Bồ Đào Nha – Tâm điểm mới của khủng hoảng nợ công

Tiếp sau Hy Lạp và Ireland, nay đến lượt “quân cờ domino” Bồ Đào Nha sụp đổ. “Cuộc khủng hoảng nợ công” đã làm cho chính trường Bồ Đào Nha chao đảo với sự ra đi của người đứng đầu chính phủ. Các cơ quan kinh tế có thẩm quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã kiến nghị nâng quy mô Quỹ cứu trợ vỡ nợ của EU từ 440 tỷ EUR hiện nay lên 1.000 tỷ EUR vì lo ngại ván cờ domino nợ công chưa kết thúc.
Bồ Đào Nha – Tâm điểm mới của khủng hoảng nợ công

Tiếp sau Hy Lạp và Ireland, nay đến lượt “quân cờ domino” Bồ Đào Nha sụp đổ. “Cuộc khủng hoảng nợ công” đã làm cho chính trường Bồ Đào Nha chao đảo với sự ra đi của người đứng đầu chính phủ. Các cơ quan kinh tế có thẩm quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã kiến nghị nâng quy mô Quỹ cứu trợ vỡ nợ của EU từ 440 tỷ EUR hiện nay lên 1.000 tỷ EUR vì lo ngại ván cờ domino nợ công chưa kết thúc.

“Thách thức kép” của Bồ Đào Nha

Ngày 24-3, Chính phủ Bồ Đào Nha sụp đổ khi Thủ tướng Jose Socrates quyết định từ chức ngay sau khi kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới của ông bị tất cả 5 đảng đối lập, chiếm đa số trong Quốc hội 230 ghế, bác bỏ. Năm ngoái, ông Socrates đã thuyết phục được Quốc hội thông qua 3 kế hoạch cắt giảm chi tiêu liên tiếp. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm chi tiêu thứ 4 của ông đã không giải tỏa được nỗi lo về nguy cơ Bồ Đào Nha sẽ theo chân Hy Lạp và Ireland xin cứu trợ vỡ nợ từ EU. Giới phân tích cho rằng, Quốc hội Bồ Đào Nha không còn tin vào tính hiệu quả của kế hoạch thắt chặt chi tiêu mới do Thủ tướng Socrates đề xuất để tự cứu mình khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Các nghị sĩ buộc phải tính tới việc phải kêu gọi sự cứu trợ từ bên ngoài vì không muốn phải chứng kiến cơn thịnh nộ của người dân trên đường phố.

Bồ Đào Nha – Tâm điểm mới của khủng hoảng nợ công ảnh 1

Thất nghiệp ở Bồ Đào Nha lên tới 11,1%

Sự ra đi của người đứng đầu Chính phủ Bồ Đào Nha trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay càng đẩy Lisbon đến gần hơn với nguy cơ phải xin bảo lãnh vỡ nợ công. Dự báo, mức nợ công của Bồ Đào Nha trong năm nay tăng lên 87,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng đến 88,1% GDP vào năm tới. Thâm hụt ngân sách cũng ở mức cao kỷ lục 8% GDP. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha trung bình chỉ đạt dưới 1%/năm trong suốt 1 thập kỷ qua, trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế yếu nhất châu Âu. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng “thần tốc” tới 11,1% trong quý 4 năm ngoái, mức cao nhất từ năm 1998. Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài, có nghĩa Bồ Đào Nha khó lòng xoay xở hay trì hoãn nợ khi đáo hạn. Trước mắt, nước này cần huy động 9 tỷ EUR (gần 13 tỷ USD) để đáo hạn các khoản nợ vào ngày 15-4 và 15-6 tới (theo Bloomberg).

Thủ tướng Bồ Đào Nha là quan chức cấp cao đầu tiên trong EU từ chức vì vấn đề nợ công. Tuy nhiên, đằng sau sự ra đi của ông Socrates, Bồ Đào Nha còn nguy cơ phải đối mặt với một “thách thức kép”, cả về kinh tế và chính trị. Tổng thống Bồ Đào Nha đang phải nhanh chóng lấp lỗ hổng quyền lực bằng cách mời các đảng trong Quốc hội thành lập chính phủ liên hiệp, hoặc giải tán cơ quan lập pháp để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Những gì vừa diễn ra đã phản ánh tình trạng chia rẽ sâu sắc trên chính trường nước này. Liệu các bên có nhanh chóng đi tới thỏa thuận để tránh một cuộc tranh giành quyền lực khi mà một chính phủ mới ra đời tại Bồ Đào Nha thì cũng phải gánh trên vai sức nặng của cuộc khủng hoảng nợ.

Theo các cuộc thăm dò ngày 27-3 do Đài truyền hình TVI tiến hành, cho thấy ông Socrates - người sẽ dẫn đầu đảng Xã hội trong cuộc bầu cử sớm sắp tới, sẽ thất bại. Đảng Dân chủ xã hội sẽ dẫn đầu, chiếm từ 32,8% - 42,2% số phiếu bầu, nhưng vẫn không đủ đa số phiếu tại Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ mới.

Có nên cầu cứu?

Trên thực tế, những bất ổn về tài chính của Bồ Đào Nha không phải xảy ra bất ngờ, điều này đã được cảnh báo ngay khi nợ công “gõ cửa” Hy Lạp vào tháng 4-2010. Song điều đáng nói, khủng hoảng nợ công ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn và hậu quả dường như cũng nặng nề hơn bởi đây là lần đầu tiên làm sụp đổ một chính phủ. Sau sự ra đi bất ngờ của Thủ tướng Socrates, ngày 28-3, Tổng thống Cavaco Silva cho biết 3 đảng chính trị lớn nhất nước này cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm mức thâm hụt xuống còn 4,6% GDP trong năm 2011 và nhắm tới mức thâm hụt giới hạn mà EU đề ra là 3% trong năm 2012. Alberto Soares, người đứng đầu Cơ quan quản lý nợ của Bồ Đào Nha cho biết nước này dự định bán 20 tỷ EUR trái phiếu trong năm nay để hỗ trợ ngân sách và trang trải cho các khoản nợ đến hạn vào các tháng tới.

Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm sau khi Bồ Đào Nha bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm

Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm sau khi Bồ Đào Nha bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm

Mặc dù đã nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng nước này sẽ trả được nợ và không cần sự giúp đỡ tài chính từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay bất cứ tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nào như trường hợp của Hy Lạp và Ireland, nhưng hiện EU và các tổ chức tài chính quốc tế phải tính đến một gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha ngay từ bây giờ. Các nhà kinh tế học cho rằng Bồ Đào Nha khó có thể vượt qua được cơn ngặt nghèo này khi mà thâm hụt ngân sách hiện đã lên tới gần 10% GDP, nợ phải thanh toán đã lên tới 90% GDP… Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được bán ra đầu năm 2010 đến nay đã mất 18% giá trị, buộc các nhà đầu tư quốc tế phải bán tháo trái phiếu của nước này, dẫn tới bất ổn gia tăng trên thị trường tài chính. Các nhà phân tích ước tính nước này cần một gói giải cứu khoảng 80 tỷ EUR (113 tỷ USD).

Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor’s ngày 29-3 tuyên bố giảm mức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của Bồ Đào Nha lần thứ hai trong tuần này xuống mức BBB - mức đầu tư thấp nhất - vì cho rằng nước này sắp tiếp cận Quỹ cứu trợ vỡ nợ châu Âu, được thành lập sau biến cố của Hy Lạp vào tháng 4-2010. Bồ Đào Nha bị xếp hạng sau cả Ireland, nước đầu tiên yêu cầu quỹ này trợ giúp. Moody’s Investors Service cũng tuyên bố sẽ giảm 2 bậc tín dụng của Bồ Đào Nha vì cho rằng các mục tiêu giảm nợ và thâm hụt của Bồ Đào Nha đều khó có khả năng trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh Bồ Đào Nha đang đứng trên bờ vực sụp đổ tài chính, có thể xin cứu trợ, ngày 30-3, trong chuyến công du đến Bồ Đào Nha, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva đã lên tiếng khuyên nước này nên từ chối sự trợ giúp từ châu Âu bởi vì sự cứu trợ này chỉ tạo thêm những biện pháp khắc khổ và làm giảm tăng trưởng. Ông nói: “Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ không giải quyết các vấn đề của Bồ Đào Nha như họ đã không giải quyết các vấn đề của Brazil trước đây”. Theo Bloomberg, Brazil đang cân nhắc khả năng mua lại nợ của Chính phủ Bồ Đào Nha. Đây có thể là một trong những cách tốt nhất họ có thể tham gia vào quá trình giúp Bồ Đào Nha phục hồi kinh tế.
Châu Âu chưa thể qua “cơn bĩ cực”.

Từ trường hợp của Bồ Đào Nha, có thể thấy rằng, vào lúc này nợ công vẫn là “chứng bệnh nan y” đối với các nền kinh tế EU và liên minh này vẫn chưa có cách nào ngăn chặn sự lây lan của cơn bạo bệnh. Trong trường hợp phải nhận gói cứu trợ, Bồ Đào Nha cũng không tránh khỏi phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Điều này cũng có nguy cơ gây phản tác dụng đối với sự phục hồi kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên mức cao kỷ lục hơn 11% và lãi suất chính phủ vọt lên mức báo động.

Trước biến động đó, giới quan sát cho rằng Bồ Đào Nha có thể sẽ trở thành tâm điểm mới của cuộc khủng hoảng nợ công tại Nam Âu - vốn dĩ đang trong tình thế căng như dây đàn. Giới phân tích kinh tế cho rằng Bồ Đào Nha chỉ còn bước rất nhỏ nữa là “sát gót” Hy Lạp và Ireland. Nói về Hy Lạp, Standard&Poor’s cũng vừa hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này 2 bậc từ BB+ xuống BB-. S&P cho biết quyết định hạ xếp hạng của Hy Lạp do nước này có thể yêu cầu cơ cấu lại nợ của mình và gây thiệt hại cho các trái phiếu chính phủ. Hãng tin Bloomberg, ngày 31-3, tiết lộ Hy Lạp đang có kế hoạch bán đất cho các chủ đầu tư để giảm nợ công. Theo chính sách này, từ nay đến năm 2015, Chính phủ Hy Lạp cần khoảng 50 tỷ EUR. Các chủ đầu tư nước ngoài đang thuê đất dài hạn ở Hy Lạp để đầu tư vào các lĩnh vực du lịch có thể được phép mua.

Sau Bồ Đào Nha, một trong 17 nền kinh tế yếu nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nền kinh tế Bỉ, Tây Ban Nha hay Italia đều là các “ứng viên” có nguy cơ lớn trở thành “quân cờ domino” kế tiếp. Giới quan sát khẳng định, khả năng EU tiếp tục phải chuẩn bị cho các vụ vỡ nợ tiếp theo của các nền kinh tế trong khu vực là dễ xảy ra khi mà các cơ quan kinh tế có thẩm quyền của EU đã kiến nghị nâng quy mô Quỹ cứu trợ vỡ nợ của EU từ 440 tỷ EUR hiện nay lên 1.000 tỷ EUR, vì Bồ Đào Nha có thể chưa phải là “quân cờ domino” cuối cùng.

HẠNH CHI

>> Chính phủ Bồ Đào Nha sụp đổ

Tin cùng chuyên mục