Dự kiến ngày 15-4, TPHCM sẽ tổ chức Ngày hội tái chế chất thải lần 5 tại Cung Văn hóa Lao động. Tại sao lại có ngày hội tái chế chất thải?
Nguồn tài nguyên trong rác
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) TPHCM, rác của các gia đình trên địa bàn TP đều là những thứ còn dùng được nếu biết tái chế và tái sử dụng. Nhiều nhất là rác thực phẩm các loại, chiếm từ 61%-95%/tổng lượng rác. Loại rác này có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân compost. Rác túi nylon chiếm 0,5%-13% có thể tái chế lại thành nylon mới. Rác nhựa chiếm 0,5%-10% có thể làm thành nhựa tái sinh. Rác giấy chiếm 0,7%-14,2% hay rác thủy tinh chiếm 1,7%-4%, rác vải chiếm 0%-5,1%, vỏ lon đồ hộp chiếm 0,98%-2,3%... hoàn toàn có thể tái chế được thành các sản phẩm tương ứng.
Rác trong các trường học, công sở, thậm chí còn có giá trị tái chế cao hơn vì rác nylon trong nhóm này chiếm tới 8,5%-34,4%, rác nhựa chiếm 3,5%-18,9%, rác giấy chiếm 1,5%-27,5% đều là loại rác có giá trị tái chế cao hơn so với nhiều loại rác khác. Rác trong khối nhà hàng, khách sạn chủ yếu là rác thực phẩm. Như đã nói ở trên, đây là nguồn nguyên liệu để làm phân compost - có thể thay thế rất tốt cho một số loại phân hóa học hiện nay.
Trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra 6.500 - 7.000 tấn rác thải sinh hoạt và mỗi năm tăng bình quân thêm 7%-8%. Như vậy, có thể nói đây là nguồn tài nguyên khổng lồ để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm có ích cho xã hội. Nguồn tài nguyên ấy lại vô tận vì nó chỉ thật sự chấm dứt khi con người chấm dứt mọi sinh hoạt.
Chỉ có một vấn đề, rác thải sinh hoạt của TPHCM do chưa được phân loại nên đa phần đều bị ẩm ướt, vì thế việc tái chế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc ấy có thể khắc phục nếu TP triển khai thành công chương trình phân loại rác từ nguồn.
Hàng tỷ đồng và hơn thế nữa
Như Báo SGGP đã có bài viết cách nay hơn 3 tháng, ngay trong những năm khủng hoảng kinh tế, hoạt động tái chế ở Mỹ đã giải quyết việc làm cho khoảng 460.000 người lao động và mang về một khoản lợi nhuận 90 tỷ USD/năm.
Tại TPHCM, hoạt động tái chế cũng đã có từ lâu, nhưng tiếc là chưa mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ như Mỹ. Phần lớn cơ sở tái chế ở TPHCM đều nhỏ và lạc hậu nên không những giá trị tái chế đem về nhỏ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn của Sở TN-MT cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 200 cơ sở tái chế.
Điều đáng nói: hơn 80%/số nhân công làm công tác tái chế có trình độ thấp, do vậy rất khó áp dụng các công nghệ cao vào hoạt động tái chế. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp xử lý, tái chế chất thải lớn đăng ký hoạt động tại TPHCM như Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar… Tuy nhiên vướng mắc là ngoài rác thực phẩm, hầu như họ chưa thu gom được các loại rác có giá trị tái chế cao như giấy, nhựa, kim loại…
Theo thói quen, đa phần người đi thu gom các loại chất thải ấy đều đem bán lại các vựa thu mua ve chai và các vựa này đem bán cho các cơ sở tái chế nhỏ lẻ.
Tiến sĩ Lê Văn Khoa, nguyên Giám đốc Quỹ tái chế TPHCM, hiện là giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM luôn mơ ước về một “xã hội tuần hoàn vật chất” mà trong đó hầu hết các sản phẩm đều được tái chế và tái sử dụng lại nhằm bảo vệ môi trường và gìn giữ, để dành tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành một bộ luật về tái chế với những quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm thu gom và tái chế, tái sử dụng chất thải cho từng đơn vị.
Tại Việt Nam nói chung và TPHCM cơ bản cũng đã hiểu được lợi ích của việc tái chế chất thải. Việc công nhận và tạo điều kiện Quỹ tái chế TPHCM tổ chức ngày hội tái chế định kỳ hàng năm là một bằng chứng cho thấy TP đã đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác tái chế.
Tuy nhiên việc tái chế, tái sử dụng tại TPHCM từ nhận thức đến hành động còn một khoảng cách khá xa. Để xây dựng được “một xã hội tuần hoàn vật chất”, đòi hỏi TPHCM phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa. Trước hết là cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động này, tiếp theo là chấn chỉnh hoạt động tái chế còn nhỏ lẻ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…
Tóm lại phải bằng những hành động thực tế trong đời sống, trong sản xuất kinh doanh… TPHCM mới có thể xây dựng được “một xã hội tuần hoàn vật chất” như mong muốn. Ngày hội tái chế mới là điểm khởi đầu cần thiết để tuyên truyền người dân và doanh nghiệp hiểu về những lợi ích của việc tái chế mà thôi.
AN NHIÊN