Hướng về miền Trung

Chưa đầy 2 tuần lễ, bão, lũ, mưa lớn bất thường ập vào miền Trung. Thiên tai dồn dập khiến cơ sở hạ tầng không đủ sức chống chịu. Cuộc sống của người dân dải đất hẹp ấy cũng trở nên chông chênh trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai.

Khắp các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam hứng chịu mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây nên tình trạng ngập lụt, cô lập, sạt lở. Đặc biệt, trận mưa lớn chưa từng có trong lịch sử ở Đà Nẵng từ trưa 14 đến rạng sáng 15-10 đã khiến địa phương này chịu thiệt hại nặng nề.

Đến nay, một số nơi ở Đà Nẵng vẫn còn ngập sâu, thiệt hại chưa thống kê hết được. Tại Thừa Thiên - Huế, hàng trăm hécta hoa màu chìm dưới lũ, nhiều ao đầm nuôi thủy sản mất trắng, chưa kể các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông, nhiều điểm trường đang ngập trong nước. Nửa đêm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc phải tiếp cận một thôn hẻo lánh để đưa ông cụ trên 80 tuổi, 1 phụ nữ và 2 cháu nhỏ đến nơi an toàn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), báo cáo tổng hợp của các tỉnh miền Trung cập nhật đến 17 giờ ngày 16-10 tại các tỉnh, thành như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình… đã có hàng trăm ngàn ngôi nhà đang ngập trong nước lũ, cùng với đó là hàng trăm ngàn hộ gia đình phải di dời. Mưa bão và lũ lụt dồn dập đã làm tài sản, vật dụng nhiều gia đình bị cuốn trôi và hư hỏng nặng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão Nesat sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 6 và đổ bộ vào khu vực miền Trung trong vài ngày tới. Chưa biết bà con di dời tránh lụt do bão số 5 gây ra có kịp trở về nhà khi bão số 6 ập tới hay không, nhưng chắc rằng cuộc sống những ngày tới đây sẽ vô cùng gian khó khi bão lũ dồn dập.
Mảnh đất miền Trung bao đời nay đã chịu nhiều gian khó do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, lại phải đương đầu với thiên tai, bão lũ hàng năm. Từ khốn khó, tinh thần vươn lên, vượt qua nghịch cảnh đã trở thành “chất” của con người nơi đây. Tuy vậy, sức chịu đựng nào cũng có hạn, nhất là khi mà thiên tai dồn dập cuốn đi mọi thứ. Mẹ già, sau những ngày tránh lụt cũng sẽ trở về với mảnh vườn; các cháu rồi cũng tiếp tục cắp sách tới trường, nhưng vườn tược cây cối ngập lụt mất trắng, cặp sách bị lũ cuốn trôi, làm sao khôi phục lại nhịp sống bình thường?
Điều xúc động là, chính từ trong gian nguy ấy, tinh thần sẻ chia, đùm bọc nhau để vượt qua đã hiển hiện. Bà con vùng lũ nương tựa nhau; chính quyền, nhà hảo tâm tiếp sức từng gói mì tôm, tấm áo mỏng khi trời lạnh. Chia sẻ phần nào những khó khăn của người dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại Đà Nẵng bị hư hỏng xe máy do ảnh hưởng của trận ngập lụt vừa qua, nhóm thợ sửa xe huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã tình nguyện đến Đà Nẵng và lập điểm sửa xe miễn phí. Hành động của những thợ sửa xe huyện Thăng Bình khiến mọi người rất cảm kích.
Ngay khi cơn lũ hoành hành, Báo SGGP đã đến thăm hỏi và trao số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ đói rét vì mưa lũ tại khu vực xóm Gióng, phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cũng trong chiều 15-10, đại diện Báo SGGP tại miền Trung phối hợp với chính quyền phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình anh Võ Anh Tuấn (trú tổ 36, phường Hòa Khánh Nam) là cha của em Võ Huỳnh Nguyên Thảo (16 tuổi, lớp 11 Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 TP Đà Nẵng) vừa mất do bị lũ cuốn tối ngày 14-10.
Sẽ còn nhiều hơn những tấm lòng, những sẻ chia tiếp tục tiếp nối để đồng bào miền Trung ruột thịt gượng dậy, trở lại với nhịp sống bình thường khi bão lũ qua đi. Đó là “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi người dân Việt, để giúp đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục