5 cánh quân giải phóng Sài Gòn

Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc

Gian nan đường hành quân
Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc

Vượt chặng đường dài 1.700km, ngày 14-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn 1 đã có mặt tại khu vực tập kết Đồng Xoài và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu – tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận đánh cuối cùng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gian nan đường hành quân

Ngày 31-3-1975, chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ thị của Quân ủy Trung ương, tại Tổng hành dinh ở Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Thế Bôn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1: “Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định”.

Lữ đoàn xe tăng 202 phối hợp cùng Sư đoàn 320B, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Lữ đoàn xe tăng 202 phối hợp cùng Sư đoàn 320B, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Chỉ trong vòng 16 ngày, Quân đoàn 1 đã tổ chức được các lực lượng tập kết tại Đồng Xoài – tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhận định: Lúc này trên cả trục đường (đường số 1, đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn) đều có những khó khăn, thuận lợi.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định hành quân trên đường  Tây Trường Sơn. Quân đoàn chia làm 2 khối, đi bằng ô tô (Bộ Tư lệnh Trường Sơn hỗ trợ thêm ô tô) và cơ động theo đường 9 qua Hạ  Lào vào Tây Trường Sơn đến Đắc Tô rồi nhập vào đường 14 để vào tập kết ở Đồng Xoài. Ngày 3-4, toàn quân đoàn ra trận. Đội hình hành quân của quân đoàn kéo dài hàng trăm cây số.

Ông Ngô Viết Đông, chiến sĩ lái xe Sư đoàn 751, Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc đó cho chúng tôi biết: “Càng tiến về khu vực Hạ Lào, khí hậu khô bức. Đất bụi mịt mù. Tuy không nhìn rõ nhau, nhưng các xe vẫn cố bám đội hình hành quân. Bộ đội chúng tôi ăn ngủ ngay trên xe. Mỗi xe bố trí 2 lái xe đi liên tục cả ngày lẫn đêm. Mỗi xe là một phân đội nhỏ tự quản lý, giúp đỡ nhau về mọi mặt. Khi gặp địch thì từng xe là một phân đội chiến đấu. Nếu bị tắc đường, các xe phối hợp lại giúp nhau để giải tỏa nhanh chóng”.

9 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, khi liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, Sở Chỉ huy Quân đoàn nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Toàn văn bức điện như sau: “Gửi Bộ tư lệnh 559, Tiền phương 559. Các sư đoàn, các đoàn binh khí kỹ thuật trên đường hành quân. 559 chuyển Quân đoàn 1, Quân đoàn 2… Mệnh lệnh: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Trong lịch sử quân đội ta chưa bao giờ có một cuộc hành quân quy mô đến thế, thần tốc như thế. Khi xưa, vua Quang Trung tổ chức hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long, chặng đường dài 700 km, ngày đi đêm nghỉ. Trong Chiến dịch giải phóng Sài Gòn này, đoàn quân với hàng ngàn phương tiện cơ giới đã vượt chặng đường dài 1.700km từ Bắc vào Nam, đi suốt ngày đêm không nghỉ.

Trong khi lực lượng cơ bản của Quân đoàn 1 đang thần tốc tiến về miền Đông Nam bộ thì Sư đoàn 308 cũng được lệnh rời doanh trại xuất phát tiến về Nam thực hiện cuộc nghi binh chiến lược. Các đơn vị thông tin vô tuyến của sư đoàn ở vị trí cũ vẫn đều đặn phát tín hiệu lên không trung vào các giờ quy định. Đối phương không thể ngờ, Sư đoàn 308 lặng lẽ hành quân bí mật vào chiếm lĩnh vị trí ở khu vực Tam Điệp – Bỉm Sơn (Ninh Bình) để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và cơ động chi viện chiến trường.

Mở toang cửa phía Bắc

Ngày 25-4, tại Sở chỉ huy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn phổ biến quyết tâm chiến đấu của Quân đoàn, văn bản đã được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phê chuẩn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Sư đoàn 320B cùng một số đơn vị đảm nhiệm tấn công, thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu và chi khu Gia Định. Hướng thứ yếu, Sư đoàn 312 và một số đơn vị khác đảm nhiệm tiến công, chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn.

Kế hoạch tác chiến này khẳng định cách đánh dùng lực lượng binh chủng hợp thành, tiến hành đồng thời giữa đột phá với thọc sâu chiến dịch, kết hợp với LLVT địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp của đòn tiến công và nổi dậy. Đây là lần đầu tiên quân đoàn tổ chức lực lượng sư đoàn tăng cường đánh thọc sâu vào thành phố. Nhờ được tập luyện trong cuộc diễn tập ở Sầm Sơn (tháng 1-1975), Quân đoàn đã tích lũy kinh nghiệm vận dụng đúng tại hướng Bắc Sài Gòn.

17 giờ ngày 26-4, Quân đoàn 1 đã chiếm lĩnh các vị trí ở hướng Bắc Sài Gòn và sẵn sàng xuất phát tiến công. Trong khi địch đang tăng cường sử dụng không quân, pháo binh ngăn chặn ta từ xa và điều thêm lực lượng chốt giữ các căn cứ vòng ngoài như Bình Mỹ, dốc Bà Nghĩa, quận lỵ Tân Uyên… (tỉnh Bình Dương) thì ta đã áp sát các căn cứ Chánh Lưu (Bình Dương) và Phước Vĩnh, Phước Hòa (tỉnh Phước Long) nay là Bình Phước; thực hiện nghi binh thu hút sự chú ý của địch; buộc Sư đoàn 5 của ngụy phải điều Trung đoàn 8 ra chặn đường 14.

