Nhiều hệ lụy từ Brexit: Cơ hội và mối nguy

Nhiều hệ lụy từ Brexit: Cơ hội và mối nguy

Cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit đã mang tới nhiều rắc rối, ảnh hưởng tiêu cực đến các khu vực ngoài châu Âu, thậm chí là toàn thế giới không chỉ ở lãnh vực kinh tế mà còn là chính trị, quân sự và cuộc chiến chống khủng bố. Từ đó xuất hiện các thành phần, khu vực xem Brexit như một cơ hội để trục lợi cũng như mối nguy hại lâu dài.

Kết quả cuộc khảo sát mới nhất do OpinionWay (Pháp) thực hiện cho thấy, thủ đô London (Anh) đã đánh mất vị trí thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất thế giới, tạo nên cuộc đua giành vị trí trái tim tài chính thế giới.

Toan tính của Pháp

Không chỉ mất vị trí thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất, vị thế trung tâm tài chính của London cũng đang bị đe dọa trong bối cảnh EU lên kế hoạch chuyển trụ sở Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu khỏi London, làm dấy lên những quan ngại về việc London có thể bị tách dần khỏi các quy chế tài chính hay thị trường vốn của châu Âu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tài chính trước đây đặt trụ sở chính tại London bày tỏ ý định sẽ rút một số hoạt động chính sang các thành phố khác của châu Âu. Trước đó, hãng Reuters cho biết Pháp đã vượt Anh để giành vị trí số 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh bảng Anh suy yếu sau quyết định Brexit.

London mất vị thế thành phố hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất

Tại hội nghị thường niên của ngành tài chính Pháp, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, cho biết: “Chính phủ Pháp sẽ tích cực hơn trong tương lai gần để tăng cường và giúp Paris trở thành trung tâm tài chính hấp dẫn trên thế giới. Trước đó, ngành công nghiệp tài chính Pháp đã nhìn thấy cơ hội và lập tức đưa ra các lời mời chào “ngon lành” dành cho người nước ngoài làm việc tại Pháp. Bên cạnh đó, ngành này cũng muốn chính phủ cắt giảm thuế đối với lao động trong lĩnh vực tài chính. Những người ủng hộ Brexit chưa chắc có kế hoạch B cho việc này, nhưng giới tài phiệt ở Paris đã tính trước việc “chuyển ngôi” trung tâm tài chính từ London sang Paris. Thủ đô nước Pháp có lĩnh vực quản lý tài sản quy mô lớn phát triển, là nơi tọa lạc của nhiều ngân hàng lâu đời và nhiều chuyên gia tài chính lão luyện, cùng giá thuê văn phòng hấp dẫn. Chính quyền Paris cũng hướng tới mở rộng diện tích để thu hút các lãnh đạo ngân hàng và gia đình họ. Hiện Paris đang có những bàn thảo nhằm xây dựng thêm các trường song ngữ quốc tế ở rìa phía Tây nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình các giới chức ngân hàng quốc tế. Đại diện HSBC hồi đầu năm cho biết, sẽ chuyển khoảng 20% nhân lực tại London - tương đương 1.000 vị trí từ phòng giao dịch tới ngân hàng đầu tư sang Paris trong trường hợp Brexit. Ông Francois Villeroy de Galhau cũng hứa rằng, Pháp sẽ nhanh chóng kiểm tra ứng dụng từ các tổ chức tài chính được cấp phép ở Anh để có thể thiết lập trụ sở ở Pháp.

Tuy nhiên, để trở thành “trái tim tài chính” của thế giới, Paris cũng đương đầu với nhiều hạn chế: mức thuế suất cao tới 75% áp dụng đối với thu nhập từ 1 triệu Euro/năm trở lên đã minh chứng cho tư tưởng “không ưa” giới nhà giàu của Tổng thống Francois Hollande; phí thuê nhân công lành nghề ở Pháp cũng cao hơn bất kỳ đâu ở châu Âu…; ngoài ra các thành phố khác như Frankfurt, nơi trụ sở Ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) tọa lạc, hay nơi có thuế suất hấp dẫn như Amsterdam và Luxembourg cũng là những ứng viên không hề kém cạnh cho ngôi vị này.

Mỹ Latinh sợ thua thiệt

Theo đánh giá của nhà phân tích Andres Oppenheimer trên tờ La Nacion, Chile, ảnh hưởng kinh tế, chính trị tiềm tàng từ Brexit có thể nguy hiểm hơn nhiều. Về hậu quả kinh tế, trước hết, Brexit làm giảm thương mại của châu Âu, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ đó kéo giá nguyên liệu của Mỹ Latinh xuống thấp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), nguyên liệu chiếm 97% xuất khẩu thương mại của Bolivia, 96% của Venezuela, 94% của Ecuador, 88% của Chile, 87% của Peru, 83% của Colombia, 69% của Argentina và 67% của Brazil. Mexico và Trung Mỹ ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu nguyên liệu so với các nước Nam Mỹ. Tiếp đến, Brexit ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Mỹ Latinh. Brexit tạo tâm lý lo lắng cho giới đầu tư. Và tại thời điểm không chắc chắn như vậy, các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào những thị trường mà họ cho là an toàn như Mỹ và tránh các thị trường mới nổi. Ngoài ra, đồng USD tăng giá khiến nợ của các quốc gia Mỹ Latinh tính bằng đồng USD cũng sẽ tăng cao hơn. Thứ ba, Brexit sẽ làm tổn hại các cuộc đàm phán về tự do thương mại của Nam Mỹ và châu Âu. Cụ thể, Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã nỗ lực nối lại đàm phán để đi đến một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với EU, nhưng tại thời điểm này, thật khó có thể đạt được trong bối cảnh EU còn đang bận chiến đấu vì sự tồn tại của mình.

Về chính trị, Brexit có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã và đang đạt được nhiều thành công trong cuộc chiến chống đói nghèo tại Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia còn lại tại châu Á, cũng như tại khu vực Mỹ Latinh trong ba thập niên qua. Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại đã kích hoạt cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Mỹ Latinh và châu Á - những khu vực phụ thuộc vào thương mại toàn cầu nhiều hơn so với Mỹ - sẽ bị thua thiệt nhiều nhất trong một cuộc suy thoái toàn cầu mới.

Việt Anh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục