Khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc: Thời vận mới - thách thức mới

Bài 1: Sức mạnh kinh tế mới từ châu Á

LTS:
Bài 1: Sức mạnh kinh tế mới từ châu Á

LTS: Kể từ ngày 1-1-2010, hàng hóa giữa các nước Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với một thị trường gần 1,9 tỷ dân, trải rộng trên diện tích 13 triệu km² và GDP tổng cộng 6.000 tỷ USD đã chính thức có hiệu lực. 6 nước ASEAN đầu tiên tham gia hiệp định là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Singapore. Đây là khu vực tự do thương mại lớn thứ 3 thế giới sau Liên minh châu Âu và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. Trên cả hai lĩnh vực thương mại và đầu tư, khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc tạo ra cho các nước ASEAN cơ hội lớn để mở rộng thị trường trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài vào lãnh thổ của mình, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn như cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trên cả lĩnh vực thương mại và lĩnh vực đầu tư. Các nước ASEAN sẽ phải làm gì để biến thách thức thành cơ hội? Báo SGGP đăng loạt bài về những cơ hội và thách thức do ACFTA mang đến và những kinh nghiệm gia nhập các khu vực tự do thương mại. 

  • Hình thành từ nền tảng quan hệ vững chắc

Tiến trình thành lập khu vực tự do thương mại song phương giữa ASEAN - Trung Quốc đã manh nha gần 8 năm trước đây (tháng 11-2002) khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ và các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 tại Phnôm Pênh (Campuchia). Thỏa thuận Khung cho Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc cũng được ký kết trong dịp này. Đây được coi là một bước đi chính bởi theo thỏa thuận khung này, ACFTA sẽ được hoàn tất vào năm 2010.

Người dân trong ACFTA sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ.

Người dân trong ACFTA sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ.

Những cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành ACFTA diễn ra liên tục sau đó. Theo thỏa thuận tự do thương mại hàng hóa,  từ tháng 7-2005, Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN sẽ dần bãi bỏ các mức thuế đối với hàng xuất khẩu mỗi bên. Ngày 15-8-2009, Trung Quốc và ASEAN ký thỏa thuận tự do thương mại trong lĩnh vực đầu tư, nhằm mở các thị trường đầu tư cho nhau. Trao đổi buôn bán Trung Quốc - ASEAN đạt mức tăng hàng năm đáng kể là 24,3% (từ 2003-2008).

Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, trong khi khối này là đối tác buôn bán lớn thứ 4 của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước ASEAN cũng tăng dần theo thời gian. Năm 2008, tổng mức đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã đạt 2,18 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư thực của ASEAN vào Trung Quốc đạt tổng cộng 5,46 tỷ USD năm 2008, so với con số 2,93 tỷ USD năm 2003.

Với việc ACFTA chính thức có hiệu lực bắt đầu từ 1-1-2010, mức thuế trung bình đối với hàng hóa của ASEAN xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc được giảm từ 9,8% xuống còn 0,1%. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm mức thuế trung bình đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ 12,8% xuống còn 0,6%. Chính sách phi thuế quan đối với 90% hàng hóa được trao đổi giữa Trung Quốc và 4 thành viên mới của ASEAN là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2015.

  • Sức cạnh tranh mạnh mẽ

Theo thẩm định của Bắc Kinh, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của ACFTA trong năm 2011 sẽ lên đến 200 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2005. Trong khi đó, Ganeshan Wignaraja, nhà kinh tế hàng đầu tại Văn phòng hợp nhất kinh tế khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “ACFTA là phương tiện quan trọng đối với tăng trưởng và phục hồi do thương mại chi phối trong ASEAN. Dự kiến GDP của ASEAN sẽ tăng từ 3,9% trong năm 2009 lên tới 6,4% vào năm 2010”. Cũng theo nhà kinh tế G.Wignaraja, các bên tham gia ACFTA đề ra mục tiêu bãi bỏ những rào cản trong chính sách đầu tư và thuế quan chính là để mang lại sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Với khối lượng giao dịch khoảng 4.500 tỷ USD, khu vực này đứng hàng thứ 3 sau Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các chuyên gia kinh tế cho rằng ngay từ bây giờ đã có thể coi ACFTA là đối thủ cạnh tranh chính của EU và NAFTA. Với dân số chiếm 1/3 cư dân của hành tinh và hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sức mạnh kinh tế, chỉ qua vài năm nữa các thành viên trong liên minh mới này sẽ cải thiện một cách đáng kể các chỉ số về tăng trưởng kinh tế của mình.

Đây là lần đầu tiên một mô hình hợp tác kinh tế có thành phần thuần túy gồm những quốc gia đang phát triển, trong đó hàng loạt nước có tiềm năng khổng lồ. Thêm vào đó, Trung Quốc với nền kinh tế đang sải những bước dài về phía trước, ACFTA thật sự là một khối liên kết có sức mạnh đáng nể. Việc lưu thông tự do về hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên của ACTA chuyên sâu về những mặt mạnh hơn của mỗi nước, từ đó cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực này.

Phó Chủ tịch Hội đồng hợp tác thương mại quốc tế Trung Quốc Wang Jinzhen cho rằng lợi ích của các thành viên FTA Trung Quốc - ASEAN là hết sức rõ ràng, không chỉ ở việc hạ thấp giá thành hàng hóa, dịch vụ.

Theo ông W.Jinzhen, xúc tiến mạnh trao đổi hàng hóa cũng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa rộng rãi hơn trước; thị trường tại khu vực châu Á sẽ tăng trưởng nhờ hạ thấp chi phí nhập khẩu vì các thương vụ dành cho đối tác ở xa sẽ đắt giá hơn. Tất cả những điều đó tiếp xung lực mới cho các nước trong khu vực có nền kinh tế vừa bị thiệt hại bởi phải hạ thấp khối lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Diễn đàn ACFTA hồi tháng 1 vừa qua tại TP Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã một lần nữa khẳng định quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, phù hợp với lợi ích căn bản của các nước trong khu vực. Đại diện các nước thuộc ACFTA đều thống nhất rằng cần phải thúc đẩy hơn nữa việc khai thác thị trường đầu tư của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư thuận tiện, minh bạch và công khai.

  • Những chuẩn bị cho ACFTA

Các doanh nghiệp Thái Lan nhận định ACFTA mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Dù đang là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu châu Á về nông sản, nhưng nông dân nước này đang thật sự lo ngại về làn sóng hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào thị trường trong nước. Gạo của Thái Lan cũng không thể “miễn dịch” trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình đó, nông dân Thái Lan cần được hỗ trợ về vốn vay, phương pháp canh tác nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dự định thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ gạo và dầu cọ có thể bị tác động do áp lực cạnh tranh sau khi thực thi ACFTA. Các biện pháp được đề xuất gồm đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất và hạ giá thành phẩm để nâng cao sức cạnh tranh.

Đối với sản xuất công nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế của Thái Lan, dù có nền tảng công nghiệp khá vững mạnh, song Thái Lan vẫn chưa phát huy tốt khả năng sáng tạo để đạt trình độ phát triển cao về công nghệ-kỹ thuật. Vì vậy, một số ngành công nghiệp địa phương đã được khuyến cáo rằng cần phải mạnh dạn trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại hơn để tạo ra những sản phẩm khác biệt hẳn so với các nước láng giềng. Có như vậy, ngành công nghiệp của “đất nước chùa Vàng” mới có thể đứng vững khi hội nhập sâu vào ACFTA

A.VĂN – K.MINH – T.NHƯ

Cũng như các thành viên khác của ASEAN, khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc hình thành cũng sẽ mang đến cho Việt Nam những thuận lợi lớn và cả những thách thức không nhỏ.

Trong lĩnh vực thương mại, nhân tố Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc mở ra cho Việt Nam một thị trường lớn để xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm thủy sản… Cơ hội xuất khẩu lớn này sẽ giúp Việt Nam ổn định và tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp, ngành hiện đang có vai trò kinh tế, xã hội quan trọng ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực đầu tư, khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy đầu tư và các mối quan hệ hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Trung Quốc với ASEAN và Việt Nam. Chúng ta có cơ sở để tin rằng đầu tư, chuyển giao công nghệ, du lịch, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực… của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Đối với Việt Nam cơ cấu kinh tế và cơ cấu hàng hóa trao đổi dễ dẫn đến tình trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển theo quan hệ hàng dọc, trong đó Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu, nông lâm thủy sản và nhập khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc (điều này khác với các nước ASEAN - 6 có quan hệ ngang hàng với Trung Quốc, xuất nhập khẩu đều chủ yếu là hàng công nghiệp). Điều đó sẽ bất lợi cho Việt Nam cả trong quan hệ thương mại lẫn trong cố gắng công nghiệp hóa nền kinh tế. Hơn nữa, cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển theo hướng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Một thách thức khác là ACFTA hình thành sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam sẽ càng thêm nặng, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp trẻ như dệt may, da giày, sản xuất hàng tiêu dùng. Đối với các ngành Việt Nam đang mong muốn đi vào phát triển như các sản phẩm công nghệ cao (thiết bị điện tử, điện tử, công nghệ thông tin…) thì Trung Quốc đều đã và đang phát triển mạnh, với năng lực cạnh tranh cao. Khi hàng rào thuế và phi thuế được hạ thấp, hàng hóa và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất vất vả để có thể đứng vững trên thị trường nội địa.

(Theo Langson.gov.vn)

Tin cùng chuyên mục