Thực hiện chương trình cải cách hành chính và chống quan liêu giai đoạn 2006-2010, TPHCM đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các dịch vụ hành chính phục vụ các tổ chức và công dân. Theo đó, đến hết năm 2010, chương trình hành chính điện tử sẽ được phủ kín tại hầu hết hoạt động quản lý hành chính ở 3 cấp chính quyền của TP. Đây là bước tiến quan trọng để TP thực hiện nền hành chính theo hướng hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trong tất cả các thủ tục hành chính (TTHC).
Đơn giản hóa TTHC
Trước yêu cầu của UBND TPHCM về rà soát, đơn giản hóa TTHC để đạt được mục tiêu loại bỏ, giảm bớt hoặc điều chỉnh những TTHC cho phù hợp với thực tế (theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ), Sở Nội vụ đã triển khai thực hiện công nghệ thông tin tại hầu hết các sở ban ngành và quận huyện. TTHC trên từng lĩnh vực được công khai, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin trên các trang web và tại nơi tiếp nhận hồ sơ để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN). Đồng thời, cài đặt cơ sở dữ liệu, tổ chức biên mục và đưa toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND TP ban hành từ năm 1975 (4.480 văn bản) vào trang web “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật TPHCM”.
Tin học hóa TTHC bước đầu cho thấy đã tạo bước chuyển tích cực trong mối quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính với người dân và DN. Việc tin học hóa cũng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và rút ngắn thời gian giải quyết nhiều loại TTHC xuống còn một nửa.
Một bước tiến quan trọng khác trong công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC mà quá trình ứng dụng công nghệ thông tin mang lại, đó là việc thí điểm xây dựng kết nối hệ thống thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý Nhà nước tại một số sở ngành và quận huyện. Thông qua mạng truyền dẫn tốc độ cao, hệ thống GIS đã cung cấp nhiều dịch vụ hành chính cho người dân và DN, cũng như nâng cao khả năng quản lý Nhà nước trong xử lý thông tin nhanh, chính xác và kịp thời.
Điều này được thấy rõ nhất trong các phần mềm ứng dụng phục vụ cấp phép xây dựng nhà ở, quản lý đất đai, quản lý kinh tế, văn hóa, lao động, chứng thực tư pháp… Hiện có 6 quận huyện thực hiện thí điểm kết nối liên thông các hệ thống quản lý cấp phép qua hệ thống mạng băng thông rộng MetroNet của TP. Ngoài ra, tại 34 cơ quan, đơn vị của TP và 23 quận huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin vận hành hệ thống tại đơn vị. Việc ứng dụng thí điểm này đã góp phần đơn giản hóa nhiều loại TTHC và nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC, giảm thời gian cho người dân và DN, qua đó làm lợi hàng chục tỷ đồng.
Phát triển hệ thống “Một cửa điện tử”
Từ tháng 6-2007, hệ thống “Một cửa điện tử” của TP chính thức đi vào hoạt động qua 17 phần mềm kết nối tự động và cung cấp thông tin trong việc công khai quá trình xử lý hồ sơ. Từ một vài đơn vị ứng dụng công nghệ này trong giải quyết TTHC, đến nay toàn TP đã có 4 sở ngành và 19/24 quận huyện đã thực hiện “Một cửa điện tử” cung cấp thông tin về tình trạng hồ sơ hành chính cho người dân và DN.
Thông qua phương thức truyền dữ liệu qua VNP internet, nhiều quận huyện đã ứng dụng 4 phần mềm xây dựng môi trường làm việc điện tử, 5 phần mềm dịch vụ công, 8 phần mềm về quản lý đất đai, xây dựng. Tại một số phường xã còn được triển khai 23 phần mềm quản lý và 10 dịch vụ công phục vụ công tác quản lý chuyên môn. Để tiếp nhận và nghiên cứu, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân và DN, đồng thời đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan hành chính công khai cung cấp địa chỉ thư tín, số điện thoại, website, email…
Qua đó, đã có hàng ngàn lượt ý kiến của người dân và DN tham gia bằng những bài viết, hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp đơn giản hóa TTHC cho sát với thực tế.
Có thể nói, việc triển khai hệ thống “Một cửa điện tử” tại TPHCM trong những năm qua khẳng định bước đi đúng đắn trong tiến trình xây dựng nền hành chính hiện đại, đáp ứng với yêu cầu hội nhập hiện nay. Chính vì vậy, trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục phát triển hệ thống “Một cửa điện tử” qua việc ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin vào hệ thống chính quyền từ phường-xã-thị trấn, các quận huyện, đến các sở, ban ngành nhằm phục vụ và giải quyết các công việc liên quan đến quyền và lợi ích của người dân và DN được tốt hơn.
Lê Hoài Trung
(Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM)