Hy Lạp: Vỡ nợ vì tham nhũng và trốn thuế

Báo chí châu Âu bình luận khu vực đồng EUR đang phải trải qua một “cơn bão tài chính” lớn nhất kể từ khi đơn vị tiền tệ này ra đời, cách đây 11 năm. Tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến Hy Lạp được đặt ngay vị trí “tâm bão” với hiểm họa vỡ nợ quốc gia đang chực chờ.
Hy Lạp: Vỡ nợ vì tham nhũng và trốn thuế

Báo chí châu Âu bình luận khu vực đồng EUR đang phải trải qua một “cơn bão tài chính” lớn nhất kể từ khi đơn vị tiền tệ này ra đời, cách đây 11 năm. Tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến Hy Lạp được đặt ngay vị trí “tâm bão” với hiểm họa vỡ nợ quốc gia đang chực chờ.

Khủng hoảng ngân sách

Tuy chỉ chiếm khoảng 3% GDP của 16 nước thành viên eurozone nhưng cuộc khủng hoảng ngân sách của Hy Lạp có ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định và thậm chí số phận của đồng EUR, đồng tiền chung châu Âu.

Cách đây không lâu, xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ mức A - đã bị hạ xuống thành BBB+. Điều này đã đẩy Hy Lạp đến vị trí quốc gia châu Âu có xếp hạng tín dụng thấp nhất. Cũng có thể nói đây là cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Hy Lạp.

Theo tính toán của chính quyền Athens, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trong năm 2009 lên đến mức tương đương 12,7% GDP, mức nợ công của nhà nước có thể lên tới 113% PIB và đến năm 2010, tỷ lệ này được dự đoán sẽ là 120%.

Trong khi đó, theo khuôn khổ hiệp ước về ổn định tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu, thâm hụt ngân sách của các nước thành viên không được vượt quá 3% GDP. Hy Lạp ước tính, nguồn vốn cần huy động từ bên ngoài là 55 tỷ EUR, đến nay mới chỉ huy động được 14 tỷ EUR, tháng 4 và tháng 5 tới dự đoán sẽ phải hoàn trả khoản nợ 20 tỷ EUR.

Chuyên gia phân tích của Goldman Sachs dự báo, tới đây Hy Lạp sẽ còn phải đương đầu với tình trạng tài chính suy thoái nghiêm trọng hơn nữa. Chủ tịch nhóm đồng tiền chung, Jean Claude Junker cho rằng không loại trừ khả năng nhà nước Hy Lạp phá sản.

Giới đầu tư ở Hy Lạp đang “khăn gói” ra đi, sản xuất gần như ngưng trệ. Nếu sự việc chỉ đơn giản, gói gọn trong phạm vi Hy Lạp, như tình hình Thái Lan năm 1997 hay Argentina năm 2001, nghĩa là phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng, phá giá đồng bạc và thực hiện lời khuyên của các định chế tài chính quốc tế để tái tạo nguồn tài chính thì mọi chuyện sẽ bớt rối rắm hơn. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, vì Hy Lạp nằm trong EU và đang sử dụng đồng EUR của khối. Nếu không có một sự nâng đỡ đủ mạnh, Hy Lạp sẽ tạo nên hiệu ứng domino, kéo theo sự đổ vỡ của các quốc gia khác như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ và Italia, vì tất cả đều đang khốn đốn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với số nợ công khổng lồ (vượt qua mức 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Hiện nay, Hy Lạp cần khoảng 53 tỷ EUR (73 tỷ USD) đến cuối năm 2010 để lấp lỗ hổng ngân sách và thanh toán các khoản nợ.

Trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, Chính phủ Hy Lạp đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong lúc cam kết thực hiện cắt giảm chi tiêu ngân sách nhằm giảm thâm hụt theo yêu cầu của các nước trong khu vực đồng EUR, chính phủ phải đối mặt với làn sóng phản đối từ trong nước, đặc biệt là những người ăn lương nhà nước vì giảm chi tiêu ngân sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Cuộc tổng đình công tại Hy Lạp phản đối những biện pháp cắt giảm thâm hụt của chính phủ gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Ảnh: AFP

Cuộc tổng đình công tại Hy Lạp phản đối những biện pháp cắt giảm thâm hụt của chính phủ gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Ảnh: AFP

Kinh tế chợ đen

Nhìn lại, khi gia nhập EU năm 1981, Hy Lạp là quốc gia thứ 10 và cũng là quốc gia nghèo nhất trong liên minh này. Để hội đủ điều kiện gia nhập khu vực đồng EUR, Athens đã “nhào nặn” chính sách tài khóa với hy vọng được các thành viên chia sẻ gánh nặng cán cân ngân sách. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong năm 2003 và 2004, Hy Lạp đã cho phép các công ty khấu trừ 35% lợi nhuận, coi đó là phần thu nhập được miễn thuế để sử dụng đầu tư vào một loạt các lĩnh vực từ dệt may, năng lượng, nông nghiệp đến du lịch. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với các quy định chung của châu Âu trong việc bảo vệ một thị trường thương mại mở xuyên khối. Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Hy Lạp thu hồi ngay lập tức khoản hỗ trợ sai quy định này nhưng Hy Lạp vẫn chưa thực hiện. Vì thế, một phái đoàn hỗn hợp gồm các quan chức của Cơ quan giám sát ngân sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có mặt tại Athens để theo dõi quá trình thực hiện các cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong nỗ lực chống tham nhũng và vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách, Chính phủ Hy Lạp đang đề nghị người dân nước này hãy lưu giữ những hóa đơn để chính phủ có thể điều tra việc trốn thuế. Chống tham nhũng, trong đó có trốn thuế, là một trong những trọng tâm mà Chính phủ Hy Lạp tập trung với mục tiêu xóa bỏ món nợ quốc gia khổng lồ vốn có tác động tiêu cực đến thị trường và EU.

Theo kế hoạch kinh tế đã được đề ra, Chính phủ Hy Lạp hy vọng sẽ thu được 1,2 tỷ EUR từ những người trốn thuế trong năm nay. Tuy nhiên, đây là một thử thách không nhỏ đối với một đất nước mà nhiều người dân vẫn chưa tuân thủ theo các quy định được đề ra.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Hy Lạp là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong EU. Không chỉ có công nhân viên chức không chịu nộp thuế, mà việc nhận tiền hối lộ còn khá phổ biến từ trung ương đến địa phương. Năm 2008, hơn 13% người Hy Lạp đã chi tới 750 triệu EUR tiền phong bì cho các lãnh đạo khu vực công và khu vực tư, trong đó có bác sĩ là những người đòi nhiều tiền hơn cho các cuộc phẫu thuật; các nhà quy hoạch thành phố là những người quyết định thời gian giấy phép xây dựng được cấp và các quan chức ở địa phương cũng liên quan đến những vụ việc nhận hối lộ.

Theo ông Costas Bakouris, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Hy Lạp, hậu quả của những việc làm trên là vô cùng nghiêm trọng. “Chúng ta đang tiếp tục sống trong một xã hội cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó sẽ tiếp tục làm tổn hại đến đất nước và chúng ta có thể trở thành một đất nước nghèo hơn”. Người dân Hy Lạp vẫn đang ủng hộ những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của chính phủ, nhưng việc chống tham nhũng sẽ rất khó khăn nếu không nhận được sự đồng thuận của tất cả các tầng lớp, trong đó có các đảng phái chính trị.

Những hệ lụy

Từ cuối năm 2009, giới tài chính quốc tế đã báo động về “sức khỏe” tài chính của những quốc gia này và dự báo về một cuộc vỡ nợ khổng lồ khó tránh khỏi nếu EU không cố gắng điều chỉnh khả năng trả nợ và giảm thâm hụt ngân sách.

Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đã làm lộ khiếm khuyết về mặt cơ cấu của khu vực đồng EUR. Trong khi Ngân hàng châu Âu (ECB) đứng ra quản lý chính sách tiền tệ (công cụ kiểm soát lãi suất và tỷ giá hối đoái), các chính phủ thành viên lại quản lý chính sách tài khóa (công cụ kiểm soát thuế và chi tiêu chính phủ). Tận dụng kẽ hở này, nhiều nước châu Âu đã và đang bằng mọi cách đạt được những chỉ tiêu mà khu vực sử dụng đồng EUR đề ra. Do không đủ khả năng trả nợ, nhiều nền kinh tế đã lợi dụng hệ thống thanh toán tài chính phức tạp, đôi khi là bí mật, để che giấu những khoản nợ và thâm hụt khổng lồ. Đám cháy ở Hy Lạp bùng phát là do không giấu được “cơn bạo bệnh” nữa.

Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là ông Otmar Issing cho rằng khó khăn của Hy Lạp cũng là khó khăn chung nên các nước cần xắn tay áo cùng hỗ trợ, nếu muốn thoát khỏi “áng mây u ám” của khủng hoảng kinh tế - tài chính. Theo ông Otmar Issing, trong trường hợp Hy Lạp lún sâu vào khủng hoảng tài chính, các nước thành viên của khối sử dụng đồng tiền EUR cũng sẽ gặp khốn khó bởi cơn địa chấn này có thể làm chao đảo đơn vị tiền tệ chung của khu vực.

THIÊN NHƯ (Tổng hợp từ Reuters, Economist, AFP)

Tin cùng chuyên mục