Ngày tàn của đế chế truyền thông Murdoch

Hình thành đế chế của Murdoch
Ngày tàn của đế chế truyền thông Murdoch

Bài 1: Tham vọng bất chấp tất cả

Vụ bê bối lớn của tờ báo News of the World do ông trùm truyền thông Rupert Murdoch quản lý không những khiến tờ báo này bị đóng cửa mà toàn bộ đế chế truyền thông của ông ta tại các nước nói tiếng Anh đang chao đảo. Vụ bê bối không chỉ gói gọn trong vấn đề đánh cắp thông tin của mọi giới mà còn lan sang cả các quan chức bị đồng tiền của nhà tài phiệt này mua chuộc.

Murdoch phát biểu với báo chí Anh sau khi xin lỗi gia đình bé Milly Dowler.

Murdoch phát biểu với báo chí Anh sau khi xin lỗi gia đình bé Milly Dowler.

Hình thành đế chế của Murdoch

Với tài sản gần 7 tỷ USD, Rupert Murdoch được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Murdoch sinh ngày 11-3-1931 tại Melbourne, Australia. Do cha ông cũng làm trong một tờ báo khu vực nên ông sớm làm quen với nghề báo ngay từ nhỏ. Khi cha mất năm ông 22 tuổi, Murdoch trở về từ Đại học Oxford ở Anh, trở thành giám đốc điều hành tờ News Limited vào năm 1953. Từ đó, ông mở rộng tầm hoạt động, bắt đầu bằng việc mua tờ Sunday Times ở Perth, bang Tây Australia.

Những năm kế tiếp, Murdoch đã hình thành cho chính mình một hệ thống kinh doanh năng động tại Australia, mua thêm nhiều tờ báo tỉnh lẻ và vùng quê ở các bang New South Wales, Queensland, Victoria, trong đó có tờ báo lá cải phát hành buổi chiều tại Sydney-The Daily Mirror. Năm 1964, Murdoch phát triển sang New Zealand bằng cách mua lại nhiều tờ báo ở đây. Cũng vào năm này, Murdoch khai trương tờ The Australian, nhật báo cấp quốc gia đầu tiên của Australia. Chính nhờ tờ báo này Murdoch được nhiều người kính trọng, tạo ảnh hưởng chính trị.

Nhưng bước tiến mạnh nhất của ông trùm truyền thông này là vào năm 1968, khi bước chân vào Anh với việc mua tờ News of the World và một năm sau mua luôn tờ The Sun rồi biến tờ The Sun thành báo lá cải. Đến năm 2006, mỗi ngày The Sun bán được 3 triệu tờ. Tờ Times và The Sunday Times từ nhà quản lý Canada cũng về tay Murdoch vào năm 1981.

Những năm 1980-1990, đế chế truyền thông của Murdoch đã ủng hộ nhiệt tình cho Thủ tướng Anh lúc đó là bà Margaret Thatcher. Khi kỷ nguyên Thatcher và John Major kết thúc, Murdoch chuyển sang ủng hộ Công đảng của Thủ tướng Anh Tony Blair.

Chuyện ông này bí mật gặp gỡ Thủ tướng Blair bàn chuyện quốc sự cũng trở thành chủ đề cho báo chí Anh thời bấy giờ. Cựu phát ngôn viên của Thủ tướng Gordon Brown vào năm 2009 cho biết, ông Brown và Murdoch thường xuyên trao đổi với nhau. Sau khi Công đảng thất cử, Murdoch nhanh chóng quay sang ủng hộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Camreon.

Murdoch đánh dấu sự có mặt tại Mỹ vào năm 1973, khi ông mua tờ San Antonio Express-News sau đó là các tờ Star, New York Post. Năm 1985, ông nhập tịch Mỹ để có thể mua các kênh truyền hình Mỹ theo luật nước này. Từ đó, phim trường 20th Century Fox, kênh truyền hình Fox News và 8 kênh khác của Công ty Truyền hình Fox về tay ông. Năm 2007, Murdoch bỏ ra 5 tỷ USD mua tờ báo the Wall Street Journal.

Tại châu Á, năm 1983, Murdoch mua kênh Star TV từ nhà sáng lập Richard Li ở Hồng Công (Trung Quốc) với giá 1 tỷ USD. Đây là mạng lưới truyền hình vệ tinh lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, do chính phủ Trung Quốc hạn chế hệ thống kênh này nên kế hoạch mở rộng vùng phủ sóng của Murdoch tại châu Á không được như mong đợi.

Dùng thủ đoạn moi tin giật gân

Vụ bê bối mới nhất bắt đầu khi tờ News of the World tường thuật chi tiết cuộc sống tại cung điện Hoàng gia Anh vào năm 2005. Điện Buckingham lập tức cảnh báo cho cảnh sát Anh rằng chức năng thư thoại trong điện thoại di động của Hoàng tử William có thể đã bị xâm nhập. Cuộc điều tra của cảnh sát dẫn đến việc bắt giữ biên tập viên chuyên về Hoàng gia Clive Goodman của tờ báo này và nhà điều tra tư nhân Glenn Mulcaire. Mulcaire thừa nhận còn xâm nhập nhiều hộp thư thoại của các nhân vật nổi tiếng khác.

Les Hinton, lúc đó là chủ tịch của công ty News International (NI-thuộc tập đoàn News Corp quản lý tờ News of the World) phát biểu trước các nghị sĩ Anh vào tháng 3-2007 rằng, cuộc điều tra nội bộ cho thấy không có dấu hiệu về việc xâm nhập rộng rãi điện thoại di động của các nhân vật nổi tiếng.

Hai tháng sau, Ủy ban khiếu kiện báo chí (PCC), cơ quan tự giám sát của báo chí, cũng đã ủng hộ quan điểm của Hinton. Thế nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ các vụ xâm nhập như vậy chỉ là hạnh động đơn lẻ và ban biên tập News of the World không hay biết.

Năm 2009, nhật báo The Guardian tiết lộ nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ và cả chính trị gia bị xâm nhập lấy cắp thông tin trong điện thoại.

Theo Guardian, có khoảng 3.000 người tại Anh bị News of the World lấy cắp thông tin. Năm 2010, có tin cho rằng Max Clifford, cố vấn PR đã được News of the World trả 1 triệu bảng Anh để không kiện tờ báo này.

Đỉnh cao là vụ xâm nhập vào hộp thư thoại của Milly Dowler, cô bé 13 tuổi là nạn nhân của một vụ bắt cóc và bị giết sau đó. News of the World cho người theo dõi các mẩu đối thoại giữa bé với gia đình trong thời gian cô bé bị bắt cóc. Họ đã xóa bớt các tin trong hộp thư thoại để cô bé tiếp tục chuyện trò với gia đình nhằm khai thác thông tin.

Andy Coulson, cựu biên tập viên News of the World, bị bắt vào ngày 8-7-2011 và bị thẩm vấn không chỉ chuyện xâm nhập điện thoại mà còn bị cáo buộc trao quyền cho News of the World hối lộ cảnh sát để lấy thông tin.

Theo nhà báo Baryl Scrape, phóng viên hàng đầu của News of the World, trước khi bị đóng cửa, khai thác thông tin mật là ưu tiên của tờ báo này. Để trở thành phóng viên hàng đầu phải có khả năng xâm nhập vào các thông tin chưa ai biết, phải là người đầu tiên tới hiện trường.

Theo bà, một số thủ đoạn mà phóng viên muốn làm việc cho Murdoch phải biết như: mặc đồ lặn để có thể đột nhập vào hầm nước tại nhà của những người nổi tiếng thu thập thông tin; cho tiền người đưa thư để anh ta cho đọc trước những lá thư những người lính gửi cho gia đình của họ trước khi tới địa chỉ cần tới, điều này đặc biệt “có ích” khi người lính tử trận, nhất là ở Iraq hay Afghanistan; đám tang là thời điểm hoàn hảo để xông vào nhà những nạn nhân của bọn khủng bố để khai thác thông tin riêng từ họ và điều cần thiết phải biết phủ nhận tất cả những việc làm này khi bị cảnh sát thẩm vấn.

Cũng theo hai phóng viên từng làm việc cho News of the World, việc theo dõi và xâm nhập điện thoại di động được gọi là “pingping”. Mỗi lần dùng kỹ thuật này, theo tờ New York Times, tờ báo lá cải mất 500 USD nhằm qua mặt an ninh mạng và cảnh sát. Ngoài ra, phóng viên còn theo dõi cá nhân thông qua thẻ tín dụng của họ.