Đêm 26-4, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch đến kiểm tra lại các mặt chuẩn bị của Quân đoàn 1. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình, Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo: “Cánh quân phía Đông và Đông Nam đang phát triển nhanh. Các nơi đang kiềm chế trận địa pháo binh địch. Chính quyền Sài Gòn chưa phán đoán được ý đồ và cách đánh của ta nên đối phó rất bị động và lúng túng. Chiến dịch đang phát triển thuận lợi”.

Đại tướng nhấn mạnh, Quân đoàn 1 tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình sau khi ta đánh mở cửa, cài thế chiến dịch. Phải nắm chắc mọi động thái của Sư đoàn 5 ngụy, kịp thời tổ chức tiến công tiêu diệt khi chúng rút chạy, co cụm. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho mũi thọc sâu theo kế hoạch, kịp thời xử trí các tình huống bất trắc xảy ra.

16 giờ 30 phút ngày 27-4, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho Sư đoàn 312 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ (thuộc tỉnh Bình Dương). 18 giờ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân địch, mở thông đường 16 tạo điều kiện cho quân ta di chuyển nhanh từ Chánh Lưu để đi nhanh về Lái Thiêu, tạo điều kiện cho lực lượng vào triển khai theo kế hoạch.

Với chủ trương đi đường vòng, bỏ qua các mục tiêu dọc đường để nhanh chóng tiến quân vào mục tiêu với tinh thần quyết thắng. Sáng 29-4, các cánh quân đồng loạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Trong khi Sư đoàn 312 tổ chức tiến công, bao vây, chia cắt, cô lập Sư đoàn 5 ngụy thì Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Sau một ngày chiến đấu, Trung đoàn 209 đã cắt đứt hoàn toàn đường 13 và 14, không cho Sư đoàn 5 của ngụy ứng cứu cho nhau. 4 giờ 15 phút ngày 30-4, Trung đoàn 27 nổ súng tiến công Lái Thiêu. Sau 2 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn.

Theo đồng chí Vương Văn Vinh, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, khi đó: “Trận đánh quá bất ngờ nên quân địch không biết. Tờ mờ sáng ngày 30-4, một đoàn xe của địch ở đâu tự nhiên tiến vào Lái Thiêu. Tiểu đoàn chúng tôi liền triển khai đội hình. Tốp đi đầu khoảng 20 xe có xe tăng bị ta tiêu diệt trên đường 13. Tốp sau hơn chục xe liều chết vượt qua đường 13 về phía Bắc Lái Thiêu để về Sài Gòn cũng bị ta tiêu diệt nhanh chóng”.

8 giờ 30 phút ngày 30-4, một cánh quân khác của Quân đoàn 1 là Trung đoàn 48 đã vượt qua cầu Bình Triệu và qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy (nay là BTL QK7, đường Hoàng Văn Thụ). 9 giờ 30 phút, ba mũi tiến công từ ba cổng đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước sân trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Trước sức tiến công áp đảo của ta, binh lính sĩ quan ngụy thuộc tiểu đoàn biệt kích dù, bảo vệ Tổng hành dinh và các đơn vị khác đã phải lột bỏ quân phục, vứt súng bỏ chạy thoát thân. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 là Đoàn Trưng và Chính ủy Lê Xuân Yến tiến vào phòng làm việc của tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy, thu nhiều tài liệu quan trọng. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy trong tiếng hò reo chiến thắng!

Sáng 25-4, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, hơn 500 bạn trẻ đã tham dự chương trình giao lưu “Thành đoàn - Viết tiếp bản hùng ca” do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Với việc hình thành 5 cánh quân bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn thì tại Sài Gòn, LLVT nội thành cũng đã xây dựng 5 cánh quân tại các khu vực: Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3); Xóm Chiếu, Khánh Hội (Quận 4); ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Cầu Bông, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm (quận Tân Bình). Đây là lực lượng tại chỗ gồm nhân dân, sinh viên, học sinh, trí thức… do Thành đoàn TPHCM phát động và lãnh đạo quần chúng chuẩn bị nổi dậy.

Qua lời kể của bà Trương Mỹ Lệ (trực tiếp chỉ huy 5 cánh quân LLVT nội thành); bà Trần Thị Ngọc Hảo (phụ trách cánh quân tại quận 4) và ông Nguyễn Văn Ngọc (phụ trách cánh quân tại quận Tân Bình), lực lượng đặc biệt này đã tổ chức vận động nhân dân chuẩn bị lương thực, dụng cụ y tế, may cờ, băng rôn, khẩu hiệu… tổ chức thu gom vũ khí, bảo vệ an ninh trật tự nội đô suốt ngày 30-4-1975 và bàn giao lại cho chính quyền quân quản vào ngày hôm sau.

ĐOÀN HIỆP


(Trong bài có sử dụng tài liệu “Năm 1975, những sự kiện lịch sử trọng đại”, “Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng Mùa xuân 1975” của Nhà xuất bản QĐND, xuất bản tháng 4-2010).

Tin cùng chuyên mục