CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 8: Hòa bình đã trong tầm tay

Tháng 1-1972, Thomas Polgar được Langley cử đến thay Shackley. Polgar gốc Hungary, gia nhập CIA từ năm 1947. Richard Helms nói với Polgar nhiệm vụ mới của CIA tại Sài Gòn là thiết lập quan hệ tốt với Tòa đại sứ, MACV, với giới truyền thông và các phái đoàn Quốc hội, ý rằng chiến tranh sắp kết thúc và quan hệ với Chính phủ Sài Gòn không còn là công tác chính.
CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 8: Hòa bình đã trong tầm tay

Tháng 1-1972, Thomas Polgar được Langley cử đến thay Shackley. Polgar gốc Hungary, gia nhập CIA từ năm 1947. Richard Helms nói với Polgar nhiệm vụ mới của CIA tại Sài Gòn là thiết lập quan hệ tốt với Tòa đại sứ, MACV, với giới truyền thông và các phái đoàn Quốc hội, ý rằng chiến tranh sắp kết thúc và quan hệ với Chính phủ Sài Gòn không còn là công tác chính.

Mỹ lúng túng về chính sách

Các cuộc tấn công năm trước qua Campuchia và Lào làm giảm tiềm năng chiến tranh của Bắc Việt và cho quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) một thời gian xả hơi. Đến Sài Gòn, Polgar lạc quan nói với Nguyễn Khắc Bình, Giám đốc Cảnh sát quốc gia rằng “Chúng ta sẽ thắng không phải bằng sức mạnh quân sự mà bằng tình báo và cảnh sát”. Về quan hệ với Phủ tổng thống, Polgar được Khiêm tường trình cho biết tính tình Thiệu cũng như tính đa nghi của Thiệu.

Mấy tháng đầu năm 1972, quân đội Mỹ tại Việt Nam chỉ còn 180.000 người và mọi việc trôi qua lặng lẽ. Không có cuộc tấn công nào đáng kể của Cộng sản trong dịp tết và dịp Nixon thăm viếng Bắc Kinh.

Ngày 30-3-1972 quân đội chính quy Bắc Việt ồ ạt đánh qua khu phi quân sự, vùng Kon Tum, Pleiku và Lộc Ninh phía Bắc Sài Gòn. CIA tiên đoán sẽ có cuộc tấn công vào cao nguyên nhưng không tiên đoán Cộng sản sẽ đánh qua biên giới phân chia Nam Bắc. Qua một tuần lễ quan sát chiến cuộc, Polgar nhận ra rằng chiến tranh chưa chấm dứt và tương lai của miền Nam Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào sự viện trợ của Mỹ chừng nào Bắc Việt còn được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ. Polgar tin tưởng quân đội VNCH sẽ đứng vững trước cuộc tấn công này dù bị tổn thất nặng.

Trong khi cuộc tấn công đang diễn ra tại vùng giới tuyến, trên cao nguyên và Vùng 3 chiến thuật, CIA được báo cáo viên Vùng 3 cho biết đã để cho Cộng sản thu mua lương thực, thuốc men và quân dụng tại địa phương để tiếp tế cho quân đội Bắc Việt. CIA yêu cầu Tòa đại sứ can thiệp để chận đứng sự việc này nhưng Polgar không có một đáp ứng nào tích cực. Ngoài vụ “Vùng 3”, Polgar còn nhức đầu về việc tướng Nguyễn Khắc Bình, Giám đốc Đặc ủy Trung ương Tình báo kiêm Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia than phiền Bộ Tư lệnh cảnh sát có quá nhiều sĩ quan thời Pháp để lại và Tổng thống Thiệu không chấp thuận biệt phái sĩ quan giỏi bên quân đội sang tăng cường.

Cũng như trận Mậu Thân, các giới chức Mỹ nhận định về trận tấn công xuân 1972 khác nhau. Khi Cộng sản còn đang bao vây An Lộc, Đại sứ Bunker và tướng Abrams vẫn lạc quan cho rằng sau cuộc tấn công này, Hà Nội đuối sức vì chẳng còn gì nữa. Trong khi Polgar cho rằng nếu Liên Xô và Trung Quốc còn viện trợ và Hà Nội còn dùng được đất Lào và Campuchia thì Cộng sản vẫn còn khả năng đánh. Phần Việt Nam, Polgar nhận xét khả năng chịu trận của quân đội VNCH vẫn còn cao và có thể cao hơn nửa triệu quân Mỹ mấy năm trước nếu vẫn được không lực Mỹ yểm trợ. Abrams đánh giá quân đội VNCH thấp hơn và cho rằng các tướng lĩnh quanh ông Thiệu không đánh giá đúng mức các sĩ quan cấp tá đang cầm quân và riêng Thiệu có nhiều quyết định sai vì không biết nghe các báo cáo của các sĩ quan ngoài chiến trường.

Tuy nhiên, quan điểm của Polgar thay đổi theo tin tức ông thu thập được. Sau 2 tháng đánh giá, Polgar gửi Bunker một báo cáo phê bình rằng đa số các tướng chỉ huy chiến trường thiếu khả năng và được bổ nhiệm do trung thành với Thiệu.

Bản báo cáo bi quan đến nỗi Bunker và Abrams không muốn gửi cho Thiệu mặc dù khi tiếp xúc trực tiếp, Abrams đã nói thẳng những điều tương tự như vậy với Thiệu. MACV có thông lệ ít khi phê bình quân đội VNCH trong các báo cáo chính thức.

Cuộc trao đổi giữa William Colby (lúc đó là giám đốc CIA) và Polgar vào tháng 9-1972 cho thấy đến lúc đó Mỹ vẫn chưa có một mục tiêu chính trị chính xác tại Việt Nam. Colby yêu cầu Polgar do có nhiều quan hệ đặc biệt với giới chức lãnh đạo Nam Việt Nam nên giúp Thiệu hình thành các cơ cấu và định chế chính trị lâu dài để chuẩn bị cho Nam Việt Nam đấu tranh chính trị với Cộng sản sau khi hòa đàm tại Paris kết thúc.

Trái lại, Polgar nghĩ rằng Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD vẫn chưa giúp VNCH đặt được một căn bản dân chủ kiểu phương Tây, vậy cách tốt nhất là Mỹ thành thật hỗ trợ ông Thiệu về vật chất và tinh thần để ông ta tự định liệu lấy, miễn là con đường của ông ta không làm thiệt hại quyền lợi của Mỹ.

Polgar nói, chính sách này có thể dẫn đến một chính phủ độc tài thiếu dân chủ nhưng có an ninh và có thể được dân ủng hộ. Polgar kết luận con đường dân chủ hóa Nam Việt Nam mà Mỹ đang theo đuổi có thể không giúp cho Nam Việt Nam tồn tại. Colby đồng ý với Polgar rằng trong chiến tranh thì không thể có dân chủ, nhưng độc tài cũng không có nghĩa là một chính quyền không đàng hoàng và không lo cho dân.

Cuộc tranh luận giữa Colby và Polgar cho thấy 18 năm sau khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam, Mỹ vẫn còn lúng túng về chính sách.

Tổng thống Mỹ Nixon và Ngoại trưởng H.Kissinger.

Tổng thống Mỹ Nixon và Ngoại trưởng H.Kissinger.

Gây sức ép với Nguyễn Văn Thiệu

Hiệp định Paris ký tháng 1-1973. Từ tháng 8-1972 đến tháng 6-1973, công tác chính của CIA là thuyết phục, nói đúng hơn là gây áp lực với Thiệu, theo đường hướng của Mỹ về nội dung văn bản Hiệp định Paris cũng như cung cách thi hành hiệp định. CIA vận dụng nhân sự đã bố trí quanh Thiệu để làm yếu sự phản đối của Thiệu về một điểm chính yếu trong bản hiệp định là để cho quân đội Cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam sau khi ngừng bắn.

Ngày 17-8-1972, lần đầu tiên Kissinger đến Sài Gòn để đích thân thuyết phục Thiệu. Polgar và Kissinger từng quen biết nhau từ năm 1958 và việc này giúp công tác của hai người bớt tạo nên căng thẳng trong quan hệ cá nhân. Một câu chuyện cho thấy sự căng thẳng: Tối 17-8, Polgar được mời đến Tòa đại sứ. Polgar thấy Kissinger mặc pyjama. Kissinger than phiền sự cứng rắn của Tổng thống Thiệu và “chỉ thị” Polgar dùng các đường dây quanh Thiệu để áp lực buộc Thiệu phải thay đổi lập trường. Polgar nói ông không thể gây áp lực lộ liễu như vậy. Kissinger bảo Polgar đó là “lệnh”, rồi lạnh lùng quay sang Đại sứ Bunker hỏi ông xử lý thế nào nếu nhân viên không tuân lệnh cấp trên. Bunker cũng lạnh lùng trả lời ông đồng ý với Polgar!

Dù vậy, Kissinger và Polgar vẫn giữ được hòa khí. Kissinger biết rằng nhờ các đường dây Polgar gài trong giới đầu não tại Hà Nội mà ông có lợi thế khi trao đổi với đại điện của Hà Nội tại cuộc hội đàm.

Sau khi Kissinger trở về Mỹ, Tổng thống Thiệu không tiếp ai trong gần 1 tháng. Ngày 15-9, Khiêm báo cáo với Polgar rằng Thiệu lo ngại vì nhu cầu tranh cử, có thể Nixon sẽ nhượng bộ những đòi hỏi phi lý của Hà Nội.

Để nắm vững chính quyền chuẩn bị đấu tranh chính trị với Cộng sản, Tổng thống Thiệu hủy bỏ việc bầu các hội đồng hành chính cấp xã và bổ nhiệm trực tiếp tỉnh, thị trưởng và quận trưởng. Polgar yêu cầu Thiệu hoãn ban hành các biện pháp đó cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ nhưng Tổng thống Thiệu bác bỏ, nói rằng phải có sự cứng rắn. Bunker nói với Polgar, Thiệu cứng rắn vậy vì Kissinger đã nói thẳng với Thiệu rằng nếu Hà Nội đề nghị ngừng bắn và trao trả tù binh Mỹ thì Mỹ sẽ chấp thuận, dù tình hình quân sự tại Nam Việt Nam như thế nào.

Ngày 12-10, Kissinger và ông Lê Đức Thọ kết thúc bản dự thảo Hiệp định Paris. Ngày 18-10, Kissinger đi Sài Gòn gây áp lực với Thiệu. Chuyến đi này, Kissinger gặp Thiệu và các phụ tá 6 lần. Lần gặp thứ hai, Thiệu yêu cầu Kissinger cho xem bản văn Việt ngữ của Hiệp định dự thảo, Kissinger nói không có và Thiệu cho Kissinger xem bản Hiệp định tóm tắt mà tình báo VNCH lấy được. Sau khi CIA dịch ngược lại ra Anh ngữ cho Kissinger xem, Kissinger bình luận: “Đây là một sự thật khó nuốt”. Việc này làm cho Kissinger nhức đầu thêm đối với Thiệu vì chẳng những Thiệu không chấp nhận điều khoản để quân đội Cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam, mà còn không đồng ý nhiều điểm khác trong văn bản, đặc biệt điều khoản cho phép chính quyền sẽ được thiết lập tại Sài Gòn sau khi ký hiệp định.

Tổng thống Thiệu hoãn cuộc gặp gỡ Kissinger dự trù ngày 21-10. Bunker giận dữ gọi Thiệu. Kết quả, 8 giờ sáng ngày 22-10, Thiệu gặp Kissinger. Thiệu bình tĩnh hơn thường lệ và dùng tiếng Anh để trao đổi. Nhưng vào buổi họp chiều, Thiệu không kiềm chế cơn giận và nói bác bỏ toàn bộ văn bản. Kissinger lập luận rằng nội dung Mỹ thỏa thuận với Hà Nội như vậy là điều không thể tránh được. Kissinger nói với Thiệu, Nixon đang gặp khó khăn với Quốc hội vì ông đã dùng ngân khoản nhiều tỷ USD mà Quốc hội chưa chuẩn chi để ném bom Bắc Việt và chuyển quân dụng dự trữ cho VNCH.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng, người dân Mỹ sẽ đi bầu tổng thống. Thiệu tính rằng cách tốt nhất là giúp Nixon tái đắc cử. Thiệu ra lệnh cho giới chức chính phủ và Quốc hội không được công khai chỉ trích Chính phủ Mỹ.

Ngày 26-10, Hà Nội tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Mỹ và tiết lộ rằng quân đội Bắc Việt có quyền ở lại miền Nam và Mỹ hứa cung cấp 7 tỷ USD tái thiết Bắc Việt. Đồng thời tại Washington, Kissinger họp báo cho biết “hòa bình đã ở trong tầm tay”.

Nhưng tại Sài Gòn, CIA báo cáo, Thiệu vẫn chống lại Hiệp định. Kissinger phong tỏa tin này tại Washington. Nhờ phong tỏa tin tức và lời tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay”, Tổng thống Nixon đã đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ George McGovern và đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai vào ngày 7-11-1972.

Bước sang tháng 12-1972, Thiệu vẫn chống điều khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt và Bunker dọa Thiệu rằng Mỹ có thể cắt viện trợ nếu Hiệp định Paris cứ nhì nhằng vì thái độ của Thiệu… Và sau một buổi họp gồm các thân tín thu hẹp tại Dinh Độc Lập, tướng về hưu Phạm Văn Đổng, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh báo cáo với CIA, Thiệu nói rằng “ký hiệp định chấp nhận quân đội Bắc Việt ở lại Nam Việt Nam giống như uống một chén thuốc độc, nhưng nếu không ký thì Nam Việt Nam cũng từ từ sụp đổ vì Mỹ cắt viện trợ”…

P.Tr. lược trích và giới thiệu

Kỳ 9: Tiên đoán về một cuộc tấn công định mệnh

TRẦN BÌNH NAM

CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

- Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

- Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện 

- Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ

- Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

- Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối

Tin cùng chuyên mục