Tờ Guardian tường thuật rằng các bức e-mail nội bộ trong News of the World cho thấy nhiều yêu cầu trả chi phí lo cho sĩ quan Hoàng gia Anh để họ cung cấp thông tin  về nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles và nhiều nhân vật khác của Hoàng gia.

Cũng theo tờ Guardian, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown tin rằng người của Murdoch có cả hộp thư thoại, tài khoản ngân hàng và cả bệnh án của con trai ông (bị bệnh xơ nang phổi). Ông Brown còn nói với BBC rằng tờ The Sun (cũng của Murdoch) thuê những tên tội phạm khét tiếng tự viết các chuyện đời của họ. Ông Murdoch đã bác bỏ cáo buộc này.

Thụy Vũ


Bài 2: Lợi dụng các mối quan hệ

  • Ảnh hưởng lên chính trị

Vụ xâm nhập và ăn cắp thông tin của đế chế Murdoch thật ra chỉ làm ngạc nhiên những ai ít quan tâm đến sức ảnh hưởng của đế chế này đối với báo chí tại các nước nói tiếng Anh. News of the World chỉ là “tép riu” của đế chế truyền thông Murdoch với 2,6 triệu độc giả tại các nước nói tiếng Anh (Mỹ, Anh, Australia…).

Thông thường người đọc chỉ chú ý đến các thông tin lá cải, giật gân mà không biết rằng Murdoch là chủ mưu các vụ mua chuộc nhà báo và giới chính trị cả hai bờ Đại Tây Dương để có được những thông tin đó. Hàng ngàn tin nhắn điện thoại bị xâm nhập do những người làm cho tờ News of the World thao túng. Nạn nhân thuộc đủ mọi thành phần, thậm chí các nạn nhân của vụ 11-9 cũng bị lấy cắp thông tin từ điện thoại.

Việc bắt giữ Andy Coulson, cựu quản lý báo chí của Thủ tướng Anh David Cameron vì vai trò của ông khi còn làm cho News of the World và việc đóng cửa News of the World chỉ 3 ngày sau đã gây chấn động không chỉ ở nước Anh mà trên toàn thế giới.

Thủ tướng David Cameron và bà Rebekah Brooks, nguyên Giám đốc điều hành Công ty News International trực thuộc đế chế truyền thông Murdoch

Thủ tướng David Cameron và bà Rebekah Brooks, nguyên Giám đốc điều hành Công ty News International trực thuộc đế chế truyền thông Murdoch

Tất cả những gì xung quanh Murdoch và đế chế truyền thông của ông ta cho thấy nhân vật này không có đối thủ nào đáng kể về ảnh hưởng chính trị tại Anh, nhất là đối với các nhà chính trị thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền. Hầu như mọi thủ tướng Anh, kể từ Harold Wilson thời kỳ những năm 1960 - 1970 đến nay đều tỏ ra tôn trọng Murdoch. Sau khi ủng hộ John Major đắc cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 1992, các cuộc bầu cử sau đó, Murdoch chọn cách an toàn ở thế trung lập, sau đó quay sang ủng hộ các đảng thắng cử.

Theo tờ The Age của Australia, thực ra nhiều chính khách tìm đến với Murdoch chứ không phải Murdoch đến với họ. Các đời Thủ tướng Australia đều có thói quen ăn sáng chung với Murdoch ở New York. Ngay cả đương kim Thủ tướng Julia Gillard trong chuyến thăm đầu tiên tới New York sau khi đắc cử đã ăn trưa cùng với ông Murdoch hôm tháng 3.

Theo tiết lộ của nhà báo Bruce Guthrie, Phó Tổng biên tập tờ The Herald những năm 1980, vào lúc đó, khi còn lãnh đạo đảng Tự do đối lập, ông John Howard (Thủ tướng nhiệm kỳ 1996 - 2007) đã tới sảnh chờ của tờ The Herald để đợi gặp ông Murdoch trong trạng thái rất căng thẳng. Những cuộc đón tiếp các chính khách tại Cavan, đại bản doanh của Murdoch (nằm không xa thủ đô Canberra) luôn trang trọng với những bữa tối kèm rượu cognac và xì gà. Với Thủ tướng Paul Keating, tháng 10-1985, ông đã rất giận dữ khi báo chí tung tin về chuyến thăm bí mật của ông tới nhà riêng của Murdoch. Nhưng chỉ 5 ngày sau, ông Keating công bố rằng Hãng 20th Century Fox của ông Murdoch sẽ xây dựng phim trường ở Sydney.

Năm 2009, người phát ngôn Nhà Trắng cực lực lên án các thông tin trên Fox News của Murdoch quá thiên lệch về đảng Cộng hòa và tấn công vào Tổng thống Obama. Ông Murdoch còn đóng cả triệu USD cho Hiệp hội các thống đốc đảng Cộng hòa Mỹ. Việc đóng cửa tờ báo News of the Word cho thấy các nhà chính trị Anh đã dứt khoát không muốn liên lụy tới các vụ bê bối của đế chế Murdoch.

  • Bài học cho nền báo chí thế giới

Những cộng sự của Murdoch hiện tại và cả trong quá khứ đều cho rằng tham vọng lâu dài của Murdoch là khuất phục quyền lực chính trị và văn hóa Mỹ như đã làm tại Australia và Anh. Đại diện cho tham vọng của ông ở Mỹ chính là tờ New York Post. Đây không phải tờ báo mang lại lợi nhuận cao nhưng nó hữu dụng trong việc nâng cao vị thế của ông hướng tới một sự thay đổi toàn bộ không những trong nền báo chí Mỹ mà rộng hơn là văn hóa. Trang 6 của tờ báo này là một điển hình về tính cách báo chí của Murdoch: không cần quan tâm đến độ xác thực hay bối cảnh mà chỉ để thu hút độc giả. Kênh truyền hình Fox News được cho là mang đầy sự bất công và mất cân bằng về chính trị. Đối với Murdoch, những giá trị của báo chí truyền thống như sự thật khách quan chưa phải là tiêu chí hàng đầu.

Phương châm của Murdoch là “Đừng nói cho ai biết ngoài gia đình bạn, chúng tôi sẽ chăm sóc bạn”. Thông thường, các phóng viên và biên tập viên ít khi phạm luật, hối lộ cảnh sát, nghe lén hay thực hiện các hành vi côn đồ; thám tử tư, những kẻ nghe lén, xem lén điện thoại không thể nào trở thành nguồn cung cấp thông tin chủ lực của một tờ báo trừ khi được cấp lãnh đạo bật đèn xanh. Một trong những người từng làm trong ban lãnh đạo của đế chế Murdoch cho tạp chí Time (Mỹ) biết rằng, tất cả những thủ thuật moi tin của đế chế này đều thực hiện ở mức độ của một ngành công nghiệp.

Những hành vi sai trái của đế chế Murdoch sẽ được làm sáng tỏ và đưa ra trước tòa án. Bài học cho ngành báo chí thế giới đã rõ: sẽ không có chỗ dành cho hành động đi ngược lại đạo đức và tiêu chuẩn của nghề báo. Nó còn là bài học cho các quan chức, cảnh sát… trong đó quan hệ với báo chí phải đặt ở mức độ công bằng và trong sáng.

Chính vì vậy, việc áp dụng nghiêm ngặt những tiêu chuẩn báo chí đang được nhiều nước xem xét lại, trong đó có Anh và Australia. Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg kêu gọi một cuộc cải tổ toàn diện quy định của báo chí. Ông cho rằng hệ thống các quy định về báo chí ở Anh hiện rất “lố bịch”. Ông chỉ đích danh Ủy ban khiếu kiện báo chí (PCC) vì đã không đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ bê bối từ New of the World, cho rằng cơ quan này hoạt động không đúng với chức năng là theo dõi kỷ luật báo chí. Ông Clegg cho rằng chính phủ cũng không nên kiểm soát chặt báo chí mà phải có những nhà hoạt động độc lập đủ tư cách theo dõi báo chí, cần thiết phạt tiền những cơ quan vi phạm luật báo chí.

Thủ tướng Australia Julia Gillard có một quan điểm khác khi cho rằng không cần thiết phải đưa ra các quy định về đạo đức cho báo chí mà giờ đây hãy tăng cường hệ thống luật để bảo vệ vững chắc hơn quyền riêng tư của các cá nhân. Ngoài ra, các quan chức Australia cho rằng cần xây dựng nhiều kênh thông tin giữa cộng đồng và báo chí để kiểm tra thông tin. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên hủy bỏ Hội đồng báo chí Australia và chính phủ nên thành lập một Hội đồng báo chí độc lập không dùng tiền quỹ của các tờ báo.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục