Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Hơn 1.000 đại biểu và 40 tập đoàn đến từ gần 100 quốc gia trên thế giới vừa tham gia hội nghị tại TP Bangkok (Thái Lan) để bàn giải pháp phát triển bền vững, giảm thiểu phát sinh chất thải, nhất là chất thải nhựa.
Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn
Tại hội nghị, đại diện tổ chức Liên hiệp quốc cho biết, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Điều này vượt ngoài khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khu vực có nhu cầu gia tăng nguồn tài nguyên cho hoạt động phát triển kinh tế là châu Á, bởi các nước khu vực này đang trong giai đoạn phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, để giảm thiểu những tác động từ hoạt động phát triển kinh tế lên môi trường, cần đẩy mạnh giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trường hợp sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì phải tiết kiệm và hợp lý. Đặc biệt, lãnh đạo các tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng hoạt động kinh tế toàn cầu đã liên kết để cùng xây dựng định hướng quy trình sản xuất tuần hoàn khép kín, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường và không phát thải. 
Bảo vệ môi trường thông qua thực hiện nền kinh tế tuần hoàn là rất cấp thiết. Đây là ý tưởng sáng tạo để giữ cho sự phát triển ổn định trong tương lai. Hội nghị mang đến cái nhìn rõ nét hơn về nền kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng cho những thay đổi mang tính bền vững trong các mô hình sản xuất của doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng của người dân. Với sự hợp tác của tất cả các bên, Thái Lan và khu vực ASEAN sẽ cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trước đó, tại cuộc họp của Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cũng đã cam kết giảm tiêu thụ nhựa tại Việt Nam; thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực biển Đông Á, kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu và khu vực chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Tin cùng chuyên mục