Khi mùa hè sắp kết thúc thì cũng là lúc nhiều nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, những nước đang chịu ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, nhận ra rằng ngành du lịch đang là “gói cứu trợ tài chính thay thế” hiệu quả nhất trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.
Những bất ổn chính trị ở Ai Cập và vùng Địa Trung Hải đang đẩy dòng khách du lịch tìm kiếm “mặt trời, cát và văn hóa” đổ dồn về các bờ biển phía Nam châu Âu. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới LHQ, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Nam Âu trong nửa đầu năm nay đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình biến động chính trị từ hiệu ứng của mùa xuân Ảrập năm 2011 đã làm cho bờ biển phía Bắc của Địa Trung Hải trở nên hấp dẫn hơn. Tây Ban Nha có lẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình bất ổn trong thế giới Ảrập. Tỷ lệ đặt phòng của khách sạn nổi tiếng Tryp Port Cambrils gần biển gồm 156 buồng đã lên tới trên 90% trong mùa hè. Hiệp hội các doanh nhân ở quần đảo Canary dự đoán đến trước cuối năm nay, vùng này sẽ đón thêm 250.000 người đã lên kế hoạch tránh mùa Đông châu Âu ở Ai Cập nhưng giờ có kế hoạch đi nghỉ ở nơi khác để né khu vực này.
Chỉ trong 7 tháng đầu, du khách đến xứ sở bò tót đã chi 42 tỷ USD, tăng 6% từ năm 2012. Mặc dù chi tiêu của du khách chỉ là một phần rất nhỏ trong nền kinh tế 1,3 ngàn tỷ USD của Tây Ban Nha, nhưng lại là một điểm sáng tài chính của một quốc gia đang trong tình trạng suy thoái từ nhiều năm nay. Nhiều chuyên gia phân tích hy vọng rằng số du khách nước ngoài thăm Tây Ban Nha trong năm 2013 lần đầu tiên sẽ vượt còn số 60 triệu khách, phá kỷ lục của năm 2007 là 59,2 triệu khách. Chính phủ cũng đã không ngần ngại đầu tư vào nhiều dự án du lịch như dự án nạo vét cảng sông Seville, nơi Christopher Columbus bắt đầu cuộc hành trình nổi tiếng của mình. Trong 7 tháng đầu năm nay, gần 10.000 lượt du khách đến và đi khỏi Tây Ban Nha từ cảng này.
Trong bản báo cáo trình Quốc hội vào tuần rồi, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết mục tiêu của Athens là sẽ nâng được GDP trong năm nay, phần lớn nhờ vào ngành du lịch chiếm 15% nền kinh tế 251 tỷ USD của nước này. Số du khách đến Hy Lạp ước tính đang từ 15,5 triệu khách trong năm ngoái lên 17 triệu khách trong năm nay. Ngân hàng Hy Lạp cho biết doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này đã tăng 18% trong nửa năm đầu lên đến 4,4 tỷ USD. Trong khi đó tại Bồ Đào Nha, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài trong nửa đầu năm nay đã lên tới 3,7 tỷ EUR (4,9 tỷ USD), tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá khách sạn và các dịch vụ khác giảm.
Nếu như trong thập kỷ trước, sự ổn định tương đối đã giúp Ai Cập và các nước Bắc Phi có sức hấp dẫn cạnh tranh du lịch thì nay sự bất ổn của các nước này đã và sẽ giúp các nước khu vực Nam châu Âu lấy lại khả năng cạnh tranh quốc tế. Trong bối cảnh “ngư ông đắc lợi”, các nước Nam Âu đang nuôi hy vọng dòng tiền của khách du lịch tìm kiếm ánh nắng mặt trời sẽ tiếp tục đổ vào các nước Đông Âu, thậm chí cả khi mùa hè đã kết thúc.
HẠNH CHI