này.

Khi khách hàng không là Thượng đế

Mỗi quốc gia trên thế giới có quan niệm khác nhau về mại dâm. Một số nước không chấp nhận (như Trung Quốc), một số khách coi đó là phạm tội (như Mỹ), một số khác lại coi đó là một nghề (như Đức và Hà Lan).

Một số nước giới hạn nhưng không kiểm soát quá gắt gao, như trường hợp Thụy Sĩ. Nhưng một trong những xu hướng mới đang được nhiều quốc áp dụng, đó là đánh vào khách hàng để giảm nhu cầu. Lập luận của các quốc gia này là: Chừng nào còn có cầu, thì cung vẫn sẽ tồn tại.

Một góc “Phố đèn đỏ” ở Ams- terdam, (Hà Lan) thời hoàng kim

Một góc “Phố đèn đỏ” ở Ams- terdam, (Hà Lan) thời hoàng kim

Năm 1999, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp đánh vào khách để chống nạn mại dâm. Luật về “mua dịch vụ tình dục” quy định khách mua dâm sẽ bị phạt nặng, trong khi gái bán dâm bị coi là nạn nhân của bạo hành. 

Sau khi luật được áp dụng, ngày càng có ít phụ nữ đứng đường làm nghề mại dâm, 60% gái mại dâm đã chuyển nghề. Tiếp theo Thụy Điển, Phần Lan đã áp dụng mô hình này vào năm 2006, Scotland năm 2007 và từ 1-1-2009, Na Uy gia nhập các quốc gia muốn bài trừ mại dâm bằng cách nhằm vào khách hàng.

Dân số Na Uy là 4,5 triệu người, trong đó từ 2.000 - 3.000 phụ nữ hành nghề mại dâm, có đến 1/3 đón khách trên phố. Theo luật mới của Na Uy, khách hàng mua dâm có thể phải chịu tới 6 tháng tù hoặc chịu phạt nặng, cũng có thể là hai hình phạt cùng một lúc.

Tuy nhiên, hoạt động mại dâm vẫn hợp pháp, người làm mại dâm không bị truy tố trước pháp luật. Thậm chí, họ còn được hưởng các biện pháp trợ giúp như đào tạo miễn phí để hòa nhập xã hội hoặc chữa trị cai nghiện.

Tinh thần của luật này là: Mại dâm không phải một lựa chọn, “đó là một hình thức bạo hành của đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em”. Do vậy, cần thiết phải giúp đỡ các nạn nhân thoát khỏi tình trạng này và buộc những người gây ra nó phải trả giá.

Tuy nhiên, một số ý kiến chống lại luật này, cho rằng hoạt động mại dâm vẫn tồn tại nên những phụ nữ hành nghề sẽ càng dễ bị đe dọa do không nhận được sự bảo vệ của luật pháp; các hoạt động mại dâm bí mật và trá hình sẽ gia tăng...

Năm 2003, một phụ nữ Anh hành nghề mại dâm đã thành lập công đoàn để bảo vệ quyền của những người “lao động tình dục”. Chỉ có 3 quốc gia khác ở Liên minh châu Âu có công đoàn trong lĩnh vực này. Họ đòi quyền chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là gây dựng khả năng vận động hành lang bên cạnh các nhà chính trị nhằm tránh tình trạng luật giống như ở Thụy Điển được áp dụng ở quốc gia mình.

Mặc dù vậy, hầu hết ý kiến cho rằng tác động của luật này rất rõ ràng đối với nhận thức của người dân. Chẳng hạn như ở Thụy Điển, sau 10 năm áp dụng, 86% người dân Thụy Điển, đặc biệt là thanh niên, cho rằng mại dâm là một hình thức nô lệ.

Ưu tiên của thế giới

Tại Trung Quốc, để ngăn chặn các trang web có nội dung khiêu dâm, chính phủ nước này ban hành quy định từ ngày 1-7-2009, tất cả các máy tính bán tại thị trường Trung Quốc phải cài đặt phần mềm chặn web đen. Phần mềm này có tên gọi Green Dam-Youth Escort do Công ty máy tính Jinhui phát triển với sự trợ giúp của Viện Ngôn ngữ kỹ thuật nhân loại Dazheng Bắc Kinh. Mục đích chính của phần mềm này là ngăn chặn các website khiêu dâm nhằm bảo vệ những người sử dụng Internet là thanh thiếu niên trước những nội dung độc hại.

Tại Bulgaria, hàng ngàn phụ nữ bị buộc phải làm gái mại dâm ở Tây Âu. Ước tính, hình thức buôn bán người này mang lại gần 1 tỷ euro cho các tổ chức mafia. Các nỗ lực bảo vệ và tái hòa nhập xã hội cho các nạn nhân vẫn còn chưa đủ. Các hoạt động trấn áp của các lực lượng chức năng không thấm vào đâu so với sự mở rộng của hoạt động phi pháp này.

 Tại Đức, chính phủ nước này thông báo sẽ ngăn chặn đường truyền tới các trang web khiêu dâm trẻ em. Cụ thể, cảnh sát hình sự nước này sẽ thông tin hằng ngày tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet danh sách các trang web cần phong tỏa.

Những người sử dụng Internet định truy cập vào danh sách này - kể các trang web đặt ở nước ngoài - sẽ được gửi một thông điệp cảnh báo, nhưng địa chỉ IP không bị gửi tới cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nếu cố tình phá tường lửa để truy cập, người sử dụng Internet sẽ bị truy tố trước pháp luật. Trên thực tế, từ trước khi luật này được chính thức ban hành, các công ty cung cấp dịch vụ Internet đã tự nguyện cam kết phong tỏa việc truy cập các website này.

Tại Italia, từ cuối năm 2008, Hội đồng Bộ trưởng nước này thông qua dự luật cấm hoạt động mại dâm ở nơi công cộng. Luật này quy định phạt từ 5 - 15 ngày tù và từ 200 đến 13.000 euro đối với cả người mua và bán dâm ở nơi công cộng.

Chính quyền Italia cho rằng luật sẽ giúp giảm thiểu nạn mại dâm ở nước này. Tuy nhiên, luật không coi mại dâm là hoạt động phi pháp (nếu thực hiện ở nhà riêng, người hoạt động mại dâm sẽ không bị truy tố).

Riêng đối với những người dắt gái đưa trẻ thành niên ra đường, hình phạt là từ 6-12 năm tù, cộng với tiền phạt từ 15.000 đến 150.000 euro. Những khách hàng có quan hệ với mại dâm tuổi chưa thành niên sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 4 năm và tiền phạt từ 1.500 tới 6.000 euro. Những người hành nghề mại dâm dưới 18 tuổi, không có quốc tịch Italia sẽ bị trục xuất về nước.

Ước tính, từ 50.000 - 70.000 người, trong đó 1/3 là người nước ngoài, hoạt động mại dâm ở Italia. 65% hoạt động ở đường phố và 20% còn chưa thành niên.

HÀ VY (tổng hợp)

>> Bài 1: Những biến tướng

Tin cùng chuyên mục