Hướng đến chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu

Liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Việc hình thành liên kết theo chuỗi là biện pháp tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Việc hình thành liên kết theo chuỗi là biện pháp tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Một chuỗi cung ứng thực phẩm về cơ bản bao gồm các khâu: sản xuất (gồm giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi...); chế biến; phân phối (bán buôn, bán lẻ). Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khiến việc liên kết chuỗi còn hạn chế, ngoài yếu tố sản xuất manh mún, thì chúng ta vẫn chưa xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên. Cho đến nay, chúng ta chưa có được một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết trong cung ứng, nhất là thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất. Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi heo, hiện chỉ có khoảng 20% tổng lượng đàn heo được chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, 85% còn lại được chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung. Thực trạng trên dẫn đến ngành chăn nuôi của VN chưa thực hiện được truy xuất nguồn gốc, thực hiện quy trình không nhất quán, chất lượng di truyền rất khác biệt nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi không đồng đều… Đây là những tồn tại cần sớm được khắc phục mới từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực phẩm sạch, an toàn từ “trang trại đến bàn ăn”.

Một vấn đề khác cũng được nhiều DN quan tâm, đó là hiện chúng ta mới chỉ đặt vấn đề liên kết ở phần ngọn, nhưng mấu chốt của việc phát triển theo chuỗi ở phần gốc (gồm chính sách đất đai, giống, thức ăn…) lại ít được quan tâm, cái khó vẫn chưa gỡ thì làm sao phát triển được theo chuỗi?

Từ thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, cần xác định đầy đủ và quan trọng hơn là hài hòa được lợi ích của tất cả các bên liên quan trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm. Đây là vấn đề mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản trong điều kiện hiện tại, trong đó cần chú ý đến vai trò của người thu gom nguyên liệu và nhà khoa học. Nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là nhận thức của người nông dân sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm hướng đến sự phát triển bền vững. Điều quan trọng là nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng, trong đó cần có một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất. Từ chiến lược này, xây dựng một chính sách đầy đủ, đồng bộ và khả thi gồm các vấn đề như đất đai, quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, khuyến nông, ưu đãi đầu tư, vốn… cũng như những biện pháp đảm bảo hạn chế được sự đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký kết. Có như vậy những mô hình liên kết cung ứng mới có thể bền vững và thoát ra khỏi tình trạng là những “mô hình thí điểm” như hiện nay.

KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục