Hướng về đất Tổ

“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Đã từ lâu, lễ giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày hội quần tụ của cả dân tộc Việt Nam để cùng tưởng nhớ đến tổ tiên, hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, từ đó khẳng định sức mạnh và giá trị của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay vừa tròn 70 năm lễ giỗ Tổ đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (1946 - 2016), nên đây còn là dịp để thế hệ hôm nay tri ân sâu sắc các bậc tiền nhân, các thế hệ cha anh đã kiên cường, anh dũng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập và giữ nước, trong đó có bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo sử sách ghi lại, cách đây 70 năm, trong tình thế vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 11 tháng 4 năm 1946 (tức ngày mùng 10 tháng 3 năm Bính Tuất), không chỉ ở Đền Hùng trên Đất Tổ mà còn được chính quyền cách mạng non trẻ tổ chức một cách trọng thể ngay trong lòng thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá, nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cùng lúc đó, đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa... về dự lễ dâng hương tại Đền Hùng. Trong ngày giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để cáo tế với tổ tiên lòng quyết tâm bảo vệ nền tự chủ quốc gia của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết tuôn chảy từ cội nguồn.

Kỷ niệm 70 năm lễ giỗ Tổ đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc từ thời các vua Hùng, thể hiện tình đoàn kết keo sơn, khẳng định lòng yêu nước - sức mạnh của cội nguồn góp phần tạo nên sức mạnh toàn dân tộc để làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ giỗ Tổ như thắp sáng hơn ngọn lửa yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Bác Hồ từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Khi lòng yêu nước rực cháy trong mỗi người dân, lớp lớp cha anh kế tiếp nhau đã đập tan mọi cuồng vọng của quân xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử, bảo vệ nền văn hóa và quyền tự chủ.

Đây chính là điều kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là yếu tố cốt lõi chi phối đời sống tinh thần, là nền tảng tạo nên tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Lòng yêu nước Việt Nam mang khí phách, tâm hồn dân tộc với ý chí kiên cường. Quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng là quá trình tự nhận thức về lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam. Càng yêu nước, nhân dân Việt Nam càng thiết tha tự hào, tưởng nhớ những người lập quốc, những vị tổ tiên tiền hiền nhân hậu và oanh liệt của mình.

Kỷ niệm 70 năm lễ giỗ Tổ đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam càng cho chúng ta thấm thía bài học mà cha ông để lại: dựng nước đã khó nhưng giữ nước còn khó khăn gấp bội phần. Giữ lấy nước cũng chính là lẽ sống, lý tưởng sống, là con đường mà Bác Hồ đã chọn và chỉ ra cho cả dân tộc cùng đi. Chủ quyền biển, đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được minh chứng bằng các tài liệu, chứng cứ lịch sử từ nhiều thế kỷ trước. Chính vì thế, việc nhân dân Việt Nam tự nguyện, tự giác tập hợp nhau trong một khối thống nhất, đồng thuận, kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia bằng con đường hòa bình vừa là nhu cầu tự thân tất yếu ở người dân, đồng thời là yêu cầu tất yếu của thời cuộc, bởi chúng ta có nghĩa vụ và trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà biết bao thế hệ cha ông đã đổ bao xương máu.

Trong bối cảnh biển Đông đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chủ quyền biển, đảo nước ta, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đang ngày càng được phát huy cao độ và củng cố mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức và phương cách đa dạng, cho thấy nội lực dân tộc đang được hòa quyện trong dòng mạch yêu nước, được lan tỏa, phát triển về cả bề rộng lẫn chiều sâu. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay và kỷ niệm 70 năm lễ giỗ Tổ đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục