Gói cứu trợ của IMF và EU - Giải cứu hay làm khó?

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí cho Hy Lạp vay 12 tỷ EUR để thanh toán các khoản nợ sắp đáo hạn. Đổi lại, Athens phải ổn định mức nợ công vào trước năm 2015 thông qua các kế hoạch cắt giảm chi tiêu quy mô chưa từng thấy. Dư luận Hy Lạp phản đối mạnh mẽ chính sách kinh tế hà khắc của chính phủ và cái mà EU và IMF gọi là gói cứu trợ.
Gói cứu trợ của IMF và EU - Giải cứu hay làm khó?

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí cho Hy Lạp vay 12 tỷ EUR để thanh toán các khoản nợ sắp đáo hạn. Đổi lại, Athens phải ổn định mức nợ công vào trước năm 2015 thông qua các kế hoạch cắt giảm chi tiêu quy mô chưa từng thấy. Dư luận Hy Lạp phản đối mạnh mẽ chính sách kinh tế hà khắc của chính phủ và cái mà EU và IMF gọi là gói cứu trợ.

  • Muốn có tiền, phải “thắt lưng”

Hy Lạp đang cần gấp nguồn tài chính để thanh toán khoản nợ gần 7 tỷ EUR sẽ đáo hạn vào ngày 18-7. Ý thức được nhu cầu cấp bách này, EU đã gia tăng áp lực đòi Athens phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp cải tổ, cắt giảm chi tiêu, gia tăng hiệu quả kinh tế. Cho tới nay, châu Âu nhìn nhận việc trợ giúp Hy Lạp là điều cần thiết nhưng muốn nước này phải “quyết tâm hơn nữa” trong việc giải quyết tình trạng bội chi ngân sách.

Eurogroup (nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro - Eurozone) đã họp vào ngày 2-7 và quyết định giải ngân khoản tiền 12 tỷ EUR nói trên cho Hy Lạp.

Chủ tịch nhóm Eurogroup, Jean-Claude Juncker, giải thích: “Chúng tôi đã nhấn mạnh với chính quyền Athens rằng từ nay đến cuối tháng, họ phải thuyết phục được tất cả các bên rằng họ thực sự tôn trọng tất cả những cam kết về cắt giảm chi tiêu, từng bước giải quyết vấn đề bội chi ngân sách và nợ công. Trước mắt, Eurozone nhìn nhận Hy Lạp cần bảo đảm uy tín để có thể tiếp tục huy động vốn, nhưng châu Âu cũng như IMF muốn được bảo đảm rằng Hy Lạp sẽ điều chỉnh mức chi tiêu của mình. Brussels sẽ không thể tiếp tục giải ngân tín dụng cho Hy Lạp nếu chính phủ nước này không đạt được đồng thuận về việc tôn trọng những cam kết đối với cộng đồng quốc tế”.

Để đáp ứng yêu cầu của Brussels, Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou cam kết sẽ nhanh chóng thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng thứ 2 nhằm cắt giảm 28,7 tỷ EUR các khoản chi tiêu công từ nay cho tới năm 2015. Để đạt được mục tiêu đó, Athens dự định tăng thuế các loại, cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, siết chặt ngân sách quốc phòng, giáo dục, y tế, đình chỉ các dự án đầu tư công…

Bên cạnh đó, Athens cũng sẽ tiến hành hàng loạt chương trình tư hữu hóa từ ngành bưu điện đến điện lực, kêu gọi tư nhân đầu tư vào các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm thu về khoảng 50 tỷ EUR. Việc Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng G.Papandreou được coi là bước đầu để Athens chính thức thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng thứ 2 cũng như đổi lấy 12 tỷ EUR từ EU và IMF. Ngày 29-6, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua chương trình cắt giảm chi tiêu này.

Chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ làm hàng người thất nghiệp ở Hy Lạp ngày một dài hơn.

Chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ làm hàng người thất nghiệp ở Hy Lạp ngày một dài hơn.

  • “Buộc bụng” vẫn không xong

Tháng 3-2010, Chính phủ Hy Lạp đã thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu đầu tiên để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 110 tỷ EUR từ EU và IMF, cho phép tiết kiệm 4,8 tỷ EUR trong vòng một năm, tương đương 2% GDP của Hy Lạp. Để làm được điều đó, chính quyền Athens đã tăng thuế VAT từ 19% lên 21%; tăng thuế một số mặt hàng như thuốc lá (tăng 63%), rượu (tăng 20%), xăng dầu; tăng thuế bất động sản, cắt và giảm hàng loạt khoản trợ cấp xã hội (trợ cấp thất nghiệp, lương hưu...), trong đó giảm đến 60% tiền thưởng cho các viên chức nhà nước.

Thắt lưng buộc bụng khổ sở nhưng đổi lại Hy Lạp được gì? Gói cứu trợ khiến các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu lo ngại về khả năng thanh toán của Hy Lạp, khiến Athens phải đi vay với lãi suất cao hơn rất nhiều so với các đối tác khác trong khu vực Eurozone. Hy Lạp phải vay vốn 10 năm với lãi suất 8,8% trong lúc Đức chỉ phải vay với lãi suất trên 3%.

Chính vì muốn giúp Hy Lạp có thể tiếp tục huy động vốn với lãi suất mềm, cho nên EU và IMF đã thông qua kế hoạch để cho Hy Lạp vay 110 tỷ EUR trong 3 năm nhằm giúp Athens giải quyết khủng hoảng với nhận định đến năm 2013, Hy Lạp sẽ lấy lại cân bằng kinh tế.

Nhưng một năm sau nhìn lại, với 53 tỷ/110 tỷ EUR nhận được, lãi suất vay vốn 10 năm của Chính phủ Hy Lạp vẫn không ngừng tăng cao. Nếu tháng 5-2010, Athens phải vay với lãi suất khoảng 12% thì hiện nay con số này đã lên tới hơn 17%.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Ireland. Chính phủ nước này nhận được khoản vay từ EU và IMF trị giá 85 tỷ EUR với mức lãi suất trung bình 5,83% cũng vào năm 2010. EU sẽ đóng góp khoản tiền tương đương 45 tỷ EUR, trong đó những khoản vay song phương đến từ những nước ngoài EU như Đan Mạch, Thụy Điển và Anh 5 tỷ EUR. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đóng góp 22,5 tỷ EUR, trong khi chính phủ Ireland sẽ phải tự xoay xở khoản còn lại (17,5 tỷ EUR) từ nguồn dự trữ và quỹ hưu bổng quốc gia.

Để đáp ứng khoản vay trên, Chính phủ Ireland cũng phải thực hiện chính sách khắc khổ: cắt giảm mức lương tối thiểu và trợ cấp thất nghiệp, loại bỏ 25.000 công ăn việc làm trong chính phủ, áp đặt sắc thuế tài sản mới, và đề nghị sửa đổi bộ luật về thuế lợi tức.

Sau một năm, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong khi chi phí lao động theo giờ tại châu Âu tăng lên mức 2,6% trong quý đầu năm nay so với 3 tháng đầu năm 2010, chỉ số này tại Ireland giảm xuống mức 2,2%. Trước đó, trong thời gian dài, chỉ số GDP của Ireland luôn đứng thứ 2 sau Luxembourg. Năm 2007, trước khi xảy ra khủng hoảng, chỉ số GDP của Ireland là 147 điểm, cao hơn mức trung bình của châu Âu 47%. Năm ngoái, chỉ số này chỉ còn 125 điểm.

Còn đối với gói cứu trợ trị giá 78 tỷ EUR cho Bồ Đào Nha năm 2011, các khoản vay IMF dành cho Bồ Đào Nha có lãi suất 3,25%, còn con số này của EU từ 5,5%-6%.

Để đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách theo kế hoạch đề ra, Bồ Đào Nha phải thực hiện các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu bao gồm: giảm tiền lương ở khu vực công bằng cách không tăng lương và hạn chế việc làm; tăng thuế đối với các mặt hàng như xe hơi và thuốc lá; tư nhân hóa các công ty năng lượng quốc gia và bán hãng hàng không quốc gia TAP Air Portugal; cắt giảm các khoản trợ cấp nhà nước tốn kém nhất; thời gian trợ cấp thất nghiệp tối đa được rút ngắn từ 36 tháng xuống còn 18 tháng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế phần lớn nhận định rằng cái giá mà Bồ Đào Nha phải trả cho thỏa thuận này chính là 2 năm suy thoái kinh tế. Theo đó, các điều khoản ràng buộc như tăng thuế đối với ô tô, tài sản, cắt giảm đối với giáo dục, y tế và nhà ở… sẽ khiến nền kinh tế Bồ Đào Nha giảm đi 2% GDP trong năm 2011 và 2012. Đây có thể xem là một thử thách lớn đối với Bồ Đào Nha khi nước này không chỉ đang khủng hoảng nợ công mà còn là nước có tỷ lệ tăng trưởng vào loại thấp nhất châu Âu.

Người dân Hy Lạp phản đối mạnh mẽ chính sách thắt lưng buộc bụng không đem lại hiệu quả.

Người dân Hy Lạp phản đối mạnh mẽ chính sách thắt lưng buộc bụng không đem lại hiệu quả.

  • Cứu trợ... có lãi

Vì sao chính sách hỗ trợ của EU và IMF lại không đem lại những kết quả như mong đợi? Theo giáo sư Dominique Plihon của Trường Đại học Paris XIII, EU đã quá lạc quan khi cho rằng Hy Lạp sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Do EU tin tưởng rằng khi áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp đương nhiên sẽ giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách, nhờ đó kinh tế nước này sẽ vươn lên sau một giai đoạn khó khăn.

Nhưng theo giáo sư Plihon, kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu Hy Lạp có một mạng lưới kinh tế - công nghiệp hiệu quả và quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao. Tiếc là Hy Lạp lại không hội đủ cả 2 yếu tố này. Theo ông, chừng nào Hy Lạp, cũng như các nước phải đi vay tiền của quốc tế, vẫn phải trả lãi suất cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế thì chưa thể tính tới khả năng sẽ giảm bớt khoản nợ công hiện đã lên tới 350 tỷ EUR.

Một yếu tố khác cũng rất đáng lưu ý là khác với trường hợp của Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, và sau đó là Brazil và Argentina, khi hai quốc gia này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và đã phải cầu cứu đến IMF, hiện nay Hy Lạp hoàn toàn không có khả năng phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu hòng lấy lại cân bằng trong cán cân vãng lai.

Mặt khác, cơ chế tài chính chung của khối Eurozone chưa thực sự hoàn chỉnh, cho nên khi một quốc gia thành viên lâm nạn, như trường hợp của Hy Lạp, thì không có một cơ quan nào có đủ chức năng đứng ra tập trung và bảo lãnh các khoản nợ của quốc gia đó nhằm trấn an các nhà đầu tư. Chính vì điểm này mà Hy Lạp cũng như Bồ Đào Nha và Ireland đã trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ.

Cuối cùng, sở dĩ trong một năm qua, kinh tế Hy Lạp không có sự cải thiện có lẽ do các kế hoạch gọi là “trợ giúp” tài chính một thành viên yếu kém trong Eurozone. Trên thực tế, cả châu Âu lẫn IMF cùng hợp sức cho Athens vay tiền với cái giá tuy phải chăng so với đòi hỏi của các nhà đầu tư để cho Hy Lạp được “nhẹ gánh”, nhưng Athens vẫn phải trả tiền lãi. Điều đó khiến dư luận Hy Lạp rất bất bình và thậm chí còn cáo buộc Brussels đã “làm giàu” trên sự đau khổ của người dân nước này.

Người dân ở đây có cảm tưởng như họ đang bị EU lừa dối vì trong khi Brussels luôn tỏ ra hào phóng và tuyên bố giúp đỡ Hy Lạp hàng tỷ EUR thực chất, EU cho Hy Lạp vay những khoản tiền đó với lãi suất 5%. Nhiều người cho rằng không thể nói là EU đang “cứu nguy hay trợ giúp” Hy Lạp, khi Brussels hành xử như một ngân hàng, một ông chủ nợ.

Đến nay, cả IMF lẫn EU đều cố tình chỉ coi khủng hoảng của Hy Lạp như một vấn đề thiếu tiền mặt nhất thời, và không đủ can đảm thừa nhận rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhưng dường như tại Brussels, gió đã bắt đầu xoay chiều khi Eurogroup và Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu đề cập đến khả năng “tái cơ cấu” khoản nợ của Hy Lạp. Các bên cũng đã tính đến một kế hoạch “hỗ trợ tài chính” thứ 2 dành cho Athens. Có vẻ như mọi người bắt đầu ý thức được rằng khoản tín dụng 110 tỷ EUR không đủ sức để trang trải nhu cầu tài chính của Hy Lạp. 

ĐỖ VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục