Hướng tới nền kiến trúc hiện đại

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Kiến trúc. Trên tinh thần ấy, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã có buổi tọa đàm góp ý cho luật này.

 

Căn cứ vào dự thảo và những góp ý của các kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư TPHCM, kỳ vọng Luật Kiến trúc sẽ giúp nền kiến trúc Việt Nam phát triển, hiện đại song vẫn giữ gìn và phát huy được những giá trị của kiến trúc truyền thống…

Nhà hát Thành phố, công trình kiến trúc cổ và cao ốc hiện đại bên cạnh         
Ảnh: CAO THĂNG
 Phát triển phù hợp với từng giai đoạn


Theo dự thảo Luật Kiến trúc, định hướng chung là phát triển nền kiến trúc quốc gia phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị kiến trúc truyền thống. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược phát triển kiến trúc quốc gia để định hướng phát triển kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm sau. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược phát triển kiến trúc quốc gia.

Trong đó, kiến trúc đô thị đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Không gian, kiến trúc, cảnh quan phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa, đặc thù địa phương và yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Không xâm hại cảnh quan thiên nhiên; cảnh quan các di tích, di sản; duy trì, bảo vệ, tôn tạo thường xuyên hệ thống cây xanh, mặt nước. Kiến trúc công trình công cộng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng dễ dàng, đảm bảo tính thích dụng. Kiến trúc công trình công cộng cập nhật, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới.

Công trình xây dựng mới xen cài trong khu vực đô thị được xác định là khu phố cổ, có giá trị kiến trúc cảnh quan nhưng chưa được công nhận là di sản, thì phải lấy ý kiến chuyên gia về văn hóa, kiến trúc và cộng đồng trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc. Chính quyền địa phương ở đô thị hàng năm rà soát, xây dựng danh mục các công trình kiến trúc và không gian kiến trúc trong đô thị cần bảo vệ, phát huy giá trị, bổ sung đưa vào kế hoạch chỉnh trang đô thị. Các công trình đã được xếp hạng di tích, di sản, danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, việc tôn tạo, tu bổ cần được bảo vệ, quản lý theo pháp luật về di sản văn hóa và các quy định liên quan khác.  

Trường hợp khu phố cổ chưa được công nhận di sản, việc xem xét xây dựng mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến của chuyên gia, cấp có thẩm quyền về văn hóa - thể thao - du lịch và ý kiến cộng đồng.

Riêng nội dung này, Hội Kiến trúc sư TPHCM đề xuất thêm: Để công trình kiến trúc đô thị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa quốc gia hoặc của địa phương, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tượng đài danh nhân, những biểu tượng văn hóa đô thị phải có quy định quản lý riêng và là một nội dung quy định trong Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Các công trình văn hóa nghệ thuật trong không gian đô thị phải được thiết kế trên cơ sở xem xét các yếu tố về cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng.

Các công trình tiện ích trong không gian đô thị phải thiết kế đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ, yêu cầu về công năng sử dụng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông. Hệ thống biển báo, biển quảng cáo, chiếu sáng phải được thiết kế đồng bộ, phù hợp kiến trúc chung trong không gian đô thị. Công trình kiến trúc phục vụ giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ trong không gian đô thị.

Việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan đã được chính quyền xác định quản lý không được làm thay đổi địa hình để bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên. Việc xây dựng mới, sửa chữa, phá dỡ các công trình hệ thống kỹ thuật hạ tầng phải có rào chắn đảm bảo an toàn và thẩm mỹ để không phá vỡ cảnh quan kiến trúc khu vực.

Đối với kiến trúc công cộng cho cộng đồng dân cư nông thôn, phải khai thác tối đa cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố tạo nên bản sắc địa phương và tính đặc trưng của khu vực; tạo lập các không gian kiến trúc dễ tiếp cận, an toàn. Hội Kiến trúc sư TPHCM đề nghị thêm, thiết kế kiến trúc xây dựng ở nông thôn phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình và kỹ thuật xây dựng mới; khuyến khích kế thừa kiến trúc truyền thống địa phương; nhà ở dọc tuyến đường, tuyến sông phải đảm bảo quy hoạch, độ cao công trình và khoảng lùi; khuyến khích nghiên cứu, áp dụng mẫu thiết kế điển hình cho các công trình công cộng và nhà ở nông thôn đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, lũ lụt, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu.

Lấy ý kiến xây dựng quy chế quản lý

Cơ quan tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan về quy chế quản lý kiến trúc. Chính quyền địa phương liên quan và tổ tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy chế trong việc lấy ý kiến. Đối với quy chế quản lý kiến trúc các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và đô thị đặc thù được xác định trong Chiến lược phát triển kiến trúc quốc gia, chính quyền địa phương liên quan có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt. Việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp bằng văn bản, phiếu điều tra, phiếu góp ý, thông qua các hội nghị, hội thảo, cổng thông tin điện tử của cơ quan có liên quan, trưng bày công khai hoặc giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, theo nhiều kiến trúc sư, việc ra đời Luật Kiến trúc là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ. Thế nhưng, nhiều quy định trong dự thảo cần được làm rõ hơn để có thể đi vào cuộc sống. Ví dụ, quy định “quyền của kiến trúc sư là yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng thiết kế kiến trúc”. Trong khi đó, chủ đầu tư là người thuê kiến trúc sư làm việc và trả chi phí cho kiến trúc sư. Vậy liệu kiến trúc sư có thể yêu cầu chủ đầu tư làm theo ý kiến của mình? Hiện nay, hầu hết kiến trúc sư chỉ có thể giám sát quyền tác phẩm kiến trúc theo Luật Sở hữu trí tuệ… Có nghĩa là chống “ăn cắp” sản phẩm của mình, chứ gần như chưa có kiến trúc sư nào yêu cầu chủ đầu tư làm theo ý mình…

Tin cùng chuyên mục