Ngày 6-10 vừa qua, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam gồm 8 kiếm sĩ đã sang thành phố Catania (Ý) tham dự giải vô địch thế giới 2011. Đây là một trong những bước chuẩn bị nước rút trước khi môn thể thao Olympic này sắp bước vào đấu trường SEA Games 26.
Chuẩn bị cho những giải đấu lớn năm nay, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã tập huấn từ đầu tháng 4-2011 tại Hà Nội và TPHCM với 24 kiếm sĩ. Ban huấn luyện cũng tăng cường thêm chuyên gia người Nga Sergei Dvorni. Từ nguồn kinh phí của Sở VH, TT, DL địa phương, một số tuyển thủ đã đi tập huấn ngắn hạn như nước ngoài - Hà Nội sang Trung Quốc và TPHCM sang Hàn Quốc. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã cử 10 tuyển thủ tham dự giải vô địch châu Á tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc). Tuy nhiên, đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ nên thành tích còn khiêm tốn: Nguyễn Tiến Nhật (hạng 14 cá nhân kiếm 3 cạnh), Nguyễn Thị Như Hoa (hạng 11 cá nhân kiếm 3 cạnh), Nguyễn Thị Lệ Dung (hạng 16 cá nhân kiếm chém nữ), hạng 5 đồng đội kiếm liễu, hạng 11 đồng đội nữ kiếm chém, hạng 13 đồng đội nữ kiếm 3 cạnh.
Phong trào đấu kiếm xuất hiện ở nước ta vào đầu thế kỷ 20. Sau khi thống nhất đất nước, Hà Nội đi tiên phong từ đầu thập niên 1980 nhưng rồi dần dần tan rã vì “tập chay”… Dù vậy, năm 1990, Việt Nam cũng có 3 kiếm sĩ tham dự Asian Games Bắc Kinh nhưng kết quả không cao. Mãi đến năm 2001, môn đấu kiếm mới được Sở TDTT Hà Nội khôi phục để chuẩn bị cho SEA Games 22, trong lúc Sở TDTT TPHCM khởi động lại môn này từ đầu năm 2004.
Hiện nay, bên cạnh 2 đơn vị trên chỉ có thêm Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và Bình Phước, bởi lẽ đây là môn thể thao khá tốn kém tiền bạc. Các dụng cụ tập luyện phải mua từ châu Âu với giá cao trong lúc thu nhập bình quân của người dân nhìn chung còn thấp. Mặt khác, y phục tập luyện dày cộm không phù hợp với thời tiết nóng nực ở Việt Nam bởi lẽ không phải nơi nào cũng trang bị được phòng tập gắn máy lạnh. Và cũng từ yếu tố thời tiết khiến các dụng cụ tập luyện mau hỏng.
Tập luyện đấu kiếm rất vất vả và không chỉ đòi hỏi người kiếm sĩ nhanh nhẹn, thông minh, chịu khó mà còn cần phải có thể hình. Yếu tố sau cùng cũng là nguyên nhân hạn chế của đấu kiếm Việt Nam vì không phải lúc nào cũng tìm được những VĐV có thể hình tốt như: Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến của TPHCM, v.v.
Mặt khác, do kinh phí có hạn nên đấu kiếm Việt Nam chỉ tham dự vài sân chơi quốc tế trong tổng số vài chục giải đấu diễn ra hằng năm khiến các kiếm sĩ không có nhiều cơ hội cọ xát, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Trong thời gian qua, đấu kiếm Việt Nam đang thay đổi lực lượng - một số gương mặt kỳ cựu đã nghỉ thi đấu, chuyển sang công tác huấn luyện hoặc hạn chế về tuổi tác v.v. Tại giải vô địch quốc gia hồi tháng 8-2011 vừa qua, tuy Bộ môn và Ban huấn luyện cũng phát hiện một số nhân tố mới như Lý Kiều Diễm (Bình Phước, kiếm liễu nữ), Nguyễn Phước Đến (TPHCM, kiếm 3 cạnh)… nhưng nhìn chung lực lượng kế cận vẫn còn thiếu và chưa đủ sức thay thế các bậc đàn, anh đàn chị từng chinh phục 3 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ ở SEA Games 24.
Môn đấu kiếm ở SEA Games 26 diễn ra từ ngày 13 đến 18-11. Tại đây, đấu kiếm Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trước các đối thủ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia. Đội tuyển Việt Nam dự kiến cử 24 kiếm sĩ sẽ tham dự đủ 12 nội dung và đặt chỉ tiêu giành được 2 HCV (hy vọng nhiều ở nội dung đồng đội nữ), nằm trong 3 đội đầu bảng sau Thái Lan, Philippines. “Đây là chỉ tiêu vừa sức bởi từ SEA Games 22 đến nay, đấu kiếm nước ta đều đứng ở vị trí thứ ba”, ông Phùng Lê Quang - Trưởng Bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) lý giải.
TRÚC QUỲNH