Vụ trả thù trẻ em gây chấn động dư luận

Ngày 9-10, lực lượng Taliban ở Pakistan đã mưu sát một nữ sinh 14 tuổi để trả thù những hoạt động chống lại nhóm khủng bố này của cô bé. Vụ mưu sát một “nhà hoạt động nhân quyền vì trẻ em” từng vận động cho việc đến trường của các bé gái ở thung lũng Swat, Tây Bắc Pakistan đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Pakistan và thế giới.
Vụ trả thù trẻ em gây chấn động dư luận

Ngày 9-10, lực lượng Taliban ở Pakistan đã mưu sát một nữ sinh 14 tuổi để trả thù những hoạt động chống lại nhóm khủng bố này của cô bé. Vụ mưu sát một “nhà hoạt động nhân quyền vì trẻ em” từng vận động cho việc đến trường của các bé gái ở thung lũng Swat, Tây Bắc Pakistan đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Pakistan và thế giới.

  • Vụ trả thù tàn bạo của Taliban

Cô bé Malala Yousafzai, 14 tuổi, đã bị phiến quân Taliban bắn trên chiếc xe buýt chở học sinh tới trường ở thành phố Mingora ngày 9-10. Theo cảnh sát địa phương, khi chiếc xe buýt này chuẩn bị rời sân trường thì một người đàn ông bước lên và hỏi ai là Malala Yousafzai. Một nữ sinh khác chỉ vào Malala, còn cô bé này thì chối mình không phải là người hắn đang tìm, nên hắn đã nổ súng bắn cả hai. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho rằng các tay súng lạ mặt đã nã đạn vào các nữ sinh khi các em đang chuẩn bị bước lên một xe buýt. Ngoài Yousafzai, còn có nhiều nữ sinh khác bị thương.

Yousafzai đã qua cơn nguy kịch tại bệnh viện.

Yousafzai đã qua cơn nguy kịch tại bệnh viện.

Ngay sau khi nghe tin về vụ trả thù trên, Thủ tướng Ashraf đã phái một chiếc trực thăng đưa cô bé tới một bệnh viện ở Peshawar và gọi Malala là “con gái”. Malala bị bắn vào đầu, viên đạn thứ hai trúng vào cổ, nhưng nguồn tin từ bệnh viện cho biết cô bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Lực lượng an ninh đã tiến hành phong tỏa bệnh viện để bảo vệ tính mạng cho Yousafzai. Tuy nhiên các bác sĩ lo ngại Yousafzai cần ra nước ngoài điều trị.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Ashraf khẳng định: “Chúng ta phải gác sang một bên những sự khác biệt về các vấn đề nhỏ và cùng lên án và tiếp tục cuộc chiến chống lại tư tưởng cực đoan đằng sau vụ tấn công này. Nếu tư tưởng đó thắng thế, thì dù Malala hay bất kỳ người phụ nữ nào trên đất nước này sẽ không được an toàn”.

Tổng thống Asif Ali Zardari tuyên bố rằng vụ sát hại Malala Yousafzai sẽ không làm lung lay quyết tâm của Pakistan đấu tranh chống lại những phiến quân Hồi giáo hoặc nỗ lực hỗ trợ hoạt động giáo dục dành cho phụ nữ. Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều nguyên thủ quốc gia và các tổ chức khác như Ủy ban Nhân quyền Pakistan (HRCP) đều lên án vụ tấn công này. Kamila Hayat, đại diện cấp cao của HRCP khen ngợi Yousafzai vì đã dám đứng lên chống lại những phiến quân và cho rằng hành động đó đã gửi đi một thông điệp tới toàn thế giới rằng: các bé gái Pakistan có đủ dũng cảm để chiến đấu vì quyền của mình.

Malala Yousafzai phát biểu tại một hội nghị quốc tế về quyền đi học của trẻ em.

Malala Yousafzai phát biểu tại một hội nghị quốc tế về quyền đi học của trẻ em.

