Hướng tới vaccine Covid-19 thế hệ 2

Theo tờ Global Times, viện nghiên cứu ở thành phố Vũ Hán thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) - đã cô lập thành công biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 và đang đẩy nhanh quá trình phát triển liều vaccine đặc biệt để chống lại biến chủng đang lây lan mạnh trên toàn cầu này.
Tiêm vaccine là một trong những phương thức tốt nhất để hạn chế tử vong do Covid-19. Ảnh: FT
Tiêm vaccine là một trong những phương thức tốt nhất để hạn chế tử vong do Covid-19. Ảnh: FT

Giảm tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19 

Trao đổi với truyền thông, giám đốc viện trên, chuyên gia Duan Kai, cho biết các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với loại vaccine Covid-19 do viện phát triển cho thấy vaccine có hiệu quả bảo vệ toàn diện là 72,51% với tất cả đối tượng tiếp nhận và có hiệu quả bảo vệ 100% trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng và vừa với mọi bệnh nhân được xác nhận mắc Covid-19 sau khi tiêm. Viện đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về biến chủng Delta, nỗ lực hoàn tất sớm các nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp sớm nhất có thể. 

Cũng tờ Global Times ngày 17-8 dẫn thông báo của CNBG xác nhận vaccine của hãng này không làm tăng nguy cơ gây ra chứng huyết khối hoặc giảm tiểu cầu ở những người được tiêm chủng.

Sinopharm trích dẫn nghiên cứu được công bố vào ngày 27-7 trên Tạp chí Thông tin khoa học, cho biết tỷ lệ chuyển hóa huyết thanh của kháng thể đặc trị SARS-CoV-2 là 95,81% trong 4 tuần sau khi tiêm chủng bằng một mũi tiêm do CNBG phát triển.

Nghiên cứu được thực hiện trên 406 nhân viên y tế được tiêm 2 liều vaccine, cách nhau 21 ngày, tại Bệnh viện Thụy Kim Thượng Hải. Họ được tuyển chọn từ ngày 14-1 đến ngày 10-3-2021, với thời gian theo dõi tối thiểu là 8 tuần.

Theo CNBG, Sinopharm đã phát triển 2 loại vaccine Covid-19 bất hoạt, một của viện nghiên cứu Sinopharm ở Bắc Kinh và một của viện nghiên cứu Sinopharm ở Vũ Hán. Hai loại vaccine này đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở 98 quốc gia và khu vực, đồng thời đã được các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. 

Theo tuyên bố khác từ CNBG, 2 vaccine này đã chứng minh hiệu quả bảo vệ người được tiêm chủng trước nguy cơ tử vong nói chung là 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên tại Argentina, dựa trên dữ liệu của gần 150.000 người. 

Nhiều tin tức khả quan

Tại châu Âu, sau thất bại với vaccine Covid-19 đầu tiên (vaccine CVnCoV), Công ty Công nghệ sinh học CureVac có trụ sở tại Tübingen của Đức đang hợp tác bào chế cùng Công ty Dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh.

Thông báo của CureVac cho biết, ứng cử viên vaccine thế hệ thứ 2 có tên gọi CV2CoV đã cho thấy phản ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ tốt hơn trong các thử nghiệm tiền lâm sàng với khỉ.

Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine thế hệ mới đạt khả năng trung hòa kháng thể mạnh hơn đối với các biến chủng virus nghiên cứu (gồm cả biến thể Delta, Beta hay Lambda) so với thế hệ đầu tiên.

Dự kiến, nghiên cứu lâm sàng đầu tiên với các tình nguyện viên sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay. Trước đó, vaccine đầu tiên CVnCoV sử dụng công nghệ mRNA mà CureVac tự phát triển chỉ cho hiệu quả kháng thể trung bình mọi lứa tuổi là 48%. 

Tại La Habana, Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) cho biết, các loại vaccine Covid-19 do nước này bào chế và sản xuất có khả năng chống lại biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Chủ tịch BioCubaFarma Eduardo Martínez dẫn số liệu báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Bộ Y tế Cuba phân tích dữ liệu và các chỉ số lâm sàng dịch tễ của quá trình tiêm chủng đại trà từ tháng 5 vừa qua cho thấy có 21.000 người (tương đương với 0,8% trong số 2,5 triệu người được tiêm vaccine đầy đủ) mắc bệnh trở lại kể từ khi Cuba bắt đầu tiêm phòng đại trà trên cả nước cho tới nay. Trong số đó, số người tử vong sau khi mắc bệnh trở lại là 99 người, tương đương 0,003%. Đây được xem là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy các loại vaccine của Cuba đang phát huy tác dụng, chống lại biến chủng Delta và ngăn ngừa bệnh biến chuyển nặng.

Đến nay có 6 loại vaccine Covid-19 đã được WHO cấp phép khẩn cấp, đảm bảo an toàn và hiệu quả, bao gồm: vaccine AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca (Anh) sản xuất; vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất; vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc); vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech của 2 hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp sản xuất; vaccine Spikevax (tên khác là Covid-19 Vaccine Moderna) do hãng Moderna của Mỹ sản xuất; Covid-19  Vaccine Janssen (tên khác là Johnson & Johnson) do hãng Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) phối hợp sản xuất.

Tin cùng chuyên mục