Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã khiến hàng triệu trái tim Việt Nam chung một nhịp đập. “Phụ nữ chung tay hướng về biển đảo quê hương” là chủ đề của đêm giao lưu do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… đã đem lại nhiều cảm xúc cho công chúng.
Em nhường anh cho Tổ quốc thương yêu!
Cả khán phòng im lặng khi trên màn ảnh hiện lên những hình ảnh về những người lính biển đang ngày đêm vượt sóng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có mặt đêm nay là những người phụ nữ đến từ mọi miền đất nước: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, ở tận đất mũi Cà Mau và cả ở nước ngoài nhưng cùng chung tấm lòng yêu nước thiết tha, cùng chung tay hướng về biển đảo quê hương. Đó là mẹ lão thành cách mạng, dành những đồng lương hưu ít ỏi gởi đến các con đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là chị bán ve chai phải chạy ăn từng bữa nhưng sẵn sàng đóng góp những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi góp đá xây Trường Sa. Là em học sinh lớp 4 nuôi heo đất đóng góp cả chục triệu đồng cho biển đảo…, là những người mẹ, những người chị, người em, những người vợ tần tảo nơi hậu phương luôn chu toàn mọi việc để những người chiến sĩ vững lòng làm nhiệm vụ nơi Trường Sa, Hoàng Sa.
Từng có mặt trong những chuyến đi thực tế đến Trường Sa, Hoàng Sa, chồng lại phục vụ trong quân đội, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều đến từ đất mũi Cà Mau đã chia sẻ những vần thơ cảm động và tha thiết: Em viết cho anh từ phía cuối chân trời/ Cửa Ông Trang, Bồ Đề cũng đang sục sôi uất nghẹn/ Đất nước mình không thể để mất dù chỉ một centimet biển/ Bão dậy rồi/ Em nhường anh cho Tổ quốc thương yêu. Nhà thơ Huệ Triệu, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tâm tình: “Chạm đến đề tài đất nước là chạm đến những điều vừa giản dị vừa quá đỗi thiêng liêng, không chỉ với văn nghệ sĩ mà còn với tất cả người dân Việt Nam. Tôi muốn bài thơ mang âm hưởng một khúc tráng ca lay động niềm tự hào, kiêu hãnh, niềm tin về đất nước”. Và chị chia sẻ bằng một niềm tin mãnh liệt: Khi giặc đến núi vươn thành lá chắn/ Biển trào sôi dâng kiếm sóng ngăn thù/ Bao xương máu những người con của mẹ/ Lặng lẽ vào lòng biển kết san hô. Từ CHLB Đức, không kịp gặp những đồng nghiệp của mình, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nhắn nhủ: “Tôi nghĩ trong lúc này, không chỉ riêng tôi mà tất cả văn nghệ sĩ bằng tác phẩm của mình đều thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Bài thơ Tổ quốc gọi tên của chị ra đời tại CHLB Đức, là cảm xúc tuôn trào khi chị đọc thông tin Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tình cờ đã đọc được bài thơ này của người con phương xa và chỉ chừng mươi phút sau, bài hát Tổ quốc gọi tên mình với giai điệu hùng tráng đã ra đời và nhanh chóng nổi tiếng từ đó.
Son sắt tấm lòng hậu phương
Lớn lên ở làng biển Thanh Khê (Đà Nẵng), từ nhỏ chị Huỳnh Thị Như Hoa (chủ nhân tàu ĐNA 90152 - bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26-5) đã gắn với biển. Để có được hai con tàu ra khơi, vợ chồng chị đã chắt chiu gầy dựng suốt mấy mươi năm. “Tôi thật sự căm phẫn khi nghe tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của mình, bỏ mặc anh em thuyền viên vật lộn với sóng to gió lớn. Tôi nghĩ mình không đơn độc trong cuộc đấu tranh này vì phía sau là cả một dân tộc. Tôi quyết tâm kiện tàu Trung Quốc và hiến tặng tàu ĐNA 90152 cho Hội nghề cá Việt Nam làm chứng cứ. Tôi sẽ tiếp tục ra khơi…”, chị Hoa khẳng định.
Xúc động hơn là những lời tâm sự chân thành của chị Nguyễn Thị Quý (quận 12). Có biệt danh “Chị ve chai nặng tình với biển đảo”, ít ai ngờ chị Quý từng được đến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1: “Năm 2012, tôi dành dụm ít tiền đóng góp cho chương trình góp đá xây Trường Sa. Mấy tháng sau, tôi thật bất ngờ khi được chọn đến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Đi rồi mới thấy thương bộ đội và dân mình nhiều hơn, cuộc sống ở đảo còn nhiều khó khăn lắm”. Cậu con trai lớn của chị vừa tốt nghiệp cao đẳng, thấm thía câu chuyện của mẹ, đã tình nguyện nhập ngũ. “Tôi mong cháu được phục vụ lâu dài trong quân đội. Những chuyện khó khăn ở nhà, tôi đều vượt qua được”, chị Quý quả quyết.
Đến từ TP Vũng Tàu, chị Vương Thị Hà cùng hai con nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều người. Là vợ của kiểm ngư Lê Đình Minh, đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển Đông, anh thường xuyên công tác xa nhà, chị thay anh quán xuyến mọi việc. Hai cháu song sinh ra đời chị lại càng vất vả hơn. “Lúc các cháu được 8 tháng, tôi phải một mình chăm sóc. Nhưng vất vả mấy tôi cũng vượt qua được, chỉ lo cho anh đang làm nhiệm vụ. Bà con ở khu phố, tiểu thương ở chợ Vũng Tàu luôn quan tâm giúp đỡ tôi. Tôi tự hào vì chồng mình đang làm nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
MINH AN