Dấu ấn quân đội trong chính trường Ai Cập

Ảnh hưởng trong lịch sử Ai Cập
Dấu ấn quân đội trong chính trường Ai Cập

Cuộc cách mạng mùa Xuân Ai Cập năm 2011 đã dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Hosni Mubarak, một cựu tướng lĩnh quân đội. Trong cảnh bạo loạn kéo dài sau khi Tổ chức anh em Hồi giáo lên cầm quyền sau cách mạng mùa Xuân, một lần nữa quân đội Ai Cập lại đóng vai trò chính trong vãn hồi trật tự. Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua của tướng Abdel Fattah al-Sisi càng khẳng định rằng Ai Cập không thể phủ nhận vai trò của quân đội.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong lễ nhậm chức.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong lễ nhậm chức.

Ảnh hưởng trong lịch sử Ai Cập

Từ năm 1922, mặc dù Ai Cập trên danh nghĩa đã độc lập khỏi Anh nhưng quân Anh vẫn chiếm đóng nước này thêm 25 năm. Theo ông Joe Beinin, giáo sư khoa Lịch sử Trung Đông tại Đại học Stanford (Mỹ): “Vai trò của quân đội Ai Cập khá yếu suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới”. Quân đội Ai Cập có vị thế rất thấp trong công chúng và đóng vai trò hạn chế trong các vấn đề của chính phủ.

Tuy nhiên, tất cả đều thay đổi kể từ năm 1948, thời điểm đất nước Israel ra đời. Cuộc xung đột Arab - Israel đã bắt đầu định hình vị thế của quân đội Ai Cập. Những thất bại trong các cuộc chiến với Israel dẫn đến việc quân đội lật đổ Quốc vương Farouk vào năm 1952.

Đây được xem là cuộc cách mạng chấm dứt thể chế hoàng gia, đánh dấu thời điểm Ai Cập được đặt dưới sự cai trị của quân đội cùng với việc ra đời Cộng hòa Ai Cập vào ngày 18-6-1953. Tướng Muhammad Naguib trở thành Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ai Cập. Tướng Naguib sau đó bị một quân nhân khác là Gamal Abdel Nasser lật đổ, tiếp đến, Ai Cập tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo của các tổng thống xuất thân từ quân đội như Muhammad Anwar El Sadat và Hosni Mubarak.

Tất cả đều thuộc Phong trào sĩ quan tự do (FOM), tổ chức đã làm nên cuộc cách mạng năm 1952. Trong thời kỳ Tổng thống Nasser, Ai Cập đã thua Israel trong cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967, dẫn đến mất bán đảo Sinai. Nhưng không vì thế làm vai trò của quân đội Ai Cập bị lu mờ.

Bằng chứng là sau khi Tổng thống Nasser qua đời, Tổng thống kế nhiệm Sadat và sau đó là Tổng thống Mubarak đã nhiều lần lãnh đạo quân đội Ai Cập chiến đấu với Israel giành lại bán đảo Sinai. Đến năm 1982, thông qua Hiệp định hòa bình Ai Cập - Israel năm 1979, Israel đã phải rút quân khỏi bán đảo Sinai, trả lại chủ quyền bán đảo này cho Ai Cập. Từ đây, uy tín của quân đội Ai Cập được phục hồi hoàn toàn với vai trò quan trọng là bảo vệ lợi ích quốc gia.

Có thể thấy rằng từ năm 1952 tới nay, quân đội gần như liên tục cầm quyền ở đất nước làm chủ kênh đào Suez này. Chính quân đội cũng là lực lượng truất ghế Tổng thống Hosni Mubarak và chính quân đội cũng là người lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, hai biến cố lớn chỉ trong vòng 3 năm.

Điều đó nói lên vai trò quan trọng như thế nào của quân đội Ai Cập. Kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, quân đội Ai Cập trở thành lực lượng duy nhất có khả năng duy trì sự đoàn kết quốc gia và bảo vệ nền độc lập của nước này.

Theo ông Beinin, có thể ở nhiều thời điểm, quân đội Ai Cập trong con mắt của người dân nước này là lực lượng chỉ muốn thâu tóm quyền lực trong hiến pháp mà không xem trọng quyền lợi quốc gia. Nhưng hiện nay, đa số dân Ai Cập đều tin rằng quân đội là lực lượng yêu nước, đáng tin cậy và hành động vì lợi ích quốc gia.

Người dân Ai Cập bày tỏ sự ủng hộ với tân Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Người dân Ai Cập bày tỏ sự ủng hộ với tân Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Trọng trách của tân Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi

Trong buổi lễ nhậm chức hôm 8-6, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi hứa sẽ cai trị Ai Cập một cách toàn diện nhưng không đưa ra dấu hiệu cho thấy ông sẽ hòa giải với phong trào Hồi giáo Brotherhood vốn đã bị ông đẩy ra khỏi quyền lực gần 1 năm trước đây. Cuộc bầu cử tháng trước, ông Sisi giành chiến thắng với 97% số phiếu.

Ông Sisi cho biết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ. Trong bài diễn văn đầu tiên sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Ai Cập khẳng định: “Đối với những người làm đổ máu người vô tội, sẽ không có chỗ cho họ trên con đường xây dựng đất nước”.

Ông cho biết thêm, sẽ không dung túng với bất cứ ai dùng bạo lực hay ngăn cản con đường tiến lên của đất nước Ai Cập. Ông Sisi kêu gọi nỗ lực hàn gắn những chia rẽ chính trị và chấm dứt các cuộc biểu tình đường phố đã gây nên nhiều tổn hại cho nền kinh tế. Theo các nhà quan sát, họ lo ngại Sisi sẽ trở thành một nhà lãnh đạo độc tài khi ưu tiên bảo vệ quyền lợi của quân đội, kiểu như Tổng thống Mubarak đã từng mắc phải dẫn đến những hành động phá hoại dân chủ.

Trước mắt, ông Sisi đang tận hưởng sự ủng hộ cuồng nhiệt của dân chúng dành cho ông. Gần quảng trường Tahrir, trung tâm biểu tượng của cuộc nổi dậy chống ông Mubarak, người ta thấy thanh niên bán áo thun với hình ảnh của ông Sisi. Các phương tiện truyền thông nhà nước và tư nhân liên tục dành những lời khen ngợi tân Tổng thống Ai Cập.

Nhưng đáp ứng kỳ vọng của người dân không phải là dễ. Đặc biệt, ông Sisi sẽ không dễ dàng đối phó với phong trào Anh em Hồi giáo (MB) với các chi nhánh ở nhiều nước. Bất chấp việc nhiều nước từng ủng hộ MB trước đây như Saudi Arabia nay xem MB là tổ chức khủng bố, MB vẫn hiện diện và có ảnh hưởng nhất định ở nhiều nước vùng vịnh.

Nền kinh tế Ai Cập từng gặp nạn tham nhũng, quan liêu hoành hành, thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn do mở rộng trợ cấp nhiên liệu có trị giá gần 19 tỷ USD mỗi năm. Các quan chức dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ vào khoảng 3,2% trong năm tài chính bắt đầu ngày 1-7, thấp hơn mức cần thiết để tạo ra đủ việc làm cho dân số phát triển nhanh chóng và dễ dàng đẩy nhiều người vào tình trạng nghèo.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục