Khoa học dịch vụ là một khái niệm nghe khá mới lạ nhưng thực tế đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới và đang trở thành một xu thế. Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển Khoa học dịch vụ tại Việt Nam và TPHCM” do Sở KH-CN TPHCM vừa tổ chức, một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải ra đời ngành khoa học dịch vụ.
Ưu tiên phát triển các ngành khoa học dịch vụ
Theo PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khoa học dịch vụ là một ngành khoa học tổng hợp, nếu ưu tiên phát triển nó sẽ đóng góp doanh thu không nhỏ cho các ngành khoa học ở TP. Dẫn chứng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật và các nước thuộc EU, tỷ lệ đóng góp cho GDP của ngành dịch vụ hơn 70%. Nhưng ở nước ta, đóng góp của ngành dịch vụ chưa nhiều – khoảng 38%, ở TPHCM là hơn 57%. Trong đó, giá trị gia tăng từ khoa học cho ngành dịch vụ phát triển với chất lượng tốt hơn là khá lớn. Ví dụ, ở Mỹ làm thủ tục thuê xe hơi khi xuống sân bay chỉ mất một phút, tương tự nếu áp dụng khoa học và công nghệ thông tin thì việc đăng ký vào – rời khách sạn cũng mất rất ít thời gian. Đó là lý do TPHCM sẽ ưu tiên phát triển các ngành khoa học dịch vụ (còn gọi là nền kinh tế tri thức) để phù hợp xu hướng phát triển hiện nay.
Mục tiêu của TPHCM là sẽ có khoảng 400 người được đào tạo tốt nghiệp ngành khoa học dịch vụ trong vòng 5 năm tới. Năm 2011, TP tham gia hiệp hội khoa học dịch vụ thế giới. Bước đầu tiên sẽ triển khai cho ngành du lịch, nhưng điều quan trọng và cần làm đầu tiên là đào tạo nhân lực cho ngành này. Để đạt được mục tiêu này, hiện Sở KH-CN đang kết hợp với IBM đưa khoa học dịch vụ vào một số trường đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa… Theo đó, các trường đại học sẽ cung cấp những khóa học về khoa học dịch vụ để đào tạo những người có thể thích ứng nhanh các ngành dịch vụ hiện có và các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cũng sẽ được hỗ trợ tư vấn, đào tạo…
Bước tiến dài
|
Trong những năm qua và định hướng của giai đoạn tới, cơ cấu kinh tế của TPHCM đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ. Đến năm 2010, lĩnh vực dịch vụ đã đóng góp 55,5% GDP của TP và tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm. Điều này khẳng định tầm quan trọng của dịch vụ trong sự phát triển của TP nói riêng và cả nước nói chung.
Chính vì thế các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, khoa học dịch vụ sẽ là ngành sẽ chiếm ưu thế trong những thập kỷ tới khi kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức. Ngành khoa học dịch vụ không những góp phần nâng cao năng suất và chất lượng các hệ thống cung cấp dịch vụ hiện nay mà còn là cách để sáng tạo những loại hình dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam nói chung và đặc biệt là TPHCM.
Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng cho rằng TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại và thị trường rộng lớn nên có nhiều thuận lợi cho việc hình thành và phát triển khoa học dịch vụ.
BÁ TÂN