Diễn ra từ cuối tuần qua, hành trình đến châu Âu của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe tới 4 quốc gia: Đức, Pháp, Bỉ và Italia có sứ mệnh xúc tiến việc ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.
Phát biểu trước chuyến công du, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh việc muốn trao đổi quan điểm cởi mở hơn với các lãnh đạo thuộc G7. Để trả lời cho câu hỏi về việc liệu kế hoạch của ông Shinzo Abe có thành công hay không thì vẫn còn quá sớm nhưng những tín hiệu khả quan cũng đã xuất hiện.
Ở chặng dừng chân đầu tiên tại Đức, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Merkel đã cho thấy sự đồng lòng trong vấn đề mở cửa thị trường thương mại - điều mà cả hai quốc gia hàng đầu châu Á và châu Âu đang hướng tới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa đến các thỏa thuận thương mại tự do. Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mất đi một số đòn bẩy kinh tế, đặc biệt là tự do hóa kinh tế, mục tiêu thứ ba của chương trình cải cách Abenomics. Chính vì thế, việc thúc đẩy các thỏa thuận tự do thương mại với EU, nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản. Về quan hệ hợp tác kinh tế, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản, sau Trung Quốc và Mỹ. Có nhận định cho rằng, Nhật Bản hy vọng Hiệp định thương mại tự do với EU góp phần bù đắp phần nào những thua thiệt do việc không ký kết được TPP gây ra. Về phía EU, Brexit và chính quyền của ông Trump với khẩu hiệu nước Mỹ là số một trong các chính sách kinh tế khiến các nước EU phải đặt việc ký kết các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác nhau trên toàn cầu càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và EU đã bắt đầu từ đầu năm 2013 song đang bị kéo dài.
Lẽ dĩ nhiên là để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do thì cả EU và Nhật sẽ còn rất nhiều việc phải cùng bàn bạc. Từ năm 2013 cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa hai bên về thuế đối với nông sản, thực phẩm chế biến và ô tô gặp vẫn nhiều khó khăn. Phía Nhật Bản đang tìm cách dỡ bỏ các loại thuế mà EU áp đặt lên ô tô và các thiết bị điện tử, trong khi EU muốn Nhật Bản loại bỏ hoặc giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp như phô mai, rượu và thịt heo… Theo Politico, liên quan đến thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản với EU, Chính phủ Đức đã nhận được một số ủng hộ của các nhà sản xuất ô tô - một trong những nhóm sản xuất quyền lực nhất và có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sản xuất ở nước này. Nếu việc áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ Nhật được nới lỏng thì cả hai sẽ tiến gần hơn đến một thỏa thuận thương mại. Việc đàm phán có lẽ chỉ còn trông chờ vào việc Nhật hoàn thiện việc cải cách sản xuất nông nghiệp để mở cửa rộng hơn cho các sản phẩm thực phẩm đến từ EU.
Chuyến công du của Thủ tướng Abe đang diễn ra ở các quốc gia còn lại. Với những cam kết sẽ sớm đưa thỏa thuận thương mại hoàn thành trong năm 2017, cả EU và Nhật đều đã nhận ra rằng, một thỏa thuận là cần thiết để siết chặt mối quan hệ đối tác song phương.
THANH HẰNG