Giới quan sát nhận định Taliban muốn dùng “nhà nhân quyền trẻ tuổi” để làm gương cho những người khác. Vụ trả thù này cũng cho thấy những khó khăn mà Chính phủ Pakistan phải đối mặt khi tìm cách loại bỏ mối đe dọa từ các phần tử cực đoan Taliban.

Theo BBC, Taliban trước đó đã công khai đe dọa Malala Yousafzai. Sau vụ tấn công, phát ngôn viên của Taliban Ehsaanullah Ehsan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc trên và nói thêm rằng cô ấy không thể được tha thứ. Nhóm này cáo buộc cô bé “ủng hộ phương Tây, phát ngôn chống lại Taliban và gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là thần tượng”.

  • Hoạt động vì trẻ em khi vẫn còn là trẻ em

Malala Yousafzai bắt đầu tố cáo những hành động tàn bạo của Taliban ở Tây Bắc Pakistan khi cô bé mới có 11 tuổi. Cô gái Pakistan này đã nổi tiếng toàn thế giới qua bút danh Gul Makai với cuốn nhật ký ghi lại sự tàn bạo của Taliban và cuộc sống thống khổ của người dân thị trấn quê hương trong hai năm 2008 và 2009, khi lực lượng này quay lại nắm quyền kiểm soát các thung lũng Swat ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Như ở Afghanistan, Taliban đã cai trị vùng này bằng bạo lực và những tư tưởng cực đoan.

Trong một đoạn nhật ký cảm động viết về sắc lệnh cấm trẻ em gái đi học, Yousafzai viết: “Hôm nay là ngày cuối cùng của trường chúng tôi, chúng tôi quyết định chơi trong sân chơi lâu hơn một chút. Tôi tin rằng một ngày nào đó ngôi trường này sẽ mở cửa trở lại, nhưng khi rời khỏi trường, nhìn các dãy phòng học, tôi không tránh khỏi cảm giác sẽ không bao giờ quay trở lại nơi đây”.

Trong bài viết mang tên Tôi lo sợ, em viết rằng: “Đêm qua tôi gặp ác mộng với những chiếc trực thăng quân sự và các tay súng Taliban”. Yousafzai chia sẻ sợ bị chặt đầu vì sự ham học của mình, thường xuyên bị các tay súng Taliban đến kiểm tra xem đang học hay xem tivi. Yousafzai phải giấu sách dưới gầm giường để tránh sự lục soát của Taliban.

Malala Yousafzai trên đường phố ở thung lũng Swat, Tây Bắc Pakistan.

Malala Yousafzai trên đường phố ở thung lũng Swat, Tây Bắc Pakistan.

Cô bé Malala Yousafzai nổi tiếng với những bài phát biểu chống lại Taliban ở Pakistan vào thời điểm mà ngay cả Chính phủ Pakistan dường như cũng phải nhượng bộ những kẻ Hồi giáo cực đoan này. Bất chấp lệnh cấm các em gái đi học, Yousafzai và bạn bè của em vẫn tiếp tục đến trường. Trường học dành cho các bé gái của em bị đóng cửa, Yousafzai buộc phải sơ tán đến thị trấn Abbottabad, nơi Osama bin Laden bị tiêu diệt hồi năm ngoái.

Em vẫn đi học bất chấp lệnh cấm và từng nhiều lần bị đe dọa đến tính mạng khi em trở thành biểu tượng trong số các bé gái can đảm đến trường. Danh tính của em nổi lên sau khi Taliban bị đuổi ra khỏi thung lũng Swat vào năm 2009 bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của chính phủ.

Yousafzai từng được đề cử cho giải thưởng cao quý International Children Peace Award (Giải Hòa bình Trẻ em quốc tế). Năm ngoái, bé gái lớp 8 với ước mơ trở thành bác sĩ này đã được trao Giải thưởng Hòa bình Quốc gia đầu tiên của Pakistan và một ngôi trường ở Pakistan được đặt tên Malala Yousafzai để vinh danh em. 

HẠNH CHI (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục