Samsung chao đảo vì bê bối chính trường Hàn Quốc

Không vua, khó hoạt động
Samsung chao đảo vì bê bối chính trường Hàn Quốc

>> Tòa án từ chối phát lệnh bắt giữ lãnh đạo Samsung

Samsung, tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, chiếm gần 1/3 giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc và là nhà xuất khẩu lớn nhất nước, đang chao đảo trong vụ người thừa kế tập đoàn, Lee Jae-yong, là nghi phạm hối lộ, tham ô và khai man trước tòa trong vụ bê bối chính trường làm Tổng thống Park Geun-hye bị đình chỉ với cáo buộc để người bạn thân Choi Soon-sil ép buộc các tập đoàn hàng đầu tài trợ để đổi lấy ưu đãi chính trị.

Phó Chủ tịch của Samsung Electronics Lee Jae-yong, người bị cáo buộc hối lộ và tham ô

Không vua, khó hoạt động

Lee Jae-yong, 48 tuổi, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, bị cáo buộc hối lộ và tham ô liên quan 43 tỷ won (36,6 triệu USD) mà Samsung đóng góp cho các tổ chức liên quan Choi Soon-sil, đang bị giam, để đổi lại sự hỗ trợ của chính phủ trong việc sáp nhập gây tranh cãi 2 chi nhánh Samsung vào năm 2015 để tập trung quyền lực vào Lee.

Tập đoàn Samsung hiện có các hoạt động từ bảo hiểm nhân thọ và xây dựng khu đô thị đến dược phẩm sinh học và công viên giải trí. Lee Byung-Chull, ông nội của ông Lee, thành lập Samsung vào năm 1938 là một công ty thương mại bán nông sản sang Trung Quốc. Samsung bắt đầu làm TV và lò vi sóng trong những năm 1970, trước khi sang lĩnh vực bán dẫn và cuối cùng, điện thoại thông minh. Samsung Electronics, ngôi sao của Tập đoàn Samsung, có văn phòng tại 80 quốc gia và lực lượng lao động 325.000 người, tương đương General Electric và gấp 20 lần Facebook.

Từ năm 2014, ông Lee đã trở thành lãnh đạo thực tế của Samsung khi cha là Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, bị đau tim. Gia nhập Samsung Electronics vào năm 1991 nhưng ông Lee chỉ giữ chỗ trong hội đồng quản trị từ tháng 10-2016, một động thái nhằm khẳng định thêm sự kiểm soát trực tiếp. Trước đó, ông Lee kiểm soát công ty thông qua các kênh không chính thức, họp với các giám đốc hàng đầu và ra các quyết định chiến lược hoạt động.

Ông Lee đã tập trung vào việc giảm sự dàn trải của Samsung để tập trung vào thế mạnh cốt lõi. Ông đích thân tiến hành giao dịch bán các bộ phận của tập đoàn trong các lĩnh vực như quốc phòng và hóa chất. Ông thúc đẩy Samsung vào các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học và công nghiệp ô tô công nghệ cao, nổi bật với thỏa thuận 8 tỷ USD mua lại nhà cung cấp phụ tùng Harman International Industries trong tháng 11-2016.

Việc ông Lee có liên quan đến bê bối chính trường Hàn Quốc làm Samsung chao đảo vào lúc điện thoại thông minh đang giảm dần vai trò “con bò sữa” của công nghiệp công nghệ cao. Samsung Electronics vẫn đang xoay xở để hồi phục sau vụ 2,5 triệu máy điện thoại thông minh Galaxy Note 7 phải thu hồi trong tháng 10-2016. Mặt trận công nghiệp công nghệ cao và các trung tâm lợi nhuận đang dịch chuyển khi người tiêu dùng thế giới thay thế điện thoại thông minh thường xuyên, cùng một cuộc chiến mới đang âm ỉ trong hệ sinh thái kỹ thuật số kết nối nhà ở với xe hơi.

Trường hợp ông Lee bị bắt giữ, Samsung phải đối mặt tình trạng không có lãnh đạo, có thể đình hoãn các nỗ lực của ông đang sắp xếp lại đế chế kinh doanh. Mark Newman, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein nói về việc nếu ông Lee bị bắt giữ: “Công ty sẽ không đóng cửa vì ông Lee đi tù, chỉ là không có vua”.

Việc ông Lee vắng mặt có thể tạo một khoảng trống quản lý nghiêm trọng cho Tập đoàn Samsung và gây hậu quả lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc. Vụ bê bối có thể khiến ông Lee suy giảm uy tín trước khi bắt đầu chứng tỏ khả năng quản lý vào đúng thời điểm ông cần thay thế các nhà quản lý bảo thủ cũ bằng những người mới có thể giúp ông trong vai trò lãnh đạo.

Thách thức văn hóa kinh doanh

Việc một lãnh đạo kinh doanh tầm cỡ như ông Lee có thể bị bắt là một thách thức đáng kể cho các công ty gia đình lớn, vốn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. Trong lịch sử, nhiều người đứng đầu các công ty gia đình lớn đã được hưởng khoan dung từ hệ thống tư pháp, một phần do ảnh hưởng của họ với nền kinh tế, yếu tố mà các công tố viên phải cân nhắc mỗi khi xin lệnh bắt giữ.

Việc kết tội các lãnh đạo tập đoàn công nghiệp tương đối phổ biến trong những năm gần đây, nhưng nhờ án treo và ân xá của tổng thống nên nhiều ông trùm đã không phải ngồi sau song sắt. Ông Lee không phải là lãnh đạo đầu tiên và có thể không phải người cuối cùng đối mặt cáo buộc. Cha ông, Lee Kun-hee, từng bị kết án 2 lần, 2 năm tù vào năm 1996 vì tội hối lộ tổng thống và 3 năm tù vào năm 2008 vì tội tham ô và trốn thuế, nhưng cả hai lần đều được hưởng án treo, năm 2008 ông được lệnh nộp 110 tỷ won (93 triệu USD) thay thế, sau đó được tổng thống ân xá.

Các lãnh đạo Hyundai Motors, SK và Hanwha cũng bị kết án hình sự trong những năm qua nhưng đều tránh được án tù dài, chỉ nhận án treo và nộp tiền phạt lớn thay thế. Năm 2012, một tòa án Hàn Quốc phạt tù Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn vì tội tham ô, phán quyết vào thời điểm đó được ca ngợi là phá vỡ mô hình đối xử khoan dung với những ông chủ bị kết án. Nhưng Kim chỉ ngồi tù vài tháng, sau khi tòa đảo ngược phán quyết. Kim vẫn là Chủ tịch Hanwha và hiện được xếp là người giàu thứ 47 tại Hàn Quốc, theo Forbes.

Hay như Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, điều hành công ty từ trong tù, bị kết tội tham ô vào năm 2013 và đã ngồi tù 2 năm, một trong những ông chủ thụ án dài nhất. Từ sau song sắt, với hơn 1.700 khách vào thăm, Chey vẫn điều hành đế chế SK, theo The Wall Street Journal. Cuối cùng, Chey được ân xá vào năm 2015 và phục hồi chức Chủ tịch SK vào tháng 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, không như các trường hợp trong quá khứ, quy mô vụ bê bối chính trị hiện nay với các cuộc biểu tình rộng lớn và Quốc hội bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye đã nhấn chìm Samsung và các chaebol khác trong bối cảnh sự phản đối các chaebol ngày càng tăng ở Hàn Quốc. Vào cuối năm nay, Quốc hội Hàn Quốc có kế hoạch xem xét cải cách chaebol với những đề xuất gồm cung cấp cho các cổ đông thiếu tiếng nói lớn hơn trong việc xác định các vị trí trong hội đồng quản trị công ty và buộc các chaebol cổ phần hóa để minh bạch hơn.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục