Hướng tới mô hình chính quyền đô thị

Chúng ta đang quản lý đô thị và nông thôn theo một mô hình như nhau. Đối với TPHCM - một đô thị loại đặc biệt thì như đang mặc chiếc áo đã quá chật. Thành phố đã có nghiên cứu, đề xuất đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào năm 2007, và lần này sẽ có báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về vấn đề này.

Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Đô thị khác với nông thôn vì tính tập trung cao về dân cư, đầu mối giao thông, hành chính, dịch vụ…; có tính đồng bộ, thống nhất và liên thông về cơ sở hạ tầng. Không thể cắt khúc quản lý theo địa giới hành chính. Cần có mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm và tính chất của đô thị, trong đó cần có tổ chức bộ máy, cơ chế, phương thức vận hành với thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng. Một đô thị như TPHCM thường có sức thu hút, kết nối và lan tỏa lớn.

Theo đề xuất của thành phố, TPHCM sẽ có hai cấp chính quyền hoàn chỉnh (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) ở cấp thành phố và cấp thành phố trực thuộc. Thành phố trực thuộc bao gồm địa bàn đã đô thị hóa và đang đô thị hóa. Thành phố sẽ còn một số huyện trực thuộc.

Thành phố đề nghị đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban hành chính. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính sẽ được sắp xếp thành hai khối, khối có chức năng tham mưu, khối quản lý nhà nước trên địa bàn theo ngành một cách thực quyền, khắc phục kiểu quản lý phân tán, cắt khúc theo địa giới hành chính - nhiều cơ quan quản lý nhưng không rõ trách nhiệm, dồn việc quyết định xử lý vào Ủy ban nhân dân.

Khi được thực hiện chính quyền đô thị, có một câu hỏi đặt ra: Đâu là những lợi ích cụ thể sẽ mang lại cho người dân? Câu trả lời ngắn gọn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bộ máy tinh gọn, chế độ trách nhiệm rõ ràng, khắc phục được sự chồng chéo, cắt khúc, giải quyết công việc nhanh, vấn đề gì cũng có địa chỉ.

Để đề án được triển khai, vấn đề có tính nền tảng là cần có khung pháp lý quy định rõ những vấn đề chung và quy chế tổ chức hoạt động của bộ máy. Cần có sự phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm huy động nguồn lực cho phát triển. Cần có đội ngũ cán bộ đáp ứng, với phẩm chất, năng lực phù hợp, mỗi việc đều có người chịu trách nhiệm… Có nghĩa là cán bộ công chức phải được đào tạo theo chức danh. Và cũng cần có chính sách, có thu nhập phù hợp.

Một chính quyền đô thị được tổ chức theo yêu cầu khách quan, có đủ thẩm quyền quyết định chủ trương, giải pháp với hiệu quả cao vì lợi ích nhân dân, sẽ phục vụ dân tốt hơn. Không chỉ dân thành phố hưởng lợi từ nền hành chính hiệu quả mà còn góp phần cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Mô hình chính quyền đô thị - đang đặt ra như một yêu cầu bức thiết, một sự đòi hỏi của thực tiễn cần được xem xét khẩn trương và thấu đáo.

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục