CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

Cú sốc Mậu Thân
Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

CIA thừa nhận: Sự thể tình báo Mỹ không nắm được tin tức chính xác trước cuộc tấn công (Tết Mậu Thân 1968) rộng lớn như vậy làm cho CIA rất lúng túng. Cuộc tổng tấn công tuy không lật đổ được chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nhưng đã làm trì trệ chương trình bình định nông thôn, khiến Mỹ phải nỗ lực thực hiện con đường chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên đường phố Sài Gòn.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên đường phố Sài Gòn.

Cú sốc Mậu Thân

Tháng 12-1967 tình báo Mỹ đoán biết Cộng sản sắp mở một cuộc tấn công. Và cuộc tấn công đã diễn ra tại Sài Gòn ngày 31-1-1968 vào lúc ngừng bắn nhân dịp Tết Mậu Thân. Dù không lật đổ được chính phủ VNCH như dự tính nhưng đã làm trì trệ chương trình bình định nông thôn. Tướng Westmoreland xin thêm quân số mặc dù lúc đó Mỹ đã có 495.000 binh sĩ tại Việt Nam.

Sự thể tình báo Mỹ không nắm được tin tức chính xác trước một cuộc tấn công rộng lớn toàn quốc như vậy làm cho CIA rất lúng túng. CIA chỉ biết một vài tin tức và không đủ để có được một bức tranh tổng quát. Theo nguồn tin tình báo từ tỉnh Long An, CIA biết Cộng sản định dùng cuộc tấn công để gây áp lực buộc Sài Gòn phải thành lập chính phủ liên hiệp với sự tham dự của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam (MTGP). Theo tin tức từ Nha Trang, CIA biết Cộng sản dự tính chiếm Pleiku và Kon Tum. Hai ngày trước cuộc tấn công, CIA biết thêm tin Cộng sản cho thành lập 6 phân khu quanh Sài Gòn nhưng không đoán ra đó là sự chuẩn bị của Cộng sản để đánh vào Sài Gòn.   

Trước các tin tình báo này, Westmoreland cho chuyển một số tiểu đoàn quân Mỹ về Sài Gòn và ra lệnh quân đội đặt trong tình trạng báo động. Ngày 29-1 tình báo VNCH biết rõ rằng Cộng sản sẽ tấn công vào dịp tết nhưng đã quá trễ để ban hành thêm những biện pháp đối phó. Một số quân nhân đã đi nghỉ phép nhân dịp ngừng bắn. Và Hà Nội đã có lợi thế “bất ngờ chiến thuật”.   

Khi quân đội VNCH và quân đội Mỹ đã chặn đứng được cuộc tấn công của Cộng sản, George Carver thuộc trung ương CIA phụ trách Việt Nam và ban tham mưu của ông bắt đầu bắt tay vào việc phân tích sự mạnh yếu quân sự và chính trị của Hà Nội và VNCH qua cuộc tấn công và phản công. Sau khi đúc kết, George Carver đưa ra một kế hoạch chấn chỉnh rộng lớn mang tên “Operation shock”. CIA nhận định rằng quân đội VNCH thắng về mặt quân sự vì đã gây tổn thất lớn cho quân đội Cộng sản và tiêu diệt được hạ tầng. Nhưng việc Cộng sản có thể giữ kín chi tiết một cuộc tấn công như vậy cho thấy VNCH chưa tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nông thôn. Và trận tấn công Tết Mậu Thân đã tạo một cú sốc lớn đối với chính quyền, báo chí và dư luận Mỹ.   

Phúc trình của George Carver kết luận rằng tâm lý của tướng lĩnh Việt Nam là ỷ lại vào Mỹ nên VNCH không có chương trình vận động và tranh thủ quần chúng nên các tướng chỉ đánh cầm chừng. CIA nhận định cần thay đổi tức khắc tâm lý nguy hiểm này và cần chọn người có khả năng để giao trách nhiệm.

Mỹ đề nghị Tổng thống Thiệu giao các Bộ Quốc phòng, Nội vụ và Phát triển nông thôn cho tướng Nguyễn Đức Thắng và giao cho Kỳ thực hiện một chương trình thanh lọc sĩ quan và công chức cấp cao tham nhũng và bất tài.

Mỹ dự tính yêu cầu Thiệu hoàn tất chương trình trong 100 ngày với sự giúp đỡ vật chất của Mỹ ngoài các chương trình viện trợ hiện hữu. Mỹ tính rằng sau 100 ngày nếu Thiệu không làm được thì Mỹ sẽ gây áp lực buộc Thiệu từ chức để thay thế bằng một nhân vật có khả năng, có thể oanh tạc Bắc Việt và mở đường thương thuyết với Hà Nội để chuẩn bị rút quân, và coi MTGP là một thực thể chính trị để tiến đến sự thành lập một chính phủ liên hiệp. Phó Giám đốc CIA Richard Helm gửi bản phúc trình đến các cơ sở có trách nhiệm hoạch định chính sách về Việt Nam nhưng không thấy cơ sở nào chính thức trả lời. Ngoại trừ những nhân vật “bồ câu” như trợ lý Ngoại trưởng Nicolas Katzenback và Thứ trưởng Quốc phòng Paul Nitze khen bản phúc trình, trong khi những nhân vật “diều hâu” như Walt Rostow ở Bộ Ngoại giao và tướng Earl Wheeler, Tham mưu trưởng Liên quân thì phê phán, cho rằng thiếu thực tế.

Bản phúc trình của George Carver rơi vào quên lãng. Tuy nhiên bản điều tra nghiên cứu này của trung ương CIA thể hiện sự thấu triệt và dứt khoát nhất của Mỹ đối với cuộc chiến Việt Nam sau trận Mậu Thân. Nó ảnh hưởng lớn đến quyết định của Tổng thống Johnson ngày 31-3-1968 khi ông tuyên bố ngừng ném bom một phần Bắc Việt, đề nghị với Hà Nội mở cuộc thương thuyết và không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 1968-1972 nữa.

Nhược điểm trầm kha của miền Nam là không có nhân sự đủ khả năng để giúp người lãnh đạo. Người có chút uy tín lúc đó là Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn, cựu tướng lĩnh, có khả năng thu hút và còn được dân chúng mến chuộng. Đặng Đức Khôi, một người thân tín của Kỳ và có nhiều quan hệ với CIA đã giúp Đôn thành lập Mặt trận Cứu nguy dân tộc ra mắt ngày 18-2-1968 với sự hỗ trợ tiền bạc của CIA. Khôi, dù trung thành với Kỳ cũng nghĩ rằng việc kèn cựa giữa Thiệu và Kỳ cần chấm dứt và Mỹ hy vọng Mặt trận Cứu nguy sẽ làm việc với Thiệu. Nhưng Tổng thống Thiệu không có ảo vọng Mặt trận Cứu nguy (vốn do người của Kỳ kiểm soát) sẽ ủng hộ mình nên ông xúc tiến thành lập một phong trào quần chúng khác lấy tên là Lực lượng Tự do Dân chủ ra mắt tại Sài Gòn vào tháng 3-1968. Trong bối cảnh chính trị chia rẽ này, theo CIA, thật không phù hợp với quyết định của Mỹ xuống thang chiến tranh và bỏ ý định đánh bại Hà Nội bằng quân sự qua tuyên bố của Tổng thống Johnson ngày 31-3.

Bắt đầu chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

Nhân vật mới cầm đầu cơ sở CIA Sài Gòn là Ralp Katrosh sang thay thế Russ Miller (Miller đã tạm thay John Hart trước đó). Katrosh làm việc như con thoi với cả Thiệu và Kỳ nên Thiệu và Kỳ đều tưởng rằng CIA chỉ ủng hộ mình. Trong khi đó, Mặt trận Cứu nguy của Kỳ và Lực lượng Tự do Dân chủ của Thiệu đều thất bại trong việc đoàn kết quần chúng hậu thuẫn cho chính phủ. Qua Katrosh, Bunker thuyết phục Thiệu và Kỳ lập một liên minh chung do hai người cùng yểm trợ gồm mọi đảng phái. Liên minh ra mắt ngày 4-7-1968 với sự đồng hiện diện của Thiệu và Kỳ (do áp lực của Tòa Đại sứ) và gồm mặt trận của Kỳ, lực lượng của Thiệu, Nghiệp đoàn Công nông của Trần Quốc Bửu và 25 nhóm chính trị nhỏ khác. Thiệu không có thiện cảm và cũng không có thì giờ dành cho liên minh nhưng ông tham gia chỉ vì áp lực của Mỹ.

Tổng thống Thiệu thường nói bóng gió với Katrosh (để Katrosh báo cáo lại cho Đại sứ Bunker) rằng trò chơi mặt trận quần chúng kiểu phương Tây không có hiệu quả tại Việt Nam, nơi mà trong chiến tranh tại nông thôn, quân sự là chính.

Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Johnson. Ảnh: T.L.

Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Johnson. Ảnh: T.L.

Để làm việc với Thiệu và Kỳ, Katrosh dùng Nguyễn Xuân Phong và Tướng Khiêm (do Tổng thống Thiệu đưa về từ Washington và đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Tháng 5-1968 Đại tá Trần Văn Hai thay tướng Loan sau khi Loan bị thương khi đánh nhau với Cộng sản tại Chợ Lớn trong cuộc tấn công Mậu Thân đợt 2. Đại tá Hai cũng là một nhân vật cận kề với CIA.   

Tháng 6-1968, Thiệu hoàn tất chương trình cô lập Kỳ. Các nhân vật thân cận Kỳ và đa số làm việc với CIA đều bị gạt ra khỏi các chức vụ then chốt và CIA lúng túng vì thiếu người trung thành hợp tác làm việc. Thành phần CIA đã móc nối còn làm việc cạnh ông Thiệu đều là người không đáng tin, trong đó có một nhân vật làm việc gần gũi và có ảnh hưởng giới hạn nào đó đối với quan điểm của Thiệu về mặt nỗ lực vận động quần chúng. CIA không biết sự việc này do Cộng sản giật giây hay chỉ vì quyền lợi cá nhân và hiểu biết giới hạn. Thiệu biết nhân vật này làm việc với CIA và đôi khi dùng sự quan hệ giữa y với Russ Miller (và sau này với Katrosh) để gián tiếp chuyển quan điểm của mình đến Đại sứ Bunker.

Trong tháng 9 và tháng 10-1968, trước áp lực của Mỹ yêu cầu Thiệu đồng ý với đường lối thương thuyết của Mỹ tại Paris, Thiệu hai lần báo động có đảo chính, nhằm gián tiếp cho Mỹ biết Kỳ muốn đảo chính. Để trấn an, CIA báo cho các đàn em của Kỳ biết Mỹ không chấp thuận bất cứ âm mưu nào chống Thiệu.

Do nhu cầu bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11-1968 nên ngày 31-10-1968, Tổng thống Johnson ra lệnh ngừng oanh tạc trên toàn Bắc Việt và trước đó Tổng thống Johnson gửi một tối hậu thư cho Tổng thống Thiệu cho biết Mỹ sẽ đẩy mạnh cuộc thương thuyết với Hà Nội dù Thiệu có đồng ý hay không. Đáp lại, ngày 2-11, Tổng thống Thiệu đọc diễn văn phản đối Mỹ, cho rằng việc ngưng ném bom và tiến hành thương thuyết với Hà Nội với mọi giá là chủ bại. Ngày 5-11, Richard Nixon đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey và đắc cử tổng thống. Đảng Dân chủ và dư luận cho rằng thái độ chống thương thuyết của Thiệu đã giúp Nixon đắc cử.

Ngày 19-11, Katrosh giúp Liên minh Thiệu – Đôn 4 triệu đồng và cho Thiệu biết tổng thống mới đắc cử Nixon vẫn ủng hộ Thiệu.

Nixon duy trì Đại sứ Bunker tại Sài Gòn và thay trưởng cơ sở CIA Lapham bởi Ted Shackley. Nhiệm vụ của Shackley là chuẩn bị cuộc đấu tranh chính trị khi hòa đàm Paris có kết quả. Lúc này Tổng thống Thiệu dùng Tướng Đặng Văn Quang và Hoàng Đức Nhã để liên lạc với CIA và quan hệ Mỹ - Việt (chính quyền Sài Gòn) trở nên ấm áp dần.

Tháng 1-1969, Thiệu đuổi khéo Kỳ khỏi Sài Gòn bằng cách cử Kỳ sang Paris quan sát cuộc thương thuyết. Tại đây Russ Miller, bạn thân của Kỳ bay từ Mỹ sang để hy vọng nhờ Kỳ đẩy nhanh cuộc hòa đàm. Ngày 7-2-1969 sau khi gặp Kỳ, Miller báo cáo với Cyrus Vance, Trưởng đoàn thương thuyết Mỹ rằng Kỳ chấp nhận đường lối thương thuyết với Hà Nội và MTGP một cách dễ dàng, khác hẳn với quan điểm cứng rắn của Tổng thống Thiệu.    

Con đường chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam bắt đầu.

Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối

Trần Bình Nam (P.Tr. lược trích và giới thiệu)

CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

- Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

- Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện 

- Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ

- Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

Tin cùng chuyên mục